image banner
Lịch sử Đảng bộ xã Nghĩa Mai
Lượt xem: 23

LỜI NÓI ĐẦU

 

      Nghĩa Mai là xã miền núi nằm về phía Tây Bắc của huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhiều thế hệ người con Nghĩa Mai đã đóng góp trí tuệ, công sức và cả xương máu để làm nên giá trị văn hóa, bản sắc của vùng đất này. Đặc biệt, từ khi chi bộ Đảng xã Tân Lập ra đời và lãnh đạo, cùng với đồng bào cả nước, nhân dân Nghĩa Mai đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1953, Chi bộ Đảng Nghĩa Mai ra đời trên cơ sở được tách ra từ Chi bộ Đảng Tân Lập, Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân Nghĩa Mai kiên trì bám đất, bám làng lao động sản xuất, hăng hái tham gia đánh giặc giữ nước và làm tròn nghĩa vụ với tiền tuyến. Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai đã và đang tích cực xây dựng quê hương phát triế về kinh tế, mạnh về chính trị, có nền văn hóa phát triển, thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới.

     Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“dân ta phải biết sử ta”. Trong di chúc thiêng liêng của Người cũng ân cần căn dặn:“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Do vậy, để cán bộ, đảng viên, nhân dân, bạn bè và các thế hệ mai sau hiểu rõ lịch sử hình thành, phát triển của Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai từ khi có Đảng đến nay, góp phần giáo dục, phát huy truyền thống của quê hương; thực hiện Chỉ thị 15 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 28.8.2002; Thông tri số 18/TT - TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ngày 25.3.2003 về tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương, thể theo nguyện vọng của nhân dân xã Nghĩa Mai, ngày 05.06.2013, Ban Chấp hành Đảng bộ xã ra Quyết định số 04 QĐ/ĐU thành lập Ban chỉ đạo, Ban sưu tầm,biên soạn Lịch sử Đảng bộ xã Nghĩa Mai.

          Cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ xã Nghĩa Mai 1953 - 2015”ra đời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo nhân dân toàn xã, góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ con em xã nhà hôm nay và mai sau.

Thay mặt Đảng bộ xã Nghĩa Mai, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự chỉ đạo, giúp đỡ của Huyện ủy Nghĩa Đàn, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, ban ngành ở địa phương qua các thời kỳ, nhất là với tinh thần trách nhiệm cao của Ban Chỉ đạo, Ban biên soạn.

          Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong quá trình biên soạn, nhưng do nguồn tư liệu và nhân chứng lịch sử còn lại không còn nhiều nên cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Nghĩa Mai 1953 - 2015”chưa phản ánh thực sự đầy đủ bề dày lịch sử của xã và không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Rất mong bạn đọc thông cảm, góp ý, bổ sung để cuốn sách ngày càng hoàn thiện hơn trong những lần tái bản sau.

          Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!

BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ XÃ NGHĨA MAI

Chương 1

KHÁI QUÁT VỀ VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI NGHĨA MAI

 

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1. Vị trí địa lý, địa hình

  Nghĩa Mai là xã miền núi, nằm về phía Tây Bắc của huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm huyện Nghĩa Đàn khoảng 28 km. Xã có các vị trí tiếp giáp như sau: Phía Bắc giáp huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hoá), phía Nam giáp xã Nghĩa Thịnh và Nghĩa Hưng, phía Đông giáp xã Nghĩa Hồng và Nghĩa Yên, phía Tây giáp xã Tam Hợp, Đồng Hợp và Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp) và xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu).

 Xã có địa hình đồi núi tương đối phức tạp, độ dốc lớn lại bị chia cắt bởi đồi núi cao, địa giới hành chính kéo dài tiếp giáp với nhiều xã, đặc biệt là tiếp giáp với Quỳ Hợp và huyện Như Xuân của tỉnh Thanh Hoá. Xã có tới 2/3 diện tích là đồi núi được phân thành 2 vùng rõ rệt:

Vùng núi cao: chủ yếu tập trung ở phía Bắc và phía Tây của xã, nơi đây bao gồm những dãy núi cao và rừng tự nhiên chiếm 70% diện tích.

 Vùng đồi, núi thấp: Phân bố tập trung ở phía Đông Nam với những ngọn đồi thấp và ruộng bậc thang, đất chủ yếu là đất đỏ Bazan, phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, cây ăn quả và một phần đất xám đen phù hợp với các loại cây công nghiệp ngắn ngày.

2. Khí hậu

Khí hậu ở Nghĩa Mai cũng giống như các xã khác ở huyện Nghĩa Đàn mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa và đặc điểm riêng của tiểu vùng khí hậu Bắc Trung Bộ. Mỗi năm có 2 mùa rõ rệt: Mùa nóng và mùa lạnh.

     Mùa nóng: thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10. Đây là mùa có nhiệt độ cao, thường 29 - 320C và có khi lên đến 41,10C vào tháng 6, 7, trung bình hàng năm là 250C. Mùa này có gió mùa Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh thành từng đợt gây cảm giác khô và nóng. Đây cũng là mùa mưa lớn thường xuất hiện, lượng mưa bình quân hàng năm 1.815,8 mm. Cũng như các vùng khác trong tỉnh, hàng năm Nghĩa Mai phải chịu 2 - 3 cơn bão mạnh. Bão thường kèm theo mưa to, gây lụt lớn trên diện rộng, làm mất mùa, nhân dân đói kém. Gần đây, do nạn chặt phá rừng bừa bãi, nhiều vùng núi phải chịu thêm những cơn lũ quyét với sức tàn phá khủng khiếp, mùa hè nóng, nhiệt độ cao gây nên hiện tượng cháy rừng.

Mùa lạnh: thường bắt đầu vào tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Mùa này có gió Đông Bắc và Tây Bắc mang theo nhiều hơi nóng và mưa phùn. Nhiệt độ trung bình từ 10 - 150C, có khi xuống dưới 100C, gây khô hanh và rét, thậm chí có năm còn xảy ra sương muối.

      Với đặc điểm khí hậu nêu trên việc sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, cần bố trí cây trồng, cơ cấu thời vụ thích hợp, tránh các yếu tố bất lợi, tăng cường bảo vệ đất đồng thời kết hợp sử dụng các biện pháp tổng hợp để nâng cao độ phì nhiêu cho đất.

       Diễn biến thời tiết - khí hậu luôn biến đổi, sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai mùa, tương đối lớn nên tương đối thuận lợi cho sản xuất như: mưa nhiều cũng như độ ẩm cao đã giúp đất đai ở Nghĩa Mai được tưới nước và giữ ẩm lâu, dễ cày xới và canh tác. Tuy nhiên, cũng gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của nhân dân và ảnh hưởng đến việc bố trí sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng, dẫn đến tăng về chi phí sản xuất.

3. Tài nguyên

    Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá trong phát triển sản xuất nông nghiệp nhất là đối với xã thuần nông như Nghĩa Mai. Tổng diện tích đất tự nhiên của toàn xã là 11.830,40 ha bao gồm các loại đất chính: Đất đỏ Bazan, đất Feralit trên phiến đá vôi, đất trắng trên đất phiến sét, đất dốc tụ. Sự phân bố thổ nhưỡng trên địa bàn xã không đều, đất lâm nghiệp chiếm trên 70% diện tích tự nhiên, tập trung tại phía Bắc và phía Tây của xã.

Đất đỏ Bazan với diện tích khoảng trên 300 ha, được dùng để trồng các loại cây công nghiệp dài ngày và các loại cây họ đậu, ngô, lạc... Loại đất này chủ yếu tập trung ở các xóm vùng trung tâm: xóm 3a, 3b, 3c, 5b, 6a, 6b, 7a, và xóm 7b. Đất màu vàng, nhiều sạn khó thâm canh chủ yếu là trồng lúa, tập trung ở các xóm phía Đông Nam, nơi tiếp giáp với xã Nghĩa Hồng bao gồm xóm 8, xóm 9. Đất dốc tụ có màu đen, có diện tích khoảng 750 ha, chủ yếu là phân bố ở các xóm phía Tây Bắc.

          Nghĩa Mai có hai nguồn nước chủ yếu là nguồn nước mặt và nước ngầm. Nguồn nước mặt chủ yếu là lượng nước sông Hiếu chảy qua đoạn ranh giới giáp với huyện Quỳ Hợp và lượng nước từ khe Ang bắt nguồn từ vùng núi Như Xuân - Thanh Hoá chạy dọc từ đầu nguồn đến cuối xã. Ngoài ra, xã còn có các suối nhỏ và mó nước rải đều trong các khu dân cư cùng với 5 hồ đập trên địa bàn đã cung cấp nước tưới khá phong phú cho cây trồng và phục vụ sinh hoạt trên toàn xã. Cho đến nay, chưa có tài liệu nào đánh giá chính thức về nguồn nước ngầm của xã, nguồn nước ngầm chủ yếu do người dân tự khai thác để dùng trong sinh hoạt.

 Theo số liệu điều tra khảo sát những năm gần đây, trên địa bàn xã Nghĩa Mai nguồn tài nguyên khoáng sản không lớn, chủ yếu mỏ đá Bazan. Ngoài ra xã có 40,13 ha núi đá, là nguồn cung cấp vật liệu tại chỗ cho việc xây dựng các công trình dân dụng trên địa bàn và các xã phụ cận.

  Nghĩa Mai là xã có diện tích rừng lớn nhất huyện Nghĩa Đàn. Rừng chủ yếu tập trung ở phía Bắc và Tây Nam của xã, nơi tiếp giáp với huyện Như Xuân (Thanh Hoá) và huyện Quỳ Hợp. Xã có 8.530,68 ha đất rừng (trong đó đất rừng sản xuất là 6.797,68 ha, đất rừng phòng hộ là 1.733,00 ha) chiếm 72,11% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn xã, độ che phủ rừng đạt 73,3% bao gồm cả diện tích cây lâu năm. Trong những năm gần đây, ngoài diện tích rừng sản xuất, xã còn quan tâm đến việc phát triển trồng rừng, để đảm bảo môi trường sinh thái, mạch nước ngầm, giữ độ ẩm cho cây trồng, phục vụ nước sản xuất và sinh hoạt.  

II. ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI

1. Lịch sử địa danh

Trải qua quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, địa giới hành chính của huyện Nghĩa Đàn cũng như Nghĩa Mai có nhiều thay đổi với những tên gọi khác nhau.

Năm 111 trước công nguyên, nhà Hán tiêu diệt thế lực cát cứ họ Triệu, thôn tính nước ta, chia Cửu Chân thành 7 huyện. Nghĩa Đàn thuộc vùng Bắc - Tây Bắc của huyện Hàm Hoan. Đến thế kỷ thứ III sau Công nguyên, nước ta thuộc nhà Ngô (tách phần phía Nam quận Cửu Chân, ngang huyện Hàm Hoan, lập thành huyện Cửu Đức), Nghĩa Đàn vẫn thuộc huyện Hàm Hoan - một trong 6 huyện của quận Cửu Đức.

Đến thời nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), Nghĩa Đàn thuộc đất Diễn Châu. Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) tổ chức hành chính Nghệ An được sắp xếp lại và lập thêm một số huyện mới. Phủ Quỳ Châu trước đây có hai huyện Trung Sơn (Quế Phong) và Thúy Vân (tương đương phần lớn đất Quỳ Châu và Quỳ Hợp ngày nay) được cắt một phần và lập nên huyện Nghĩa Đường. Năm 1885, vì kị húy nên Đồng Khánh đổi tên Nghĩa Đường thành Nghĩa Đàn. Tên huyện Nghĩa Đàn ra đời từ đó.

Huyện Nghĩa Đàn được thành lập trên cơ sở trích đất 7 tổng của huyện Quỳnh Lưu (Hạ Bì, Nghĩa Hưng, Phước Lộ, Chương Khê, Nhiêu Hạp, Thuần Can và Lâm La), một tổng của huyện Yên Thành (Cự Lâm) và tổng Đan Lâm (đất Thúy Vân cũ), do phủ Quỳ Châu kiêm lý. Toàn phủ có 17 tổng, 93 xã thôn thì Nghĩa Đàn có 8 tổng với 49 xã thôn, do đó Nghĩa Đàn được xem là huyện có vị trí quan trọng của phủ Quỳ Châu lúc bấy giờ. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), lỵ sở của phủ Quỳ Châu được dời từ xã Đông Lạc, huyện Thúy Vân đến Nghĩa Hưng của huyện Nghĩa Đàn.

Khi thực dân pháp sang xâm lược, ngày 22.10.1907, toàn quyền Đông Dương ra nghị định củng cố vùng Quỳ Châu - Nghĩa Đàn, đặt tại Nghĩa Hưng một sở đại diện của chính quyền cấp tỉnh. Ngày 3.3.1930, toàn quyền Đông Dương ra nghị định tiếp theo nâng trạm Nghĩa Hưng lên thành Sở đại lý phủ Qùy với trách nhiệm và quyền hạn hơn trước. Huyện Nghĩa Đàn lúc này có 6 tổng với 58 xã thôn, có con dấu riêng và cơ cấu này tồn tại cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Các làng: Làng Cáo, làng Xao, làng Bái, làng Bui, làng Bàu, làng Nan (Nghĩa Mai) lúc này thuộc xã Tân Lập, tổng Lâm La, huyện Nghĩa Đàn.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1950, huyện Nghĩa Đàn gồm có 6 tổng với 58 xã thôn, Nghĩa Mai thuộc tổng Lâm La. Năm 1947, Nghĩa Mai thuộc xã Tân Lập, tổng Lâm La. Từ những năm 1950, Trung ương đã có hướng chia các xã lớn thành các xã nhỏ cho phù hợp với năng lực lãnh đạo và tình hình xã hội lúc bấy giờ, nhưng vì cuộc đấu tranh giảm tô chưa được thực hiện nên phải hoãn lại. Mãi đến năm 1953, khi mà cuộc vận động giảm tô bước đầu được triển khai và có nhiều thắng lợi thì chủ trương đó đã được thực hiện: các xã lớn được chia thành nhiều xã nhỏ phù hợp với điều kiện địa lý, Nghĩa Mai là một trong số các xã được chia tách trong thời điểm đó. Như vậy, năm 1953 Nghĩa Mai được tách từ xã Tân Lập cũ cùng với các xã Nghĩa Minh, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Mai, Nghĩa Yên và có tên chính thức trong bản đồ hành chính huyện Nghĩa Đàn. Những ngày đầu mới thành lập, Nghĩa Mai là một xã đất rộng, người thưa, hầu hết cư dân đều là đồng bào dân tộc Thổ (chiếm 70%), dân tộc Thanh - Thái (chiếm 25%), dân tộc Kinh (chiếm 5%).

 

Giữa năm 1947, thực hiện chủ trương tinh giảm cấp huyện, tăng cường cấp xã của Hội đồng Chính phủ và Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo hợp nhất những xã nhỏ thành các xã lớn. Ở Nghĩa Đàn, 61 làng cũ được hợp nhất lại thành 16 xã mới tùy theo điều kiện địa dư, kinh tế, phong tục và dân nguyện, xã kém với xã khá để nâng đỡ lẫn nhau. Do vậy, làng Cáo, làng Xao, làng Bái, làng Bui, làng Bàu, làng Nan…(Nghĩa Mai) cùng với các xã Lai Đáp, Lâm La và Tràng Trị thuộc xã Tân Lập.

Tháng 2 năm 1953, thực hiện chủ trương của cấp trên, các xã lớn được tách thành những xã nhỏ để phù hợp với tình hình mới. Do vậy, xã Tân Lập được tách ra thành 4 xã: Nghĩa Yên, Nghĩa Minh, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Mai. Xã Nghĩa Mai chính thức ra đời và tồn tại đến ngày nay.

Ngày 19.4.1963, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 52/CP phê chuẩn việc chia lại địa giới các huyện Quỳ Châu, Anh Sơn, Nghĩa Đàn thành 7 huyện mới, trong đó có huyện Nghĩa Đàn. Huyện Nghĩa Đàn mới gồm 23 xã và thị trấn Thái Hòa.

Ngày 15.11.2007, Chính phủ ban hành Quyết định số 164/2007/NĐ - CP điều chỉnh địa giới hành chính huyện Nghĩa Đàn, thành lập thị xã Thái Hòa gồm thị trấn Thái Hòa và 7 xã vùng trung tâm. Huyện Nghĩa Đàn còn lại 24 xã với 61.754 ha diện tích tự nhiên và 129.158 nhân khẩu.

Năm 2015, xã Nghĩa Mai có 1.596 hộ với 7.149 khẩu, phân bố trên 23 xóm bản. Đảng bộ có 29 chi bộ, trong đó có 23 chi bộ thôn bản, 6 chi bộ cơ quan với 258 đảng viên.

2. Dân cư

Thành phần dân cư Nghĩa Mai có ba dân tộc anh em sinh sống, người Kinh, Thổ, và Thái với 1.596 hộ với 7.149 khẩu phân bố trên 23 xóm bản.

Nguồn gốc dân tộc Thổ ở Nghĩa Mai: theo các công trình nghiên cứu, từ xa xưa thành phần dân tộc ở Nghĩa Mai chủ yếu là dân tộc Thổ Mọn. Họ đến định cư cách đây từ 250 - 300 năm. Một bộ phận người Thổ di cư từ các địa phương Thanh Hóa và các huyện miền xuôi lên (như Diễn Thọ (Diễn Châu), Quỳnh Lưu)….Đa số bà con dân tộc Thổ ở Nghĩa Mai sinh sống ở các vùng rẫy dốc xen lẫn với thung lũng tương đối bằng phằng và vùng giáp với huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Nghĩa Mai là làm rẫy, khai thác lâm - thổ sản. Ngoài việc trồng các loại cây lương thực như: lúa rẫy, sắn, ngô, khoai, vừng…, bà con dân tộc Thổ còn trồng các loại cây gai để lấy sợi dệt thổ cẩm, dệt các loại khăn, đan võng. Cho đến nay, các bản dân tộc Thổ ở Nghĩa Mai cũng như ở các xã Nghĩa Yên, Nghĩa Minh, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thịnh vẫn giữ được bản sắc của mình. Bà con dân tộc Thổ sống xen kẽ cùng dân tộc Thanh, Kinh với nhiều xã khác nhau trong huyện.

Nguồn gốc dân tộc Thái (Thanh)(1): dân tộc Thái ở Nghĩa Mai có nguồn gốc từ Thanh Hóa di cư vào đầu thế kỷ thứ XVII bằng đường bộ (đường bộ theo đường giáp của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, cụ thể là hai huyện Nghĩa Đàn và Như Xuân, còn đường thủy thì qua Quỳ Châu theo sông Chàng, sông Hiếu xuôi về). Dân tộc Thái ở Nghĩa Mai tập trung ở các làng: Se, Giàn,  Bà con định cư ở dọc các khe suối, có kinh nghiệm làm lúa nước, lúa nương, săn bắn và phát triển trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, còn có nghề dệt thổ cẩm.

 Dân tộc Kinh: Từ năm 1965, cư dân ở các vùng miền xuôi đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Nghĩa Mai như: Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và một số huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Một số người dân tộc Kinh bản địa thường gắn bó với các dòng họ dân tộc Thổ, lấy vợ, lấy chồng người Thổ và trở thành người Thổ, đi theo dòng họ vợ hoặc chồng. Phần lớn người Kinh lên định cư ở Nghĩa Mai là các vùng miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới. Sau này, khi các nông trường quốc doanh và các xí nghiệp sản xuất được thành lập, lực lượng người Kinh di cư lên Nghĩa Mai càng đông đúc hơn.

 Đầu năm 1965, thực hiện chủ trương của cấp trên, bà con các xã miền xuôi di dân lên miền núi để xây dựng vùng kinh tế mới, khai hoang, lập làng và xây dựng nông trang. Ở làng Cáo, làng Xao, làng Bui, làng Bái có các hộ dân ở Diễn Châu lên Nghĩa Mai cùng với bà con người Thổ, Thái - Thanh cùng nhau sinh sống và phát triển kinh tế.

Cuối năm 1965 đầu năm 1966, bà con xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên) lên Nghĩa Mai thành lập Nông trang. Vì vậy, giai đoạn này Nghĩa Mai có thêm hai hợp tác xã nông nghiệp: HTX Hưng Tiến 1 và HTX Hưng Tiến 2.

Cuối năm 1967 đầu năm 1968, với khoảng 28 hộ dân xã Diễn Tháp (Diễn Châu) lên Nghĩa Mai thành lập Nông trang và thành lập Hợp tác xã Nghĩa Châu. Đến tháng 4. 1971, Hợp tác xã Nghĩa Châu giải thể.

Bước sang năm 1976, sau khi có chủ trương sáp nhập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, một số hộ dân ở tỉnh Hà Tĩnh dắm dân tại làng Bái, làng Nạn và làng Cáo cùng nhau đoàn kết, khai hoang và phát triển kinh tế. Ngoài ra, giai đoạn này còn có một số hộ ở tỉnh Thanh Hóa cũng di dân ở Nghĩa Mai…Lúc này Nghĩa Mai có 9 xóm.

 Năm 1980, số hộ dân của Hợp tác xã Hưng Tiến 1 được chia thành hai nhóm: một nửa lên Quỳ Hợp, một nửa chuyển về làng Lẻ của làng Cáo thành lập nên xóm 10 (ngày nay). Giai đoạn năm 1980 - 1984, thực hiện chủ trương khai hoang làm kinh tế mới. Một số hộ dân xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) di dân lên làng Cáo phát triển kinh tế và thành lập xóm 12. Một số hộ dân người Quỳnh Bảng lên làng Đồng Giàn và thành nên xóm 13.

Từ năm 1990 - 1991, các xóm được chia thành các đội sản xuất. Cụ thể, xóm 1 chia thành hai đội sản xuất 1a và 1b; xóm 2 thành 2a và 2b; xóm 3 thành 3a và 3b; xóm 4 thành 4a và 4b; xóm 5 thành 5a và 5b; xóm 7 thành 7a và 7b.

 Năm 1995, Nghĩa Mai nhận thêm hai đội sản xuất của Nông trường Cờ Đỏ là đội 3 và đội 7. Đội 3 nay là xóm 14 và đội 7 nay là xóm 15.

Như vậy, trong những năm dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa, với chính sách di dân hợp lý, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện hiệu quả công tác di dân từ các huyện miền xuôi lên vùng núi. Điều này làm cho cơ cấu dân cư và chất lượng dân số ở đây có những thay đổi đáng kể theo hướng từng bước được nâng cao và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về sự phát triển kinh tế - xã hội của xã. Và cũng từ đó đến nay, nhiều biến động của quá trình phát triển dân cư phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị của đất nước đã từng bước tạo cho Nghĩa Mai những thay đổi đáng kể trong cơ cấu cũng như chất lượng dân số theo hướng ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu. Những năm trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng, Nhà nước, xã nhà đã có những bước đi đúng đắn, thích hợp, tạo ra nhiều thay đổi căn bản và đang từng bước vươn lên trong xu thế công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

III. ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, TINH THẦN

1. Đời sống vật chất

1.1. Người Thổ

Tập quán canh tác: Người Thổ chủ yếu trồng lúa rãy (rẫy) hay còn gọi là trồng lúa nương, tức là phát, dọn đồi, nương để gieo lúa và trồng trỉa các cây lương thực. Bà con người Thổ tiến hành thời vụ hàng năm theo âm lịch: từ tháng 2 đến tháng 3, tháng 4 đốt và dọn sạch nương, tháng 5 gieo trỉa lúa và ngô. Lúa trên nương, rẫy được thu hoạch bằng “nải cu cu” (loại hái nhắp có lưỡi dao dắt vào bụng cu cu, một tay nắm bằng gỗ đẽo theo hình chim cu) bà con gọi là p,só. Ngay nay, kỹ thuật canh tác lúa nước đã tiến bộ hơn, đồng bào canh tác mỗi năm 2 - 3 vụ lúa/năm. Lúa nước là nguồn lương thực chính của bà con nhưng đồng bào vẫn còn duy trì trồng lúa nương cổ truyển. Ở nương rẫy, ngoài trồng lúa bà con còn trồng các loại cây khác như: Kê, khoai, sắn... canh tác nương rẫy là tàn tích còn lại theo lối du canh du cư của đồng bào trước đây, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển rừng, môi trường sống. Trong những năm trở lại đây, nhờ được tuyên truyền, giáo dục bảo nên việc đốt rừng làm nương rẫy của đồng bào đã phần nào được bãi bỏ. Cùng với nghề trồng lúa, đồng bào Thổ còn trồng cây gai và phát triển nghề thủ công sản xuất các đồ dùng bằng sợi gai để bán và đổi lấy thực phẩm, công cụ lao động.

Về chăn nuôi: Trước đây, đồng bào Thổ chăn nuôi gà, lợn, vịt, trâu, bò là chủ yếu theo hình thức thả rông nên các vật nuôi hay phá hoại mùa màng. Ngày nay, tập quán chăn nuôi cũ bà con người Thổ đã được thay thế bằng hình thức chăn nuôi chuồng trại như người Kinh.

Trang phục: Trang phục của người Thổ ở Nghĩa Mai khá đơn giản, ít kiểu cách, không hoa văn họa tiết, mang nhiều nét đặc trưng sự pha trộn cải biên của y phục người Mường và người Việt cổ. Đàn ông người Thổ thường mặc quần, áo bà ba, nhuộm nâu, trên đầu quấn khăn đầu rìu, chân đi guốc mộc. Nhưng khi đi rừng thường mang dép da trâu để phòng gai.

Phụ nữ người Thổ thường mặc áo cánh, nhuộm nâu, cổ tròn hoặc trái tim, ống tay dài, chít chân lưng, xẻ hở nách, trong mặc áo lót bằng yếm cánh dơi. Trên đầu phụ nữ Thổ đội khăn quấn đầu bằng vải nhuộm đen hoặc nâu, khi có tang phụ nữ chít khăn màu trắng. Kiểu chít khăn là quấn tóc vào trong khăn và quấn tròn trên đầu. Váy của phụ nữ Thổ dùng bằng vải đen hoặc nâu sẫm, may tròn, phía trên lưng được xâu “chạc rút” hai bên hông thêu hai đường chỉ từ lưng xuống gần gấu váy, kết thúc đường thêu bằng một hoa văn đồng tiền hình vuông lệch về phía sau để phân biệt phía trước và phía sau của váy. Người Thổ thường gọi là váy đồng tiền (vắn tôồng xiền). Khi mặc váy, phụ nữ người Thổ thường quấn thắt lưng từ trước ra sau và được thắt nút ở phía sau lưng. Trong những ngày lễ hội, tết hoặc ở những gia đình có điều kiện thường mặc áo năm thân. Ngày nay, người Thổ thường ít dùng trang phục truyền thống, hầu hết đã chuyển sang trang phục tân thời, hiện đại giống người Kinh.

Nhà ở(1): Nhà ở của người Thổ là nhà sàn, gọi chung là nhà gác được làm từ tranh, tre, nứa. Nền nhà được lót từ “lá sàn”. “Lá sàn” được làm từ thân cây tre, chẻ nhỏ ra thành từng thanh mỏng, cứ một cây tre thì làm được một “lá sàn”. Nhà sàn được lót bằng những thanh tre nhỏ vừa mát lại vừa bền. Người Thổ thường dựng nhà sàn ở những nơi khô ráo mục đích để tránh thú dữ và độ ẩm. Cấu trúc của nhà sàn gồm cột, văng, vì và kèo nhà. Bao gồm 6 vì cột, 5 gian được bố trí thông thoáng với ý nghĩa tiền khách, hậu chủ.

Người Thổ có tục làm “nhà làng”, theo đó hộ nào dựng nhà thì nhân dân trong làng tập trung lại góp sức cùng gia chủ. Nhà nào được xét làm nhà thì gia chủ phải chuẩn bị vật liệu chính như: cột, kèo, dầm nhà, chọn ngày dựng, ngày lợp để xin phép làng. Trưởng làng có trách nhiệm phân bổ cho các hộ góp tre, nứa, tranh và đóng góp các công: dựng nhà, lợp nhà, thưng vách, lót sàn…. Sau khi hoàn thành gia chủ nộp cho làng một con lợn, gạo, rượu để làng tổ chức ăn tại nhà chủ mừng nhà mới và đây cũng là dịp để gia chủ cảm ơn bà con.

Cấu trúc của nhà sàn gồm các gian: Gian đầu tiên thường gọi là gian trước (gian xái). Sàn của gian này một nửa được lót bằng “lá sàn”, nửa còn lại để bắc cầu thang lên nhà, xung quanh gian này thường để thông thoáng, không thưng vách.

Gian tiếp theo được gọi là nhà ngoài khoảng từ 2 - 3 gian. Gian này thường đặt bàn thờ, nơi tiếp khách và giường ngủ.

Gian tiếp theo gọi là nhà trong là ngăn sinh hoạt của gia đình. Trong ngăn này thường thưng một cái buồng kín để cắt giữ những vật dụng quý giá, hoặc làm phòng đón dâu.

Phần còn lại đặt một cái bếp chính giữa, 4 phía của bếp được phân định như sau:

Phía trên (muỏng trêêng): giành cho ông bà

Phía ngoài (muổng ngoài): giành cho đàn ông

Phía sau (muổng sau): giành cho phụ nữ sinh đẻ

Phía dưới (muổng tín): dùng để sinh hoạt chung.

Đầu và cuối thân nhà người ta lót dâm kéo dài ra thành cái chái (cái sạp). Nhà sàn của người Thổ gồm 2 chái: chái trước (sạp trước) dùng để phơi lúa, chái sau (sạp sau) dùng để nước và vật dụng của nhà bếp.

Ở dưới gầm sàn (tức là dưới đất) gọi là tín sướng được dùng để các vật dụng gia đình, làm chuồng để nuôi gia súc, gia cầm. Tục làm nhà sàn và những hoa văn độc đáo của người Thổ cũng cho thấy đồng bào Thổ sử dụng rìu và dao rất điêu luyện. Ngày nay, nhà sàn của người Thổ không còn nữa, thay vào đó nhà đất lợp tranh hoặc nhà xây lợp ngói như nhà của người Kinh nhưng dáng dấp bố trí và cách sinh hoạt trong nhà vẫn còn lưu lại nhiều nét của nhà sàn.  

1.2. Người Thái (Thanh)

Tập quán canh tác của người Thái cũng giống những người Tày, Nùng, Giao...ở vùng phía Bắc nước ta. Đại bộ phận người Thái thường cư trú ở chân núi, dọc theo sông suối, trong các thung lũng. Do điều kiện canh tác khó khăn, công cụ sản xuất đơn giản nên từ xưa kia người Thái sống dựa vào sản xuất nông nghiệp theo hình thức trồng trỉa lúa trên nương rẫy là chủ yếu. Dần dần họ biết tận dụng chỗ đất thấp, gần sông suối để trồng lúa nước, vì thế từ lâu người Thái đã tích lũy được kinh nghiệm làm lúa nước và làm nương rẫy. Tục ngữ Thái có câu:

                          Nặm hày thắng nắm

                         Đắm ná thắng phâu

                         (Tháng năm trỉa lúa rẫy

                           Tháng sáu cấy lúa mùa)

Kết hợp với làm nương rẫy, làm ruộng còn có nghề rừng. Rừng là nơi để người dân khai thác gỗ dựng nhà; mét, nứa, giang, mây để làm dụng cụ sinh hoạt; rau rừng, săn bắt các loại thú, chim và các loại cá để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng vào bữa ăn hàng ngày. Chăn nuôi gia súc, gia cầm nhất là trâu, bò với hình thức chăn nuôi nửa tự nhiên, nửa chăm sóc theo từng hộ gia đình khá phát triển, đây là nguồn thu nhập quan trọng nhằm cải thiện đời sống và phục vụ cho các công việc lớn như: làm nhà, đám ma, cưới hỏi.

      Người Thái sớm biết làm mương dẫn nước từ suối vào ruộng để canh tác lúa nước mỗi năm 2 vụ trên ruộng bậc thang. Trước đây, đất đồi thường để trồng, trỉa lúa, ngô, khoai, sắn... ngày nay nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nhiều giống mới được đưa vào sử dụng như mía ngô, dưa hấu... cung cấp thêm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tạo thêm nguồn thu nhập cho đồng bào. Trước đây, cũng giống như người Thổ, người Thái lấy nước khe và dùng ống suồng, nứa và tre để lấy nước sinh hoạt. Ngày nay, các hộ gia đình người Thái đã biết tự đào giếng lấy nước sinh hoạt. Việc đào giếng của các hộ gia đình vừa tiện lợi vừa đảm bảo vệ sinh sạch sẽ so với dùng nước ở khe, suối.

   Trang phục: Trang phục của phụ nữ Thái gọn gàng và rất đẹp. Từ những sản phẩm tự mình làm ra, người Thái ở Nghĩa Mai đã dệt ra những trang phục mang nét đặc trưng riêng của tổ tiên mình. Nhìn bên ngoài có vẻ cầu kỳ phức tạp nhưng trang phục của người phụ nữ Thái phản ánh một không gian rộng lớn về tài năng cũng như vẻ đẹp con người - vẻ đẹp phản ánh qua thành quả lao động nghệ thuật hoàn chỉnh, hài hòa của đồng bào dân tộc Thái. Trang phục truyền thống của người phụ nữ Thái gọi là “Sứa còm”, được nhuộm đen bằng lá “Hóm”, một loại cây thân mềm như cây gai. Khuy áo bằng vải, tà áo được thêu bằng hoa văn “Boocs Muan” - hoa ngâu ngũ sắc rực rỡ cùng chiếc khăn Piêu được dệt từ sợi bông, dài 1,5 - 1,6 m, rộng 30 - 40 cm, với sự kết hợp hài hòa của những đường nét hoa văn đặc sắc, đi kèm với trang phục là những trang sức bằng bạc: vòng cổ, vòng tay, dây tà xích đeo một bên hông và cạp váy.

Nhà ở: người Thái chủ yếu ở nhà sàn, chỉ một số ít là nhà lợp tranh, vách thưng tre nứa. Ngôi nhà sàn đã trở thành niềm tự hào của người Thái. Nó vừa thể hiện đức tính tỷ mỹ, công phu, chu đáo của người thợ vừa thể hiện thuần phong mỹ tục, sáng tạo của đồng bào người Thái ở Nghĩa Mai. Tuy nhiên, do sự thay đổi của điều kiện tự nhiên cộng với sự tiếp thu và giao hòa của đồng bào với người Kinh trong sản xuất và sinh hoạt những nét cổ xưa về kinh tế, nghề nghiệp và ăn ở của người Thái ở Nghĩa Mai ngày càng mai một. Những công cụ sản xuất mới, phương thức mới, những ngôi nhà xây lợp ngói kiên cố, những vật dụng sinh hoạt hiện đại  của người Kinh dần được người Thái tiếp thu và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng dân tộc mình.

1.3. Người Kinh

Đồng bào Kinh sinh sống ở Nghĩa Mai chủ yếu là lớp dân cư lên xây dựng vùng kinh tế mới. Đa số họ đến từ huyện Hưng Nguyên, Diễn Châu và Quỳnh Lưu, Nghệ An và một số hộ ở Hà Tĩnh và tỉnh Thanh Hóa. Trước kia, cuộc sống của nhiều hộ gia đình cũng chịu chung số phận bóc lột từ nhiều phía, hầu hết họ phải sống trong những căn nhà tạm bợ và rách nát, họ phải chạy ăn từng bữa. Bữa ăn của họ chủ yếu một phần cơm độn và hai, ba phần sắn, khoai mài. Thức ăn chủ yếu của họ là cà, nhút và rau tự trồng như: rau lang, bầu bí, rau dền… Thỉnh thoảng bắt được tôm, tép và cá ở suối, thú rừng khi đi săn hoặc những khi gia đình có giỗ, tết thì bữa ăn của họ mới có thịt, cá. Đến mùa đông giá rét, hầu hết người dân ở đây không mấy ai có được tấm áo lành lặn để mặc. Cảnh đau ốm không thuốc thang, nhất là bệnh sốt rét đã làm cho nhiều người phải bỏ mạng. Vì chưa đủ miếng ăn nên lúc bấy giờ người dân Nghĩa Mai không có điều kiện quan tâm đến học hành. Vì thế, đa số người dân ở đây đều không biết chữ.

          Mặc dù còn rất nghèo khổ nhưng trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bà con các dân tộc Nghĩa Mai vẫn dành những hạt thóc quý giá cho bộ đội ngoài chiến trường. Ngoài ra, các cuộc vận động giúp đỡ bộ đội và Chính phủ cũng được bà con hăng hái tham gia đóng góp đầy đủ, góp phần cùng nhân dân nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Ngày nay, dưới chế độ mới, người Kinh cùng với các dân tộc anh em Nghĩa Mai đang nổ lực xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc.

2. Đời sống văn hóa tinh thần

          Thành phần cư dân của Nghĩa Mai bao gồm: dân tộc Thổ, Thái và Kinh, trong đó dân tộc Thổ và Kinh là cơ bản. Mặc dù trải qua nhiều biến đổi thăng trầm của xã hội nhưng các dân tộc ở Nghĩa Mai vẫn luôn ý thức giữ gìn những nét sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc của dân tộc mình.

2.1. Đời sống tinh thần của người Thổ

          Người Thổ ở Nghĩa Mai chủ yếu tập trung ở các làng: Cáo, Sứa, Nạn, Bui  và Bái (nay là xóm 1a, 1b, 3a, 3b, 3c, 4a,4b, 5a, 5b, 6a, 6b, 7b). Theo số liệu thống kê năm 2015, người Thổ ở Nghĩa Mai có khoảng 700 hộ với 3.500 nhân khẩu. Văn hóa tinh thần của đồng bào Thổ ở Nghĩa Mai khá phong phú, đa dạng và độc đáo, thể hiện ở văn hóa cồng chiêng và văn hóa dân gian.

Văn hóa dân gian: Văn hóa dân gian của đồng bào Thổ ở Nghĩa Mai khá phong phú, nổi bật có những biến thể trong mo “Đẻ đất, đẻ nước” nổi tiếng của dân tộc Mường qua các bài “đắng” về sự tích con người, các nhân vật huyền thoại có công tạo lập đất đai, làng, bản qua các câu chuyện kể của các già làng, trưởng bản. Ngoài ra, đồng bào Thổ còn có kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ… Trong đó, có nhiều câu ca dao tục ngữ giống với ca dao, tục ngữ Mường ở các vùng khác. Chẳng hạn:

Tí mô (đi đâu) cho ngái cho xa

Trở về chốn cũ làng ta cho gần

 Tí no (đi đâu) mà Pội (vội) mà Pàng (vàng),

                               Mà pấp (vấp) phải đá, mà quàng phải dây.

          Nhạc điệu câu hát đối đáp nam nữ của đồng bào Thổ Mọn ở Nghĩa Mai cũng giống giai điệu câu hát đối đáp Mường. Các câu hát đối đáp thường gặp là các câu mượn từ ca dao (thể lục bát) của người Kinh, hoặc được phát âm theo tiếng Thổ:

           :   Thấy em anh cũng muốn yêu thương

                                 Nước thời muốn chảy mà mương chưa đào

           Nữ:                Anh vền (về)  lo liệu thế nào

                                 Để cho nước chảy lọt vào bờ mương

 Ngôn ngữ: Cộng đồng người Thổ ở Nghĩa Mai nói một ngôn ngữ thống nhất (phương ngữ Mường) gần với ngôn ngữ người Thổ Mọn. Đây là ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường. Trong ngôn ngữ mà cộng đồng người Thổ (Mọn) ở Nghĩa Mai nói có nhiều tiếng nói gần với tiếng Việt hiện đại.

Ví dụ:  oóng đác - tiếng Việt: uống nước

           Ti úm - tiếng Việt: đi tắm

            Ti giộng - tiếng Việt: đi chơi

            Ti cấn -  tiếng Việt: đi cấy

             vền - tiếng Việt: về

            Ti mần - tiếng Việt: đi làm

             Ti mô nạ - tiếng Việt: đi đâu đấy.

             Con kha - tiếng Việt: con gà

Dân tộc Thổ không có chữ viết riêng, các văn tự đều được lưu giữ bằng chữ Hán Nôm, chữ Quốc ngữ. Nét đặc trưng riêng của tiếng Thổ Nghĩa Mai là phát âm hơi nặng, ngắn hơn âm điệu của tiếng Thổ ở các xã khác trong tổng Lâm La cũ. Một số từ vựng cũng có chỗ khác với tiếng Thổ trong vùng. Nhưng sự khác nhau đó không đáng kể, chỉ góp phần thể hiện nét phong phú trong cách biểu đạt từng nơi của đồng bào Thổ mà thôi.

          Các trò chơi dân gian và lễ hội: Vào các dịp lễ, tết, người Thổ ở Nghĩa Mai có các trò chơi dân gian như: ném túm, ném còn, nhảy sạp… Trong đó, trò chơi ném còn, nhảy sạp hầu hết phổ biến ở tất cả các đồng bào dân tộc ít người còn trò chơi ném túm là nét đặc sắc riêng của đồng bào dân tộc Thổ ở Nghĩa Mai. Ném túm là trò chơi dành các đôi nam nữ được làm bằng vải cũ có màu sắc và trú (vỏ trấu) vấn tròn lại và có dây cầm để ném. Người con trai ném cho người con gái và ngược lại. Đặc biệt, trò chơi ném túm (đúm) là nhịp cầu nối cho tình yêu đôi lứa ở ở xã Nghĩa Mai (có những đôi trai gái, sau trò chơi ném túm họ đã nên duyên vợ chồng, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc). Ngoài ra, người Thổ ở Nghĩa Mai cũng tổ chức các ngày lễ khác như: lễ hạ nêu (chọn ngày tốt để xuống đồng, gieo hạt), lễ thường tân (lễ cúng cơm mới)…

Lễ hội cồng chiêng

Cồng chiêng là loại nhạc cụ quan trọng trong lễ hội của đồng bào dân tộc trong đó có đồng bào dân tộc Thổ. Tiếng cồng chiêng gần gũi, thân thiết đã đi sâu vào tâm hồn của đồng bào từ thủa lọt lòng, từ lúc mẹ đưa nôi, mẹ địu trên lưng lên nương gieo hạt lúa, hạt bắp. Tiếng cồng chiêng ấy đã có từ lâu đời và trở thành âm hưởng thiêng liêng của đồng bào Thổ. Những âm thanh của tiếng cồng vang vọng, không giống loại nhạc cụ nào khác. Con em đồng bào dân tộc Thổ trong xã, dù đi đâu, ở đâu hay làm gì đều nhớ về cội nguồn, nhớ tiếng cồng chiêng nơi quê nhà như một cách nhớ về cội nguồn. Trai gái trong bản ai cũng biết đánh chiêng, đánh cồng, tiếng cồng chiêng hòa cùng tiếng hát của đôi trai gái trong làng vào những ngày lễ hội tạo nên một bản nhạc khác biệt chỉ có ở Nghĩa Mai. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, ở nhiều vùng cao nét đặc trưng ấy đã bị mai một nhưng ở Nghĩa Mai vẫn được bảo tồn và phát triển. Kết cấu của một bộ cồng chiêng bao gồm: Cồng, trống, kèn.

 Tục ăn họ và tục đi họ: Ngay sau tết Nguyên Đán, đồng bào người Thổ thường có tục lễ đi họ.  Mỗi cặp vợ chồng phải có 4 họ tham gia: Họ của chồng - họ nội, đây là họ chính; họ của bố vợ - họ ngoại; họ của mẹ chồng - họ bà nội; họ của mẹ vợ - họ bà ngoại. Ngoài ra còn có các họ nhánh, họ cành (các họ xa).

Người đứng ra tổ chức họp họ là các đầu đinh, gọi là các đầu trai, con trai, cháu trai của họ nội. Các đầu trai có nghĩa vụ phân công trách nhiệm đóng góp các khoản như: tiền, gạo, rượu ngang nhau và luân phiên nhau. Anh trai cả hoặc cháu đích tôn là chủ nhà để tổ chức họp họ gọi là nhà trùm họ. Còn lại các cô, các rể, con gái đóng góp tùy vào lòng hảo tâm. Thông qua họp họ, mọi người thăm hỏi và gắn bó thân tình với nhau hơn; thanh niên nam, nữ biết nhau qua buổi họp họ để tránh được kết hôn trùng huyết thống đồng thời tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân tộc Thổ.  Ngày nay, tục ăn họ của đồng bào Thổ vẫn được gìn giữ và phát huy nhưng được cải tiến và tổ chức gọn nhẹ hơn. Đặc biệt, hàng năm các họ còn xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, cùng nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng gia đình văn hóa và xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Tục thăm mộng: Với quan niệm “bố mẹ thiếp như bố mẹ chàng”, người Thổ rất tôn trọng ông bà ngoại. Tục thăm mộng tức là tục thăm ông bà bên ngoại. Tục thăm mộng thường được tổ chức vào mồng 2 tết Nguyên đán hoặc rằm tháng Bảy. Từ sau Cách mạng tháng Tám thành công, người Thổ chọn ngày ngày quốc khánh 2.9 làm ngày đi thăm mộng. Tục thăm mộng vào các ngày lễ, tết của người Thổ là nét đẹp văn hóa, thể hiện chữ hiếu của con cái với các bậc sinh thành. Đặc biệt, sự bình đẳng nam nữ cũng như trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ cả đôi bên.

 Hôn nhân: Trước đây, hôn nhân của người Thổ chủ yếu do cha mẹ sắp đặt “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Hôn nhân của người Thổ được tiến hành theo 5 bước: lễ dạm ngõ (gồm rượu và trù ( trầu); trù hoa (gồm 4 bánh tét, hai chai rượu và trù, cau); trù hỏi (6 cái bánh tét, 3 chai rược và trù cau); lễ cưới (một con lợn, 1 con trâu, 4 thúng cơm nếp, 8 chai rượu và một bộ quần áo cho mẹ vợ); lễ lại mặt. Khi tiến hành lễ cưới, nhà trai vừa phải lo tổ chức đám cưới, mừng dâu, đồng thời phải đưa lợn, xôi, rượu đến nhà gái tự bày mâm cho bên họ gái. Quá trình tiến hành cuộc hôn nhân bên nhà trai phải mượn một ông Mối là người có uy tín. Khi xong việc, nhà trai phải có lễ cảm ơn ông mối vì “một bên được dâu, một bên được rể, ông mối nhệ nhãi mồ hôi”. Trước khi cưới, người Thổ còn có tục làm rể. Thời gian từ khi ăn hỏi đến khi cưới khoảng 1 năm, trong thời gian này, nhà trai phải cho con trai đi làm rể tức là sang nhà gái để ăn ở và để đôi bạn tình có điều kiện tìm hiểu nhau, hai gia đình qua lại, thăm hỏi và xích lại gần nhau hơn. Đặc biệt đây là thời gian để thử thách tài năng của chú rể, tạo nên sự yêu thương gắn kết của con rể với bố mẹ vợ.

Nhưng tục lệ cũng có những quy định khắt khe như chửa hoang bị xử phạt khá nặng nề. Nhà nào có con gái chửa hoang đều bị phạt 1 thúng gạo nếp, một con lợn, tổ chức cho làng ăn, bắt bố, mẹ và con gái phải phục vụ. Hiện nay, do điều kiện sống xen kẽ với người Kinh, các cặp vợ chồng không đồng tộc ngày càng nhiều. Trai, gái Thổ Mọn, ở Nghĩa Mai được tự do tìm hiểu. Vào dịp hội hè, tết đến, trai gái có thể “ngủ mái”, một trai có thể nằm chuyện trò với hai, ba cô gái và ngược lại. Những luật, tục cưới hỏi với nhiều lễ nghi, tập tục rườm rà, áp đặt, không phù hợp đang dần được thay thế bằng tổ chức cưới hỏi theo nếp sống mới.

 Tang lễ: Trước đây, tang lễ của đồng bào Thổ cũng không kém phần phức tạp và tốn kém. Thông thường, người Thổ ở Nghĩa Mai hay giữ xác người đã mất ở lại lâu từ 7- 10 ngày, có khi lên tới 3 tháng. Tang chủ phải mổ lợn, vật trâu, nấu cơm thiết đãi mọi người đến viếng, đến chơi trong suốt thời gian tang lễ. Tục quàn xác lâu ngày giờ đây đã hoàn toàn chấm dứt, lễ ăn uống linh đình cũng giảm đi nhưng tình làng nghĩa xóm không vì thế mà bớt phần sâu nặng. Ngày nay, theo nếp sống mới, đám tang của đồng bào Thổ đã đơn giản hơn nhiều, xác người đã mất không để quá 24 giờ.

. Đời sống tinh thần của người Thái

Người Thái ở Nghĩa Mai có nguồn gốc từ Thanh Hóa rồi định cư tại đây. Tín ngưỡng: là cư dân nông nghiệp tín ngưỡng của người Thái ở Nghĩa Mai chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực và vạn vật hữu linh. Họ cho rằng “Mường then” (Mường trời) là nơi “Pú páu” (tổ tiên) của họ được sinh ra và cho đầu thai xuống trần gian làm người nên khi con người chết đi là trở về với tổ tiên. Do vậy, họ được tổ chức ma chay và được các ông Mo đưa tiễn về “Pú páu”, về với Mường then. Người Thái còn quan niệm, mỗi một con người có 80 cái hồn (phi vẳn), hồn của con người có ở tất cả các bộ phận của cơ thể. Từ quan niệm đó, tục lệ “gọi vía”, “buộc vía” ở người Thái xuất hiện lâu đời mỗi khi ốm đau.

       Ngày tết, người Thái ở đây còn tổ chức lễ hội “Sấm ra”, khi có tiếng sấm đầu mùa xuất hiện. Lễ hội này thể hiện quan niệm biết ơn trời đất, ước mong cho mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Lễ hội “Hoa nở”, tổ chức vào ngày 15 đến 25 tháng 5 (âm lịch) cũng giống như lễ Kỳ yên - Kỳ phúc của người Kinh. Lễ hội “Xăng khan”, tổ chức vào tháng 11 (âm lịch) lúc thu hoạch.

Ngoài ra, người Thái còn việc nhau trong hoạn nạn khó khăn như: khi thiếu ăn có thể đến nhà họ hàng, người trong làng bản để xin lúa gạo, xin các con vật về nuôi. Nếu như có người đến xin thì đó chính là niềm vui của cả gia đình. Có thể một thời gian sau, gia đình được xin cũng sẽ thiếu, nhưng họ rất vui vẻ cho người đến xin. Đây là một nét đẹp trong đời sống văn hóa mang đậm tính nhân văn của người Thái.

      Ngoài những tín ngưỡng, phong tục trên, người Thái ở Nghĩa Mai vẫn còn lưu giữ tập quán uống nước chè xanh, uống rượu cần. Rượu cần là loại rượu truyền thống của người Thái. Trong các ngày lễ, ngày cưới hỏi, liên hoan, rượu cần được dùng để mọi người cùng quây quần bên nhau vừa thưởng thức vị men ngọt ngào của núi rừng và cũng là dịp bày tỏ lòng mến khách.  

Văn hóa dân gian: văn hóa nghệ thuật của người Thái ở Nghĩa Mai cũng phong phú, vừa đa dạng về thể loại, vừa giàu chất trữ tình. Về thể loại có Nhuôn, Khắp, Suốt, Ví...(giống như các làn điệu dân ca của người Kinh) - phổ biến nhất là bài “khắp”: thường được dùng trong ngày hội, ngày tết, ngày cưới. Đó là bài hát ca ngợi hạnh phúc của lứa đôi và cũng là tiếng hát giao duyên của trai tài gái sắc, là sự mở đầu cho tình yêu tuổi trẻ. Các trò chơi dân gian trong ngày lễ tết như: chơi đu, kéo co, ném còn, nhảy sạp, bắn cung, khắp luống... được nhiều người tham gia hưởng ứng. Thanh niên Thái còn rất thích trò chơi ném còn. Ném còn không những là trò chơi thanh tao mà còn là dịp để cho trai gái tự do tìm hiểu yêu đương.

    Những trò chơi dân gian, truyền thống được người Thái gìn giữ, phát huy, kết hợp với việc tiếp thu các trò chơi thể thao hiện đại như: bóng chuyền, bóng đá… tạo nên không khí vui tươi nhộn nhịp các ngày lễ, góp phần xây dựng cuộc sống nhân dân Nghĩa Mai ngày càng phong phú.

2.3.          Đời sống văn hóa tinh thần của người Kinh

          Nhìn chung, các phong tục tập quán của người Kinh ở Nghĩa Mai không khác với phong tục tập quán với đồng bào Kinh trên lãnh thổ Việt . Đó là tục ăn trầu, uống nước chè xanh, tổ chức các trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co…

     Dưới thời Pháp thuộc, với chính sách ngu dân, người dân không được học hành, lại bị bóc lột về vật chất và sức lao động, tệ nạn xã hội lan tràn khắp thôn xóm, làng bản.

      Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây tuy còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền cách mạng, mọi người dân Nghĩa Mai đã cùng với nhân dân cả nước hăng hái tham gia góp sức, góp của xây dựng cuộc sống vật chất cũng như tinh thần ngay càng tiến bộ, vừa phong phú vừa đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc.

Quá trình cộng cư, sinh tụ đông đảo của con người kéo theo sự đa dạng về văn hóa: lối sống, ứng xử, nếp nghĩ, tập tục, phương thức canh tác... Tính hỗn dung đan xen trong văn hóa ở đây gặp nhau ở điểm chung là tình yêu quê hương, gắn bó với vùng đất mới, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Điều này, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Nghĩa Đàn nói chung và Nghĩa Mai nói riêng đa dạng trong tính thống nhất chung của cộng đồng cư dân xứ Nghệ xưa và nay.

Người dân Nghĩa Mai từ xưa đến nay rất chuộng ca hát, văn thơ, hò vè. Trước đây, Nghĩa Mai cũng có một đội văn nghệ được trang bị đầy đủ nhạc cụ, trang phục... Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, hoạt động văn nghệ tập trung phản ánh không khí thi đua lao động sản xuất và chiến đấu, ”tiếng hát át tiếng bom”... trở thành động lực xây dựng quê hương, đất nước.

Mặc dù năm 1953, Nghĩa Mai mới được thành lập nhưng trước đó mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và cảnh quan của quê hương đều được chuyển tải vào thơ, nhạc. Xã đã thành lập Câu lạc bộ thơ ca người cao tuổi. Đội văn nghệ công đoàn cơ sở hoạt động đều đặn, đem lời ca tiếng hát phục vụ lao động sản xuất. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao trong những năm gần đây được Đảng ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện về nhiều mặt và thu được kết quả cao trong các kỳ thi đấu, hội diễn ở huyện. Nhìn chung, từ xa xưa trên vùng đất Nghĩa Mai đã có con người đến đây sinh sống, lập  nghiệp nhưng phải đến khi thực dân Pháp khai thác vùng Phủ Quỳ thì dân cư ở đây mới tăng dần theo thời gian. Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên của các thế hệ cư dân và các thế hệ cán bộ công nhân nông trường đã viết nên truyền thống lịch sử văn hóa của Nghĩa Mai hôm nay.

3. Giáo dục, y tế

Về giáo dục: Nhận thức được ý nghĩa trong công tác chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nhân tài cho thế hệ sau là một trong những nội dung quan trọng trong sự nghiệp phát triển của quê hương. Vì vậy, công tác giáo dục ở Nghĩa Mai luôn được Đảng ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm, chú trọng.

Trường mầm non Nghĩa Mai được thành lập từ năm 1980 lúc này với tên gọi là Trường mẫu giáo Nghĩa Mai. Giai đoạn này, trường chỉ có 1 lớp học với 18 cháu, chủ yếu học ở hội quán của xóm 3a. Từ năm 1980 đến 1985, trường có 23 giáo viên, 20 lớp với 200 học sinh. Giai đoạn từ năm 1986 - 2011, trường có 7 điểm, 11 lớp, 20 giáo viên với 320 học sinh. Từ năm 2004 đến 2009, trường luôn đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”. Năm học 2011 - 2012, Trường mầm non Nghĩa Mai có 20 cán bộ giáo viên, 11 nhóm lớp với 306 học sinh. Giai đoạn này, tập thể trường đạt danh hiệu khá. Năm học 2013 - 2014, trường có 18 giáo viên, với 374 cháu được chia làm 13 lớp. Giai đoạn này, trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”. Năm học 2014 - 2015, trường có 23 giáo viên, 13 nhóm lớp với 382 cháu. Năm học này trường đạt danh hiệu…..

Trường tiểu học Nghĩa Mai được thành lập năm 1959 tại làng Đồn, khi mới thành lập trường có 2 lớp, các lớp học lúc bấy giờ chủ yếu là nhà tranh và lá nứa. Giai đoạn này, huyện Nghĩa Đàn đã cử giáo viên về dạy học cho các cháu. Vì trường còn thiếu lớp học nên một số cháu phải sang trường của các xã lân cận (Nghĩa Yên, Nghĩa Thịnh) để học. Năm học 1960 - 1961, trường được dựng thêm 4 lớp và 1 văn phòng. Bước sang năm học 1961- 1962, do hoàn cảnh của chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trường cấp 1 Nghĩa Mai được tách thành hai trường Nghĩa Mai 1 tại xóm làng Nạn và Nghĩa Mai 2. Đến năm 1976 - 1977, sau ngày hòa bình lập lại, hai trường cấp 1 Nghĩa Mai 1 và Nghĩa Mai 2 nhập lại thành một trường cấp 1 Nghĩa Mai đóng tại nhà anh Thủy Hậu (xóm 14 hiện nay). Tháng 8.1998, trường  cấp 1 Nghĩa Mai được tách thành hai trường: Trường tiểu học Nghĩa Mai A và Trường Tiểu học Nghĩa Mai B. Trải qua quá trình phát triển, được sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của cấp trên, tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên cùng với sự nỗ lực của các thế hệ học sinh đã từng bước vượt qua khó khăn xây dựng trường ngày càng khang trang sạch đẹp, thực hiện khẩu hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đặc biệt, từ năm 1999 đến nay, Chi bộ trường Tiểu học Nghĩa Mai A đều đạt “Chi bộ trong sạch vững mạnh” và “trong sạch vững mạnh tiêu biểu”. Với những thành tích đó, ngày 06.06.2006, Trường Tiểu học Nghĩa Mai A vinh dự được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh công nhận danh hiệu “Trường chuẩn Quốc gia mức độ I”.

Trường Tiều học Nghĩa Mai B được tách ra từ trường cấp 1 Nghĩa Mai tháng 8.1998. Lúc này, trường có 1 cơ sở chính gồm 19 lớp, 2 phòng cấp 4, 5 phòng học tranh tre và có 2 điểm lẻ ở làng Se và làng Quỳnh Bảng với 22 giáo viên và 426 học sinh. Từ năm 2005 - 2010, điểm chính của trường có 8 phòng nhà cấp 4; 2 nhà tranh tre tại hai vùng lẻ Làng Se và Quỳnh Bảng với 17 lớp và 415 học sinh. Từ năm 2010 - 2014, trường có 12 phòng cấp 4 và 8 phòng học hai tầng. Những năm trở lại đây, cùng với sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của tập thể cán bộ công nhân viên, trường Tiểu học Nghĩa Mai B đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận, nhiều năm liền đạt trường tiên tiến cấp huyện, giáo viên giỏi cấp huyện gồm 6 đồng chí, học sinh giỏi cấp huyện đạt 12 em (năm học 2013 - 2014).

Trường cấp 2 Nghĩa Mai được thành lập năm 1965. Giai đoạn này trường đóng tại làng Cáo với 1 lớp 5 và 58 học sinh. Năm học 1966 - 1967, trường có thêm 2 lớp (1 lớp 5 và 1 lớp 6) với tổng số 120 em học sinh. Lúc này, do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trường chuyển xuống làng Nạn. Năm học 1967 - 1968, do chiến tranh phá hoại miền Bắc, trường phải chuyển vào hang Cọng, đào hào, đắp lũy để dạy và học. Lúc này, trường có 3 lớp (lớp 5, 6, 7) với tổng số 177 học sinh. Bước sang năm học 1968 - 1969, trường có 4 lớp (lớp 5A, 5B, 6, 7) với tổng số học sinh là 219 em. Năm học 1970 - 1971, trường được chuyển ra xóm 3A tại địa điểm UBND xã ngày nay. Năm học 1972 - 1973, trường có 8 giáo viên, 6 lớp với 173 em học sinh. Năm học 1973 - 1974, trường có 8 giáo viên, 6 lớp với 191 học sinh. Năm học 1974 - 1975, trường có 8 giáo viên, 6 lớp và 175  học sinh. Năm học 1990 - 1991, trường được sáp nhập cùng với trường cấp 1 thành trường cấp 1,2 Nghĩa Mai. Năm học 1991 - 1996, trường cấp 2 Nghĩa Mai sáp nhập cùng với trường cấp 2 Nghĩa Thịnh. Năm học 1995 - 1996, Trường cấp 2 Nghĩa Thịnh được tách thành 2 trường: Trường THCS Nghĩa Mai và Trường THCS Nghĩa Thịnh.  Từ năm học 1996 - 2004, trường đóng tại trường Tiểu học Nghĩa Mai A hiện nay. Trường có 31 giáo viên với 16 lớp gồm 562 học sinh. Từ năm 2004 - 2011, trường chuyển về xóm 3C hiện nay. Năm 2013, trường có tên là Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nghĩa Mai. Trong thời gian này, trường đang xây dựng trường chuẩn Quốc gia giai đoạn I. Ngoài hệ thống trường phổ thông thông thì hệ bổ túc văn hóa vẫn được duy trì  nhằm bổ túc kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong xã, nhất là trong những năm đầu đi lên hợp tác xã. Hệ thống bổ túc văn hóa đã thực sự góp phần đưa mặt bằng dân trí của xã nhà lên một bước đáng kể.

Về y tế: Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được quan tâm đúng mức nên việc phòng trị bệnh đạt kết quả tốt. Từ đầu năm 1957, tỉnh có chủ trương mỗi hợp tác xã được cử một người đi học y tá (vệ sinh viên). Thực hiện chủ trương trên, giữa năm 1958, Nghĩa Mai có 6 người đại diện cho 6 hợp tác xã đi học y tá tại Nhà thờ cầu Rầm (Hưng Nguyên), đó là các hợp tác xã Giàn Thành, Cát Long, Bình Long, Lai Châu, Bui Thai, Yên Bái. Đến năm 1960, trạm y tế xã mới chính thức thành lập. Lúc này trạm có 2 cán bộ y tế và 6 vệ sinh viên. Giai đoạn này, trạm y tế chủ yế dùng các loại thuốc Nam để chữa bệnh cho nhân dân đồng thời tuyên truyền cho bà con giữ gìn vệ sinh với khẩu hiệu “sạch làng tốt ruộng”, dời chuồng trại ra khỏi nhà sàn, khi ốm đau thì phải dùng thuốc để chữa giảm bớt các hủ tục lạc hậu như cúng bái, để xác người chết lâu trong nhà, vận động nhân dân ăn chín, uống sôi và tiến hành cấp phát thuốc phòng chống sốt rét cho nhân dân. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Nghĩa Mai đã rất chú ý đến việc cử người đi học chuyên môn về ngành y để phục vụ cho bà con xã nhà, nhất là thời kỳ đổi mới. Công tác y tế của xã nhà kết hợp được cả Đông y và Tây y nên đã bước đầu làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tháng 4 năm 2005, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương với nguồn đầu tư từ dự án XIPIRIP, trạm y tế Nghĩa Mai được xây dựng khang trang, sạch đẹp với 1 nhà cấp 4 có 8 phòng làm việc gồm: Phòng y vụ, phòng khám bệnh và cấp thuốc và 5 phòng dành cho bệnh nhân với 5 cán bộ biên chế và 23/23 y tá thôn bản đang tích cực góp sức cùng hệ thống y tế của huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tháng 9.2009, trạm y tế xã đã được cấp trên công nhận xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Tháng 11.2011, xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế theo tiêu chí mới.

IV. TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA, CÁCH MẠNG Ở NGHĨA MAI TRƯỚC KHI THÀNH LẬP XÃ

Truyền thống lịch sử văn hóa Nghĩa Mai luôn gắn liền với những thăng trầm của đất nước và quê hương Nghĩa Đàn.

Năm 179 TCN, Triệu Đà đem quân xâm lược nước Âu Lạc, chia nước ta thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Nghĩa Đàn nằm ở trung tâm quận Cửu Chân. Năm 111 TCN, nhà Hán tiêu diệt Triệu Đà, chia Cửu Chân thành 7 huyện, Nghĩa Đàn thuộc vùng Bắc - Tây Bắc huyện Hàm Hoan... Đến năm 627, nhà Đường chia vùng Nghệ Tĩnh thành hai châu là Hoan Châu và Diễn Châu, Nghĩa Đàn thuộc lãnh thổ của Diễn Châu[1].

Năm 1041, Thái tử Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An. Một trong những đóng góp nổi bật của ông là khai phá, tu sửa, mở rộng con đường thượng đạo ở vùng miền núi xứ Nghệ... bắt đầu từ Giang Sơn (Đô Lương) đi qua địa phận Tân Kỳ, Nghĩa Đàn đến khe Bò Lăn sang Như Xuân (Thanh Hóa)... Hiện nay, trên vùng đất Đô Lương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và một số địa phương khác ở Nghệ An vẫn còn nhiều đền thờ Lý Nhật Quang[2].

Đến thời Trần - Hồ, Nghĩa Đàn thuộc vùng đất của huyện Quỳnh Lâm và huyện Thiên Động. Từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, vùng đất này cơ bản thuộc huyện Quỳnh Lưu. Năm 1840, huyện Nghĩa Đường được thành lập nhưng vì kỵ húy vua Đồng Khánh (Nguyễn Phúc Đường) nên năm 1886 đổi thành huyện Nghĩa Đàn. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nghĩa Đàn gồm có 6 tổng: Lâm La, Nghĩa Hưng, Thạch Khê, Hạ Sưu, Thái Thịnh và Cự Lâm[3].

Trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, nhân dân Nghĩa Đàn nói chung và nhân dân Nghĩa Mai nói riêng tích cực tham gia, đấu tranh bảo vệ nền văn hóa. Từ thế kỷ XVI trở đi, chế độ phong kiến trên đà suy tàn. Đến năm 1858, nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, phong trào Cần Vương chống Pháp bùng nổ. Trong cuộc khởi nghĩa chống chế độ phong kiến và thực dân, nhân dân Nghĩa Đàn sôi nổi tham gia hưởng ứng, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật và khởi nghĩa Tây Sơn. Cho đến khi người con ưu tú của dân tộc - Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc (1920) và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) thì phong trào cách mạng ở vùng đất này có điều kiện phát triển và trở nên sôi sục hơn. Ngày 03.02.1930, tại Hương Cảng - Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thống nhất 3 tổ chức cách mạng: Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn thành một tổ chức thống nhất lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam. Sự kiện thành lập Đảng cộng sản Việt Nam đã đánh dấu một mốc son mới cho phong trào cách mạng của nhân dân cả nước nói chung cũng như nhân dân huyện Nghĩa Đàn nói riêng. Đây là sự kiện trọng đại của dân tộc trong những năm 30 của thế kỷ XX.

Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, cuối tháng 2.1930, Tỉnh ủy Nghệ An cũng được thành lập.

     Trước tình hình đó, vào đầu tháng 10.1930, đồng chí Võ Nguyên Hiến tuyên bố thành lập chi bộ ghép gồm các đảng viên của hai xã Thọ Lộc và Cự Lâm tại hang Rú Ấm (Nghĩa Khánh). Đây là hai chi bộ Đảng tiền thân của Đảng bộ Nghĩa Đàn.

Đầu tháng 1.1931, thực hiện chủ trương của cấp trên, chi bộ ghép hai xã Cự Lâm và Thọ Lộc, tiến hành thành lập chi bộ riêng, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phan Đình Lại và Võ Thược. Chi bộ Cự Lâm có 6 đảng viên, trong đó:

            1. Đồng chí Nguyễn Đình Thạc - Bí thư

            2. Đồng chí Nguyễn Chiểu - Phó Bí thư

            3. Đồng chí Nguyễn Hoát - Thư ký

     Giữa năm 1934, theo sự phân công của Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Võ Nguyên Hiến đã lên kiểm tra tình hình ở Nghĩa Đàn và chỉ đạo kiện toàn lại Huyện ủy. Hội nghị được tổ chức ở Thọ Lộc, do đồng chí Võ Nguyên Hiến chủ trì. Hội nghị đã nhất trí thành lập Ban Chấp hành Đảng ủy huyện Nghĩa Đàn, gồm:

           1. Đồng chí Phan Đình Lại - Bí thư - phụ trách chung

           2. Đồng chí Nguyễn Đình Thạc - Phó Bí thư, phụ trách (Cự Lâm, Vĩnh Lại)

                   3. Đồng chí lại Văn Bút - Ủy viên, phụ trách (Yên Hòa, Tri Chỉ)

                    4. Đồng chí Võ Thược - Ủy viên, phụ trách giao thông liên lạc

           5. Đồng chí Trần Mật - Ủy viên, phụ trách Sen (Tri Lễ), đồn điền Xếp Chúc, Na Tra, Rong, Vực Lồ.(1)

Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu sự ra đời của Đảng ủy Nghĩa Đàn, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân huyện Nghĩa Đàn nói chung cũng như nhân dân tổng Lâm La (Mai Xá - Nghĩa Mai ) nói riêng.

Tháng 9.1934, sau vụ rải truyền đơn kỷ niệm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh, các đồng chí Ngô Tuân, Võ Nguyên Hiến (Chắt Kế) triệu tập Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An tại làng Hậu Luật (Diễn Bình - Diễn Châu) và xuất bản tờ báo “Chuông Cách Mạng” làm tài liệu tuyên truyền. Thánh 10.1934, Tỉnh ủy Nghệ An khôi phục, đồng chí Võ Nguyên Hiến được bầu làm Bí thư, đồng chí Lại Văn Bút - Ủy viên Ban Chấp hành. Những tài liệu do Đông Dương viện trợ bộ gửi về như: chương trình hành động của Đảng công sản Đông Dương; trật tự tiến hành công tác cách mạng, cách mạng vấn đáp.... Căn cứ vào tài liệu và sách báo của Tỉnh ủy Nghệ An, Huyện ủy và các chi bộ Đảng ở Nghĩa Đàn đã có thêm những điều kiện để tiếp tục khôi phục đảng bộ và phong trào quần chúng trong huyện.

Từ ngày 27 đến 31 tháng 3 năm 1935, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập ở Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ chính là: ra sức củng cố tổ chức Đảng, tích cực vận động quần chúng giữ vững niềm tin và chống chiến tranh đế quốc. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương và thông qua điều lệ Đảng. Đại hội đánh dấu sự phục hồi các tổ chức của Đảng, chuẩn bị cho thời kì đấu tranh mới. Sau đại hội này, ông Võ Nguyên Hiến (Diễn Bình) được cử làm Ủy viên Trung ương chính thức, phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ.

     Đầu năm 1937, Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn chính thức được thành lập dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Dương. Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 5 đồng chí.

1.     Đồng chí Phan Đình Lại

2.     Đồng chí Nguyễn Đình Thạc

3.     Đồng chí Trần Mật

4.     Đồng chí Nguyễn Đình Hoát

5.     Đồng chí Nguyễn Đức Dương.

Trong đó, đồng chí Phan Đình Lại được bầu làm Bí thư.

Sự ra đời của Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn đã đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh, cách mạng của nhân dân toàn huyện. Từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nghĩa Đàn - Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, một tổ chức cách mạng chân chính đứng ra đảm đương sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân toàn huyện vùng dậy đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Năm 1945, nhân dân các làng Cáo, làng Xao, làng Bái, làng Bui, làng Nan (Nghĩa Mai), xã Tân Lập, tổng Lâm La cùng với nhân dân huyện Nghĩa Đàn làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đây là thắng lợi có ý nghĩa hết sức to lớn: lật đổ ách thống trị của bọn đế quốc, phát xít hơn 80 năm, lật nhào chế độ quân chủ gần một nghìn năm trên đất nước ta. Đây chính là tiền đề, cơ sở để nhân dân Nghĩa Mai nói riêng và Nghĩa Đàn nói chung cùng nhân dân cả nước bắt tay vào một thời kỳ, xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, phát triển cuộc sống mới dưới chế độ dân chủ cộng hòa.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng bộ xã Tân Lập cũng được thành lập dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Tiến Lục (cán bộ huyện được cử về). Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành gồm có 3 đồng chí:

1.     Đồng chí Hoàng Văn Đồ - Bí thư Đảng ủy

2.     Đồng chí Lê Văn Khiêm - Phó Bí thư

3.     Đồng chí Lê Văn Chiến - Trực đảng

Sự thành lập Đảng bộ xã Tân Lập đã tạo tiền đề cho những bước phát triển mới trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nơi đây. Từ đó, phong trào phát triển thành cao trào cách mạng trong quần chúng nhân dân thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Các đồng chí đảng viên của Đảng bộ Tân Lập - tiền thân của Đảng bộ Nghĩa Mai sau này là lớp người tiêu biểu, kiên trung, được rèn luyện, thử thách, sàng lọc qua hoạt động thực tiễn. Đây thực sự là những người lãnh đạo giàu nhiệt tình cách mạng, sẵn sàng hy sinh mọi lợi ích cá nhân, dám xả thân vì lý tưởng, vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân.

          Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và thần thánh chống lại kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Nghĩa Mai dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đóng góp sức người, sức của vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1953), với vai trò là hậu phương của vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, nhân dân xã Tân Lập - Nghĩa Mai đã cung cấp lương thực, thực phẩm cho các chiến trường. Đặc biệt, những người con của quê hương Nghĩa Mai còn trực tiếp tham gia chiến đấu trên các chiến trường; tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm ra các mặt trận, góp phần công sức không nhỏ vào thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (7.5.1954), buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ - ne - vơ kết thúc, chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, có nhiều người con của quê hương Nghĩa Mai đã hy sinh để lại một phần xương máu trên các chiến trường. Truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên của nhân dân các làng xã Tân Lập - Nghĩa Mai sẽ viết tiếp nên truyền thống anh hùng của Nghĩa Mai hôm nay.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                  Chương 2

CHI BỘ ĐẢNG NGHĨA MAI RA ĐỜI LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ CÁCH MẠNG (1953 - 1975)

 

I. XÃ NGHĨA MAI THÀNH LẬP LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI (1953 - 1975)

Tháng 7 năm 1953, theo chủ trương của cấp trên, chia tách các xã lớn thành các xã nhỏ, xã Tân Lập lúc bấy giờ được chia thành 4 xã (Nghĩa Thịnh, Nghĩa Yên, Nghĩa Mai, Nghĩa Minh). Do đó, Đảng bộ xã Tân Lập cũng được chia thành 4 chi bộ, chi bộ Nghĩa Mai ra đời trong bối cảnh như vậy.

Xã Nghĩa Mai ra đời và chi bộ Nghĩa Mai thành lập là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của xã nhà. Phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế của quy luật phát triển. Phát huy vai trò của bộ máy chính quyền mới, Đảng bộ đã tích cực vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, hoàn thành kế hoạch những năm tiếp theo. Từ đây, các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của vùng đất Nghĩa Mai có thêm điều kiện nêu cao truyền thống, khơi dậy tiềm năng, phát huy nội lực, thu hút ngoại lực, tập trung trí tuệ và sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Ngay sau khi được thành lập, tháng 8.1953, chi bộ Nghĩa Mai tiến hành đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ (1953 - 1955). Đại hội đã thảo luận chi tiết tình hình và nhiệm vụ cụ thể giai đoạn 1954 - 1955. Chi bộ quán triệt chủ trương của Đảng về tình hình chính trị lúc này, xác định đây là thời kỳ mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn quyết định, quân và dân ta thực hiện tổng phản công chiến lược Đông - Xuân năm 1954.

Chi ủy Nghĩa Mai giai đoạn này gồm có 3 đồng chí:

1. Đồng chí  Lê Văn Thắng - Bí thư Đảng ủy

2. Đồng chí Lê Văn Minh - Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban hành chính

3. Đồng chí Trương Văn Nam - Thư ký chi bộ (Trực Đảng)

Thực hiện phong trào “Mùa đông binh sĩ”, nhân dân xã nhà tích cực tham gia hội, giúp những binh sĩ bị nạn. Qua các đợt phát động “Đảm phụ quốc phòng” (năm 1949), “Ủng hộ bộ đội địa phương”, “Lúa khao quân” (năm 1950) và “Công trái quốc gia” bằng thóc (năm 1951), hiến điền (năm 1952)…, tinh thần yêu nước của nhân dân ngày càng được phát huy. Các chỉ tiêu trên giao, Nghĩa Mai đều hoàn thành vượt mức, điều này đã phản ánh tinh thần yêu nước của nhân dân Nghĩa Đàn nói chung và nhân dân Nghĩa Mai nói riêng trước yêu cầu của Quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, trong những năm 1952 - 1953, một số thương binh về làng được các mẹ trong Hội Mẹ chiến sỹ đón nhận, chăm sóc tận tình và chu đáo. Điều đó càng thắt chặt hơn tình quân, dân ở Nghĩa Mai.

          Với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, trải qua 9 năm chiến đấu gian khổ và hy sinh, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, ngày 7.5.1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ - nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Đông Dương hoàn toàn thất bại. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chấm dứt gần 100 năm xâm lược và thống trị nước ta (1858 - 1954) của thực dân Pháp.

Ngày 7.5.1954 trở thành một mốc son lịch sử hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thiên anh hùng ca chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đây là “lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam…”

          Cùng với đồng bào cả nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân xã Nghĩa Mai tràn ngập trong niềm vui chiến thắng. Mọi người đều tự hào vì trong thắng lợi chung ấy có một phần công sức, mồ hôi, xương máu và cả nước mắt của mình. Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghĩa Mai với vị trí, vai trò là hậu phương của cuộc kháng chiến đã phát huy cao truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng để xây dựng, bảo vệ vùng tự do và đóng góp sức người, sức của phục vụ cho tiền tuyến. Những thành tích ấy càng thôi thúc cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghĩa Mai quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong xây dựng và bảo vệ quê hương ở những giai đoạn sau này. Âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ thúc dục mọi người và mọi nhà.

II. THỰC HIỆN CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT VÀ KHÔI PHỤC KINH TẾ, VĂN HÓA (1954 - 1960)

1 Hoàn thành cải cách ruộng đất (1954 - 1957)

  Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi. Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất chủ nghĩa xã hội và là hậu phương lớn của miền Nam. Miền Nam tiếp tục nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và là tiền tuyến lớn của cả nước. Mục tiêu chung của cả hai miền là giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tháng 01.1953, Hội nghị Trung ương lần thứ 14 đã quyết định thực hiện nhiệm vụ cách mạng ruộng đất. Tháng 12.1953, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá II đã thông qua Luật Cải cách ruộng đất và tiến hành thí điểm một số xã ở tỉnh Thái Nguyên. Ngày 18.12.1953, Hồ Chủ tịch ký ban hành Sắc luật cải cách ruộng đất số 197/SL. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh đang vào giai đoạn quyết liệt nên Cải cách ruộng đất được tiến hành nhiều đợt. Đợt 1,2 được tiến hành ở một số xã thuộc vùng tự do Liên khu Việt Bắc và Liên khu IV (chủ yếu là Thanh Hóa). Sau ngày hòa bình lập lại là các tỉnh thuộc Bắc Bộ; khu IV hầu hết được tiến hành trong đợt 4,5 - những đợt cuối cùng của chương trình cải cách ruộng đất. Ngày 27.8.1954, Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An ra Nghị quyết số 207/NQ - TU thành lập Ủy ban cải cách ruộng đất và phát động cuộc vận động cải cách ruộng đất trong toàn tỉnh. Tại Nghĩa Đàn, Cải cách ruộng đất được tiến hành vào đợt 5, từ tháng 1 đến tháng 6.1956.(1) Do vậy, cải cách ruộng đất ở Nghĩa Mai cũng được tiến hành vào đợt 5.

Tháng 1.1955, Đại hội chi bộ lần thứ 2, nhiệm kỳ 1955 - 1956) ở Nghĩa Mai được tiền hành. Ban Chi ủy gồm các đồng chí:

1.     Đồng chí Cao Văn Điều - Bí thư

2.     Đồng chí Trương Văn Nam - Trực Đảng

3.     Đồng chí Lê Văn Minh - Chủ tịch Ủy hành chính

Tháng 1.1956, Nghĩa Mai tiến hành đại hội chi bộ lần thứ 3, nhiệm kỳ (1956 - 1957). Ban Chi ủy gồm các đồng chí:

4.     Đồng chí Lương Văn Ón - Bí thư

5.     Đồng chí Trương Văn Nam - Trực Đảng

6.     Đồng chí Lê Văn Hải - Chủ tịch Ủy ban hành chính

Với tinh thần của người làm chủ, nông dân Nghĩa Mai đã tham gia các bước cải cách ruộng đất với tinh thần hăng hái. Đêm đến, thanh, thiếu niên các xóm cũng rước đuốc hô vang các khẩu hiệu. Đến tháng 8.1956, Nghĩa Mai đã hoàn thành căn bản cải cách ruộng đất. Thắng lợi của cải cách ruộng đất còn tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để nhân dân Nghĩa Mai bắt tay vào cải tạo và phát triển quê hương theo định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tuy vậy, trong các bước tiến hành cải cách ruộng đất cũng như các địa phương khác trên miền Bắc, Nghĩa Mai cũng đã phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng: nặng về đấu tố, truy bức tư tưởng chủ quan, máy móc trong việc phân định thành phần. Mở rộng quá mức đối tượng đấu tranh, lấy hệ thống đoàn - đội cải cách thay cho hệ thống lãnh đạo của Đảng và chính quyền, vô hiệu hóa chi bộ Đảng và Ủy ban hành chính xã. Xử lý oan sai nhiều cán bộ, đảng viên tốt. Những sai lầm đó gây nên tổn thất lớn và hậu quả nặng nề ngay trong những ngày đầu thực hiện cải cách, làm cho nội bộ thôn xóm căng thẳng, mất đoàn kết trong thời gian dài. Người dân và nhiều đảng viên bị sa sút niềm tin vào đường lối cách mạng của Đảng.

Công tác sửa sai sau cải cách ruộng đất:

Tháng 9.1956, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 (khóa II) đã quyết định thực hiện sửa sai Cải cách cách ruộng đất. Căn cứ Chỉ thị của Tỉnh ủy Nghệ An và các văn bản hướng dẫn của Huyện ủy Nghĩa Đàn, từ tháng 11.1956 - 5.1957, Nghĩa Mai bước vào sửa chữa những sai lầm trong Cải cách ruộng đất. Theo chủ trương của Trung ương: sửa sai trong công tác tổ chức trước, sửa sai cải cách sau; sửa sai thành phần trước, sửa sai tài sản sau...

Tiếp đến năm 1957, Nghĩa Mai tiến hành đại hội chi bộ lần thứ 4, nhiệm kỳ (1957 - 1958). Ban Thường vụ gồm các đồng chí:

1.     Đồng chí Trương Văn Nam - Bí thư

2.     Đồng chí Lê Văn Chung - Trực Đảng

3.     Đồng chí Lê Văn Minh - Chủ tịch Ủy ban hành chính

Công tác sửa sai cải cách ruộng đất tại Nghĩa Mai được tiến hành theo ba bước như sau:

Bước 1: Học tập quán triệt các chủ trương về công tác sửa sai của Trung ương Đảng, Liên khu ủy IV và Tỉnh ủy; ổn định tư tưởng trong Đảng bộ và nhân dân; củng cố khối đoàn kết trong Đảng và nhân dân; kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo Đảng và chính quyền.

Bước 2: Sửa lại thành phần, đảng tịch và danh dự cho những gia đình bị quy sai, điều chỉnh lại ruộng đất, đền bù tài sản cho những người bị tịch thu sai.

Bước 3: Hoàn thành các công việc còn lại(1).

Nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy và phương pháp tiến hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác sửa sai cải cách ruộng đất ở Nghĩa Mai đã hoàn thành vào giữa năm 1957. Kết quả: hạ thành phần cho một số địa chủ xuống phú nông; khôi phục sinh hoạt Đảng cho số đảng viên bị xử oan. Nhờ đó, mối bất hòa, mất đoàn kết trong nhân dân được giải tỏa, nội bộ thôn xóm dần trở lại nếp sống và sinh hoạt bình thường. Sự đoàn kết trong Đảng được khôi phục. Mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng dần được củng cố.

Thắng lợi của sửa sai cải cách ruộng đất đã làm thất bại âm mưa của kẻ thù lợi dụng sự bất mãn trong một bộ phận nhân dân để kích động chống lại chính quyền, chống chế độ. Đồng thời, thắng lợi này một lần nữa đã xây dựng và củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo nên bầu không khí an tâm, phấn khởi để cùng nhau bước vào công cuộc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế.

2. Nghĩa Mai thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo quan hệ sản xuất và bước đầu phát triển văn hóa giáo dục (1958 - 1960)

          Cải tạo quan hệ sản xuất, thành lập hợp tác xã nông nghiệp

         Để thực hiện tốt nhiệm vụ cải tạo quan hệ sản xuất và bước đầu phát triển văn hóa giáo dục,tháng 11.1958, Nghĩa Mai tiến hành đại hội chi bộ lần thứ 5, nhiệm kỳ (1958 - 1959). Ban chi ủy gồm các đồng chí:

1.     Đồng chí Cao Văn Điều - Bí thư

2.     Đồng chí Lê Công Tàu - Trực Đảng

3.     Đồng chí Lê Văn Nhiên - Chủ tịch Ủy ban hành chính

Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ: đón tiếp cán bộ, đồng bào miền Nam ra tập kết, hàn gắn vết thương chiến tranh, chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, khôi phục kinh tế, xây dựng tổ đổi công, bước đầu phát triển văn hóa, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể của Đảng bộ.

    Trên cơ sở đó, Đại hội đã đề ra phương hướng và nhiệm vụ mới: ra sức phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tổ đổi công, tiến tới thành lập hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời tích cực phát triển các thành phần kinh tế quốc doanh.(2)

          Thực hiện chủ trương trên, tháng 11.1959, Nghĩa Mai vận động nhân dân xây dựng tổ đổi công, vần công để giúp nhau trong sản xuất. Tổ đổi công được xây dựng trên cơ sở các hộ liền kề, thuận canh, thuận cư và thuận tình. Hình thức hoạt động là gia đình; trong tổ tham gia các công việc của nhau theo kế hoạch của từng gia đình. Trong khi làm việc, các gia đình tự nguyện tổ chức bồi dưỡng sức lao động cho nhau hàng ngày (nay làm cho nhà này, mai tập trung làm cho nhà kia). Cứ như thế lần lượt quay vòng cho nên gọi là vần công (xoay vần đổi công cho nhau). Các tổ đổi công đều tập trung cải tiến kỹ thuật canh tác với 7 biện pháp liên hoàn “nước đủ, phân nhiều, cày sâu, giống tốt, cải tiến công cụ và phòng trừ sâu bệnh”. Xã phát động phong trào vệ sinh “sạch làng tốt ruộng”, phong trào làm phân xanh, làm thủy lợi với phương châm “ba chính” (giữ nước là chính, tiểu thủy lợi là chính và dân làm là chính). Tổ đổi công, vần công chính là tiền thân để Nghĩa Mai thành lập các hợp tác xã sau này.

          Sau 4 tháng phát động, hầu hết các xóm đều triển khai thành lập tổ đổi công, khí thế rất sôi nổi, háo hức. Cũng qua đó, bà con đã nhận ra lợi ích to lớn của con đường làm ăn tập thể. Lúc này, ở Nghĩa Mai có 17 tổ đổi công:


1. Làng Cáo (4 tổ)

2. Làng Giàn

3. Làng Se

4. Làng Dóm

5. Làng Nạn

6. Làng Đồn

7. Làng Bầu

8. Làng Sào (Xao)

9. Làng Sừa

10. Làng Bái 1

 11.Làng Bái 2

 12. Làng Bui

     13. Làng Lai Châu


Ngày 25.8.1959, Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 150 về việc tiến hành cuộc cải cách dân chủ ở miền núi(1). Mục tiêu của cải cách dân chủ: xóa bỏ thế lực chính trị và kinh tế còn lại của giai cấp địa chủ phong kiến, mở đường cho địa chủ lao động cải tạo thành con người mới, trấn áp bọn phản động phá hoại công cuộc xây dựng xã hội, kiên quyết đưa nông dân vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp, tiến lên xã hội chủ nghĩa. Phương châm cuộc vận động là: dựa hẳn vào bần, cố nông và trung nông, tranh thủ những người thuộc lớp trên có liên hệ với quần chúng.

          Tháng 11.1959, Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành “Cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi Nghệ An”

          Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp bàn kế hoạch thực hiện chủ trương cải cách dân chủ trong huyện và cử đồng chí Nguyễn Xuân Trí - Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch Ủy ban hành chính làm Trưởng ban. Cuộc cải cách dân chủ được chia làm ba bước:

          Bước 1: Học tập chủ trương và cách thức tiến hành cải cách dân chủ của Đảng và Chính phủ. Qua học tập, nông dân thấy rõ thủ đoạn bóc lột của chủ đất và sẵn sàng đoàn kết đấu tranh để xóa bỏ uy thế và độc quyền của họ. Người nông dân vừa học tập vừa tích cực đẩy mạnh sản xuất, củng cố tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã, đồng thời tăng cường vệ sinh phòng bệnh, xóa nạn mù chữ…

          Bước 2: Tiến hành làm thí điểm một số xã.

          Bước 3: Phát động nông dân kiểm tra các chủ đất sau khi quần chúng đấu tranh vạch trần tội ác và những thủ đoạn bóc lột của chủ đất đầu sỏ, chính quyền tuyên bố tịch thu ruộng đất và một phần tài sản chia cho dân cày nghèo. Số địa chủ còn lại, chính quyền cho họ học tập chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và giao trách nhiệm cho họ phải tự nộp một số ruộng đất cho nông dân. Đối với gia đình những người này, chính quyền vẫn giành lại một số ruộng đất, tài sản ngang với mức sống trung nông.

          Đến giữa năm 1960, cuộc vận động cải cách dân chủ ở Nghĩa Mai nói riêng và huyện Nghĩa Đàn nói chung đã hoàn thành tốt đẹp, xóa bỏ ách áp bức bóc lột của tầng lớp chủ đất, đưa ruộng đất về tay nông dân.

          Tháng 12 năm 1959, Nghĩa Mai tiến hành đại hội chi bộ xã lần thứ 6, nhiệm kỳ (1959 - 1960). Ban chi ủy gồm các đồng chí:

     1. Đồng chí Lê Văn Cảnh -  Bí thư

     2. Đồng chí Trương Văn Nam - Trực Đảng

3. Đồng chí Cao Văn Điều - Chủ tịch Ủy ban hành chính

          Cuối năm 1959, theo chủ trương của Trung ương, toàn miền Bắc tiến hành đưa nông dân vào các hợp tác xã nông nghiệp. Ở Nghĩa Mai, sau những thành công của mô hình tổ đổi công, vần công, các xóm đều muốn tiến hành thành lập hợp tác xã. Theo chủ trương của Trung ương, mô hình hợp tác xã được chia làm ba cấp: hợp tác xã quy mô nhỏ (cấp xóm); quy mô vừa (cấp liên xóm); quy mô toàn xã (bậc cao).

Trình tự tiến hành thành lập hợp tác xã như sau:

          Bước 1: Tổ chức cho nhân dân học tập Điều lệ Hợp tác xã do Trung ương soạn thảo để nông dân hiểu được các vấn đề có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình cũng như quy cách làm ăn của hợp tác xã.

          Bước 2: Trên cơ sở đó, người nông dân viết đơn tự nguyện tham gia hợp tác xã.

          Bước 3: Sau khi thành lập, hợp tác xã tiến hành Đại hội xã viên bầu Ban quản trị và Ban Kiểm soát để điều hành và kiểm soát mọi công việc của xã.

Ở giai đoạn đầu của hợp tác xã quy mô xóm, hộ xã viên chỉ đóng góp một phần ruộng đất, nông cụ vào hợp tác xã. Cách phân phối sản phẩm cũng được chia ra làm 2 phần: phần chia cho công điểm làm được của xã viên; phần chia cho sự đóng góp ruộng đất, nông cụ cho hợp tác xã gọi là phần hoa lợi để đảm bảo sự công bằng (người đóng nhiều hưởng nhiều, người đóng ít hưởng ít).

     Ở Nghĩa Mai, sau khi có ý kiến và được sự đồng ý của huyện, đầu năm 1960, xã quyết định chỉ đạo tổ chức thành lập 6 hợp tác xã nông nghiệp:

1. Hợp tác xã nông nghiệp Giàn Thành do Lương Văn Ón, Lò Văn Chung làm chủ nhiệm.

          2. Hợp tác xã nông nghiệp Cát Long do ông Hoàng Văn Vinh, Hoàng Văn Trí, Cao Văn Lục, Lê Văn Hai làm Chủ nhiệm.

          3. Hợp tác xã nông nghiệp Bình Long do các ông Lê Văn Đương, Lê Hữu Phú, Lê Văn Tuyên làm Chủ nhiệm.

          4. Hợp tác xã nông nghiệp Yên Bái do các ông Lê Văn Đài, Hoàng Văn Thể, Lê Văn Hoạt, Lê Văn Niêm, Lê Văn Dựa, Lê Văn Tiếp làm Chủ nhiệm.

          5. Hợp tác xã nông nghiệp Bui Thai do các ông Hoàng Văn Nội, Lê Khắc Giá, Lê Văn Hồi, Lê Văn Ảnh, Lê Văn Kỷ làm Chủ nhiệm.

          6. Hợp tác xã nông nghiệp Lai Châu do các ông Vi Văn Ba, Vi Văn Tưởng, Hoàng Văn Tiến, Hoàng Văn Dư, Vi Văn Toàn làm Chủ nhiệm.

Phương thức quản lý, điều hành và phân phối trong hợp tác xã được tiến hành như sau:

+ Hợp tác xã tiến hành đại hội xã viên bầu ra Ban Quản trị và Ban Kiểm soát. Ban Quản trị bầu ra Ban chủ nhiệm làm nhiệm vụ điều hành toàn bộ hoạt động của hợp tác xã.

+ Một hợp tác xã chia ra nhiều đội sản xuất. Tùy vào sự phân bố dân cư mà các đội cho hợp lý. Ban Quản trị cử ra một đội trưởng và một đội phó làm nhiệm vụ ghi công, chấm điểm cho xã viên. Cuối mỗi vụ, họ báo kết quả lao động của các xã viên lên để Ban Quản trị để hoạch toán, ăn chia.

+ Việc phân phối, ăn chia tiến hành theo hai mức, thứ nhất ăn chia theo công điểm (là phần thu nhập chính của xã viên). Trung bình một ngày công đi làm của một lao động chính được tính từ 10 - 12 điểm (10 điểm bằng một công) tùy theo năng suất lao động. Còn lao động phụ được tính từ 8 - 10 điểm. Giá trị của một công tùy theo năng suất của từng vụ. Thứ hai ăn chia theo hoa lợi theo Điều lệ Hợp tác xã, khi vào hợp tác xã, xã viên sẽ tự nguyện đóng góp ruộng đất, tư liệu sản xuất cho hợp tác xã. Để đảm bảo công bằng, số lượng đất và tư liệu này sẽ được hưởng hoa lợi bằng cách tính phần trăm thóc trong tổng thu nhập. Ai góp nhiều được hưởng nhiều. Điều đó làm cho xã viên yên tâm, tin tưởng đóng góp ruộng đất và tư liệu cho hợp tác xã.

Các hợp tác xã nông nghiệp ra đời đã mở ra phương thức làm ăn mới trong nông thôn dưới sự quản lý, điều hành của Ban Quản trị, áp dụng phương thức ăn chia theo công điểm, công việc phân công ghi trên bảng tin hoặc thông báo bằng loa đài. Phương thức làm ăn này từng bước khẳng định tính ưu việt của nó vì đạt hiệu quả cao. Từ đó, cổ vũ, động viên bà con trong xã hăng hái, tự giác lao động sản xuất. Lần đầu tiên các hộ nông dân vào làm ăn tập thể với bao háo hức, chờ đợi. Hàng ngày, từ mờ sáng, khi nghe tiếng kẻng báo hiệu vang lên là bà con khắp thôn xóm cùng nhau ra đồng. Đêm đến, các hợp tác xã tổ chức sinh hoạt xã viên, qua đó động viên bà con tích cực, sáng tạo hơn nữa trong lao động. Thời gian này, cùng với sự ra đời và phát triển của hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã mua bán xã Nghĩa Mai cũng được thành lập. Điều này đã tạo nên phong trào “ba ngọn cờ hồng” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của xã Nghĩa Mai.

Tháng 7.1959, Hợp tác xã vay mượn (Hợp tác xã tín dụng) Nghĩa Mai ra đời. Đến tháng 12.1959, Hợp tác xã Tín dụng tiến hành đại hội nhiệm kỳ (12.1959 -12.1962), ông Cao Văn Điều được bầu làm Chủ nhiệm.

Hợp tác xã mua bán Nghĩa Mai ra đời cuối năm 1959 và tiến hành đại hội nhiệm kỳ thứ nhất (1959 - 3.1963); ông Lê Hồng Phú làm Chủ nhiệm.

Trong quá trình thực hiện khôi phục và cải tạo kinh tế (1958 - 1960), Nghĩa Mai có nhiều thay đổi căn bản trong sản xuất nông nghiệp: tiến bộ của khoa học kỹ thuật bước đầu được áp dụng. Công tác thủy nông được chú trọng với phương châm ba chính: giữ nước là chính, thủy lợi nhỏ và vừa là chính, dân tự làm là chính. Cuối năm 1960, Nghĩa Mai cùng với các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Yên đạt bình quân mỗi lao động đắp 6 m3 đất làm thủy lợi. Hợp tác xã cùng nhân dân khai hoang phục hóa, biến ruộng một vụ thành ruộng hai vụ, tăng thêm diện tích lúa. Việc đầu tư thêm phân bón, sử dụng phân đạm, thu hẹp diện tích cấy chay được tiến hành. Mô hình trồng cây làm phân xanh, phân bùn, ao, được áp dụng, góp phần cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng. Đến năm 1960, ở  Nghĩa Mai bình quân lương thực đầu người đạt 30 kg, bình quân 5 hộ gia đình có 1 xe cải tiến. Việc đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm vừa đảm bảo nhu cầu thực phẩm cho nhân dân vừa đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Công tác giáo dục, y tế

Công tác giáo dục ở Nghĩa Mai trong giai đoạn này có nhiều khó khăn. Đồng bào dân tộc Thanh, Thổ do chưa nhận thức được vai trò của cái chữ nên ít quan tâm đến việc cho con em đến trường,  trường cấp 1 được xây dựng đơn sơ, tạm bợ. Tuy nhiên, việc học bổ túc văn hóa đã thu hút phần lớn các đồng chí cán bộ lãnh đạo nhằm nâng cao trình độ văn hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Các lớp bổ túc văn hóa trong giai đoạn đầu còn học trong nhà dân và hội quán. Về sau, khi trường cấp 1 được nâng cấp thì tất cả con em trong xã đều được học tại các trường. Nhờ đó, trình độ văn hóa của nhân dân từng bước được nâng lên, nhất là số cán bộ lãnh đạo. Về sau, khi các bậc phụ huynh nhận thức được việc học hành của con em là rất cần thiết, nhiều gia đình có điều kiện đã đón thầy, cô giáo về nhà dạy học cho con em của mình. Thời gian này, đất nước còn khó khăn nên việc học hành của các em đều không phải đóng học phí. Mặt khác, Nhà nước còn cấp học bổng cho những học sinh các gia đình nghèo khó, con em chính sách. Tất cả những điều đó đã nói lên tính ưu việt của nền giáo dục cách mạng trong những năm đầu đi lên xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, những năm cuối của giai đoạn này, số lượng học sinh ở Nghĩa Mai đã tăng lên đáng kể.

Những năm sau chiến tranh, việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vô cùng khó khăn. Bởi vì trong thời gian này, số lượng y, bác sỹ cũng như nguồn thuốc chưa đáp ứng đầy đủ cho bệnh nhân nên ốm đau, bệnh tật, nhân dân đều tự chữa chạy, tự tìm thầy. Bà con trong vùng thường nhờ thầy cúng, thầy lang và dùng thuốc Nam là chủ yếu. Do đó, số người tử vong rất cao, nhất là trẻ em và người già. Trước tình hình đó, công tác y tế trong giai đoạn đầu chủ yếu thực hiện ba sạch “ăn sạch, ở sạch, uống sạch”. Xã đã vận động bà con tự giác thực hiện việc xây dựng 3 công trình vệ sinh: nhà tắm, giếng nước và nhà vệ sinh.

          Trạm xá của xã có đội ngũ y, bác sỹ chuyên trách phục vụ khám, chữa bệnh cho bà con rất chu đáo. Xã cũng tập trung cho việc phòng chống căn bệnh cố hữu là sốt rét thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân tự giác thực hiện như: nằm màn, vệ sinh nhà ở và dùng thuốc để diệt muỗi.

III. NGHĨA MAI TIẾN HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT (1961 - 1965)

          Căn cứ vào kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) và tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ VI (tháng 3.1961), tháng 10.1961, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn lần thứ VIII được tổ chức tại Bàu Sen (Thái Hòa). Đại hội đã tập trung bàn về vấn đề: “Hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, ra sức xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội; thực hiện ba cuộc cách mạng ở miền Bắc do Đảng đề ra, đề cao cảnh giác, bảo vệ địa phương và thi đua lao động sản xuất, lấy thành tích ủng hộ đồng bào miền Nam, đồng bào Quảng Ngãi kết nghĩa đấu tranh chống Mỹ - ngụy”(1).

Năm 1960, Chi bộ xã Nghĩa Mai phát triển thành Đảng bộ với số lượng 30 đảng viên. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển trong công tác Đảng của xã Nghĩa Mai.

Tiếp theo đó, tháng 12.1960, đại hội Đảng bộ xã Nghĩa Mai lần thứ 7, nhiệm kỳ (1960 - 1962) được tiến hành. Trong phiên họp đầu tiên Ban Chấp hành đã bầu ra Ban thường vụ gồm các đồng chí:

1.     Đồng chí Lê Công Tàu - Bí thư Đảng ủy

2.     Đồng chí Trương Văn Nam - Trực Đảng

3.     Đồng chí Cao Văn Điều - Chủ tịch Ủy ban hành chính

Tiếp đó, tháng 12. 1962, đại hội Đảng bộ xã Nghĩa Mai lần thứ 8, nhiệm kỳ (1962 - 1964) được tiến hành tại hội trường Hợp tác xã. Ban Thường vụ gồm:

1.     Đồng chí Lê Văn Cảnh - Bí thư Đảng ủy

2.     Đồng chí Cao Văn Chúc (12.1962 - 12.1964) - Trực Đảng

3.     Đồng chí Cao Văn Điều - Chủ tịch Ủy ban hành chính

   Ngày 19.04.1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 52 phê chuẩn việc chia ba huyện Quỳ Châu, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An thành bảy huyện mới: Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Đô Lương, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ. Cắt 10 xã của huyện Nghĩa Đàn, 1 xã của huyện Yên Thành, 2 xã của huyện Anh Sơn để thành lập huyện Tân Kỳ. Huyện Nghĩa Đàn mới có thị trấn Thái Hòa và 23 xã(2) trong đó có xã Nghĩa Mai.

Hòa chung với không khí cách mạng sôi nổi của đồng bào chiến sỹ cả nước, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai đã đoàn kết nhất trí, từng bước thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.

1. Về kinh tế

Trên cơ sở quán triệt nội dung, tinh thần các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và cả huyện, Nghĩa Mai bước vào triển khai kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất với một khí thế sôi sục, mạnh mẽ, rộng khắp trên mọi lĩnh vực và bằng nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực. Đầu năm 1961, hưởng ứng chiến dịch “An - Ngãi quật khởi(1), rút kinh nghiệm từ chiến dịch “tiếng trống Xô viết”, toàn xã đã đồng loạt ra quân mở đợt tuyên truyền rộng rãi với nhiều hình thức phong phú như: sinh hoạt tập trung, phát thanh trên loa, băng rôn, cờ, khẩu hiệu… cổ vũ mọi người quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu của chiến dịch. Khẩu hiệu hành động của tỉnh lúc này là: “Gióng trống Ba tơ, phất cờ Xô viết, đoàn kết thi đua, giật cờ chiến dịch; Nghệ An đổ giọt mồ hôi, để cho Quảng Ngãi bớt rơi máu đào”.

          Trong Đảng thực hiện cuộc vận động xây dựng “Chi bộ 4 tốt”: lãnh đạo sản xuất và chiến đấu tốt; chấp hành các chính sách tốt; chăm lo đời sống và vận động quần chúng tốt; làm tốt công tác phát triển Đảng.

          Đoàn Thanh niên với phong trào thi đua “5 nhất”, cụ thể: làm thủy lợi nhiều nhất, cải tiến công cụ khá nhất, chăn nuôi giỏi nhất, làm phân bón giỏi nhất.

          Hội Phụ nữ có phong trào thi đua “5 tốt” chấp hành chính sách tốt, tham gia quản lý hợp tác xã tốt, đoàn kết sản xuất tốt, học tập văn hóa, chính trị và kỹ thuật tốt, sắp xếp gia đình và nuôi dạy con cái tốt.

        Những ngày đầu xuân năm 1961, nhân dân Nghĩa Mai ra quân thực hiện chiến dịch với khí thế rộn ràng, phấn khởi chưa từng có. Khẩu hiệu: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “vì Quảng Ngãi kiên cường”, “Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm” đã khích lệ mọi tầng lớp nhân dân trong các cơ sở hăng hái, hưởng ứng tham gia. Nhiều đơn vị đã tổ chức những hoạt động như: tát nước, nhổ mạ, làm đất, trồng màu vào các buổi tối. Đây cũng là thời điểm hình thành tổ thí nghiệm ở các hợp tác xã. Các hợp tác xã thực hiện một số kỹ thuật mới đưa vào trong sản xuất như: chế biến phân, cấy dăng dây thẳng hàng… Do đó, bà con các dân tộc Thái, Thổ trong xã đã được tiếp cận với nhiều hình thức sản xuất mới đem lại hiệu quả khả quan, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân trên địa bàn xã.

          Trong không khí vui tươi, phấn khởi thực hiện các phong trào thi đua, ngày 18.12.1961, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn vô cùng vinh dự được đón Bác Hồ về thăm.(1) Trong cuộc trò chuyện với đại biểu các dân tộc, Bác đã căn dặn nhiều điều quý giá. Trong đó, Người nhấn mạnh đến sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa đồng bào các dân tộc để phát huy được thế mạnh tập thể và vùng đất Phủ Quỳ giàu tiềm năng, làm cho cuộc sống của bà con ngày càng ấm no, hạnh phúc.

          Sau ngày đón Bác về thăm, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc xã Nghĩa Mai phấn khởi, hăng hái hơn, nhất là trong các hoạt động. Mọi người luôn ghi nhớ những lời căn dặn ân cần của Bác và khát khao làm thật nhiều, cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp cách mạng.

          Với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt” và mong muốn cống hiến sau lần Bác Hồ về thăm, trong 3 năm (1960 - 1962). Lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với thanh niên đã đắp thêm 4 con đập vừa và nhỏ, bằng các phương tiện như: cuốc, xẻng, quang gánh với hàng ngàn ngày công, đào đắp lên tới 65.000 m3 đất đá. Giai đoạn này, công tác khai hoang phục hóa ở Nghĩa Mai rất được chú trọng. Vì thế, đến năm 1964, diện tích canh tác của Nghĩa Mai đã tăng lên 400 ha.

          Bên cạnh công tác thủy lợi, xã còn tập trung cải tạo đồng ruộng như: đắp bờ vùng, bờ thửa, biến những thửa ruộng trước đây méo mó, manh mún thành những thửa ruộng vuông vắn, có thể đưa máy và các phương tiện kỹ thuật vào hoạt động sản xuất.

     Nhờ có sự đầu tư và chú trọng trong vấn đề thủy lợi nên Nghĩa Mai có lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa nước. Ngoài ra, xã còn có các loại giống lúa khác như: lốc chăm kết hợp với lúa nương cằm và các loại nếp.(2) Đến giai đoạn này, các hợp tác xã đã áp dụng một số tiến bộ của khoa học kỹ thuật như bỏ cày chìa vôi sang sử dụng cày 51, tăng cường sản xuất phân xanh, ủ phân tại chỗ, cấy dày vừa phải và thẳng hàng. Hầu hết diện tích canh tác của Nghĩa Mai sau đợt này đã được gieo trồng hết. Lúa và các cây hoa màu vì thế mà sinh trưởng, phát triển tốt cộng với thời tiết thuận lợi nên cho năng suất cao hơn vụ trước. Năng suất lúa Đông Xuân của nhiều hợp tác xã đạt từ 2,5 - 3,5 tấn/ha. Nhiều hợp tác xã đã tiến hành xây dựng nhà kho, sân phơi, tạo thêm nhiều trục lúa (trục đá). Đi đầu là lực lượng lao động trẻ như: thanh niên, dân quân (lao động chính) đã thúc đẩy mọi phong trào của hợp tác xã, góp phần nâng cao đời sống của bà con xã viên.

Việc giao nộp nghĩa vụ Thuế nông nghiệp ở Nghĩa Mai cũng đầy đủ và kịp thời hơn (kể cả số lượng và chất lượng). Những kết quả đạt được, càng cổ vũ thêm tinh thần của bà con nông dân. Và cũng nhờ đó, một số hộ còn chân trong, chân ngoài đã có đơn xin gia nhập hợp tác xã. Vì vậy, tính đến thời điểm này, xã Nghĩa Mai đã có 90% số hộ đã tham gia hợp tác xã. Đây là thắng lợi lớn của đường lối cải tạo quan hệ sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 14 của Ban Chấp hành Trung ương  Đảng khóa II.

Nghĩa Mai tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã

          Thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị khóa III, Nghĩa Mai tiến hành cải tiến hợp tác xã lần 1 với những nội dung chính sau:

          Xác định rõ phương hướng sản xuất hàng vụ, hàng năm, xây dựng nội dung quản lý lao động, đất đai, tài vụ theo điều lệ thông qua đại hội đại biểu xã viên.

          Cải tiến nông cụ, xây dựng định mức công điểm hợp lý, định tiêu chuẩn kỹ thuật trong các khâu trồng trọt và chăn nuôi, xây dựng - đội kỹ thuật, từng bước phát triển ngành nghề phụ, tận dụng hết đất đai lao động, tăng thu nhập cho hợp tác xã và xã viên. Cuộc cải tiến bước đầu đã thu được một số kết quả khả quan như:

          - Các ban quản trị đã lập được phương án sản xuất, ăn chia phân phối hàng vụ, hàng năm và thông qua Đại hội đại biểu xã viên một cách dân chủ công khai.

          - Công tác “ba khoán”, “ba quản”(1) đã đi vào nền nếp, khắc phục một phần rong công, phóng điểm, thiếu minh bạch trong việc thu, chi và phân phối sản phẩm.

          - Một số cơ sở nhà kho, sân phơi, trụ sở, chuồng trại, chăn nuôi của hợp tác xã được làm mới.

          - Áp dụng được một số biện pháp thâm canh liên hoàn, đưa một số giống mới và cây con vào sản xuất, mở mang cây trồng, làm thủy lợi, thả bèo hoa dâu, đẩy mạnh việc dùng công cụ cải tiến như: cày 51, cào cỏ 64A, xe kiến an vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất tăng lên đáng kể.

          Từ những kết quả đạt được, đời sống xã viên trên địa bàn xã ngày càng được cải thiện, hợp tác xã bước đầu có tích lũy và làm tốt nghĩa vụ lương thực, thực phẩm đối với Nhà nước.

Đón tiếp đồng bào miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới

          Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An về chương trình dắm dân và khai hoang, từng bước điều hòa mật độ dân số trong tỉnh, năm 1965, xã Nghĩa Mai đã đón nhận một số bà con miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới nhằm phát triển kinh tế miền núi........ Đợt đầu tiên, Đảng ủy và nhân dân xã Nghĩa Mai đã hoàn thành sản xuất nhiệm vụ đón nhận bà con các vùng lên dắm dân, khai hoang. Qua đợt này, xã cũng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm, tạo tiền đề cho những đợt tiếp nhận sau này. Việc tiếp nhận bà con từ miền xuôi lên khai hoang, dắm dân nhiều đợt đã làm cho dân số tăng nhưng đồng thời cũng nảy sinh khó khăn mới. Để làm tốt việc này, Chi ủy, chính quyền địa phương đã chủ động trực tiếp dàn xếp các vấn đề có liên quan: tổ chức gặp mặt bà con trong xã có người mới đến và bố trí nhà trọ ban đầu, dàn xếp đất ở, khai hoang, canh tác…

          Việc tăng dân số ở Nghĩa Mai lúc này đã tạo thêm khí thế mới cho mọi sinh hoạt trong xã. Các phong trào đều có sự chuyển biến tốt nhờ có thêm sức người, sức của. Niềm vui của người cũ, người mới được thực hiện trong công việc, họ cùng kề vai sát cánh, đoàn kết đồng lòng vững tin vào Đảng, tin vào tiền đồ tươi sáng của quê hương Nghĩa Mai.

Trong tình hình dân số và số lượng đảng viên tăng lên do được bổ sung từ các xã miền xuôi xã đã thành lập thêm 3 hợp tác xã nông nghiệp. Như vậy, giai đoạn 1966 - 1968 xã Nghĩa Mai có 9 hợp tác xã nông nghiệp:

1. Hợp tác xã nông nghiệp Giàn Thành do Lương Văn Ón, Lò Văn Chung làm Chủ nhiệm.

          2. Hợp tác xã nông nghiệp Cát Long do ông Hoàng Văn Vinh, Cao Văn Trí, Lê Văn Hai làm Chủ nhiệm.

          3. Hợp tác xã nông nghiệp Bình Long do ông Lê Văn Đương, Lê Hữu Phú, Lê Văn Tuyên làm Chủ nhiệm.

          4. Hợp tác xã nông nghiệp Yên Bái do ông Lê Văn Đài, Hoàng Văn Thể, Lê Văn Hoạt, Lê Văn Niêm, Lê Văn Dựa, Lê Văn Tiếp, Hoàng Văn Thổ làm Chủ nhiệm.

          5. Hợp tác xã nông nghiệp Bui Thai do ông Hoàng Văn Nội, Lê Khắc Giá, Lê Văn Hồi, Lê Văn Ảnh, Lê Văn Kỷ làm Chủ nhiệm.

          6. Hợp tác xã nông nghiệp Lai Châu do ông Vi Văn Ba, Vi Văn Tưởng, Hoàng Văn Tiến, Hoàng Văn Dư, Vi Văn Toàn làm Chủ nhiệm.

          7. Hợp tác xã nông nghiệp Hùng Tiến 1 do ông Trung, Nghị làm Chủ nhiệm

          8. Hợp tác xã nông nghiệp Hùng Tiến 2 do ông Nguyễn Đình Liên, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Đình Huệ Chủ nhhiệm

          9. Hợp tác xã Nghĩa Châu (Diễn Tháp) do ông Nguyễn Minh Vị đến năm 1972 thì giải thể

Giai đoạn này, hợp tác xã đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của xã nhà. Sản phẩm sản xuất ra được đưa về kho, sau đó phân phối lại cho xã viên “người có công cao thì được phân phối lúa, sắn, khoai nhiều” và một phần chia cho định xuất. Do phát triển tương đối tốt nên giai đoạn này các hợp tác xã đã thu hút nhiều người tham gia vào hợp tác xã và đã đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước.

Hợp tác xã tín dụng Nghĩa Mai tiến hành đại hội nhiệm kỳ thứ 2 (1.1963 - 12.1966) do ông Cao Văn Điều làm Chủ nhiệm

Hợp tác xã mua bán nhiệm kỳ thứ 2 (3.1963 - 12.1971) do ông Lê Văn Niêm làm Chủ nhiệm.

Giai đoạn này, hợp tác xã mua bán lấy các mặt hàng từ cửa hàng mua bán huyện và cửa hàng thương mại, thực phẩm thị trấn Thái Hòa: như vải, quần áo, xăm lốp xe đạp, xoong, dầu hỏa muối, nước mắm và một số mặt hàng tạp hóa... Sau đó, bán và phân phối cho nhân dân như: vải 1 người 4 m, dầu 2 chai/ một tháng/hộ... Để vận chuyển hàng hóa về xã, cửa hàng đã dùng đôi quanh gánh và một cặp xe trâu. Đến năm 1973, ngoài nhiệm vụ nhận hàng trên huyện về bán và phân phối cho dân, cửa hàng còn thu mua tre, nứa, gai và một số nông sản bán và cho huyện. Từ năm 1976, cửa hàng thu mua thêm các loại nông sản như: vừng, lạc, đường mía, mật, bán cho ngoại thương huyện Nghĩa Đàn. Do vậy, các mặt hàng phong phú hơn có rượu, thuốc lá, bánh kẹo và nhiều sản phẩm đáp ứng người tiêu dùng.

2. Phát triển văn hóa, nâng cao dân trí, xây dựng nông thôn mới

          Qua phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, người nông dân tập thể là chủ thể của quê hương, đang từng ngày xây dựng hợp tác xã, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, công tác văn hóa, nâng cao dân trí là một yêu cầu khách quan trong sự nghiệp xây dựng con người mới góp phần củng cố quan hệ sản xuất mới.

          Tuy là một xã miền núi, vùng sâu, vùng xa với nhiều dân tộc ít người sinh sống, chậm phát triển cả về kinh tế, văn hóa, đời sống còn nhiều khó khăn, sản xuất thuần nông song Đảng bộ, chính quyền và các hợp tác xã ở Nghĩa Mai đã bước đầu chăm lo tới văn hóa, giáo dục, y tế nhằm nâng cao dân trí, xây dựng người nông dân tập thể có giác ngộ xã hội chủ nghĩa, trình độ văn hóa ngày một nâng lên, tích cực tiếp thu khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Nhân dân Nghĩa Mai sống với tinh thần nhân ái “mình vì mọi người” và “mọi người vì mình”.

          Các hoạt động văn hóa như tổ chức chiếu phim phục vụ nhân dân không thu tiền, vận động các tầng lớp nhân dân mua sách, báo diễn ra thường xuyên. Hợp tác xã trích quỹ văn hóa - xã hội cho các tổ chức nhà trẻ, lớp vỡ lòng, đội văn nghệ và các phong trào ca hát trong Đoàn Thanh niên. Công tác bổ túc văn hóa cho người lớn tuổi, đối tượng chủ yếu là cán bộ, đảng viên được duy trì có nền nếp.

          Công tác vệ sinh, phòng bệnh giai đoạn này cũng được chú trọng. Đặc biệt, việc phòng và điều trị bệnh sốt rét thu được kết quả. Hơn 50% hộ dân ngủ màn, đường làng ngõ xóm được phát quang, 305 số hộ có nhà vệ sinh và dời chuồng trâu, bò xa nhà, nhất là bà con dân tộc Thanh và Thổ.

          Phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân cũng diễn ra sôi nổi. Việc học tập các gương điển hình như “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba nhất”, và “Bắc Lý” được đông đảo nhân dân và nhà trường hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể trong sản xuất, công tác và học tập.

          Như vậy, đến giai đoạn này nạn đói giáp hạt bị đẩy lùi, đời sống nhân dân dần đi vào ổn định, trình độ dân trí được nâng cao. Xóm làng sôi động, khí thế thi đua cần, kiệm, xây dựng hợp tác xã vững mạnh và hướng về miền Nam ruột thịt đang đấu tranh kiên cường chống bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm.

 3. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh    

          Từ sau năm 1961, đi đôi với việc ra sức đẩy mạnh sản xuất, củng cố và cải tiến quản lý hợp tác xã, Đảng bộ và chính quyền xã Nghĩa Mai thường xuyên chăm lo công tác quốc phòng an ninh. Trong đó, ưu tiên công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được coi trọng.

Quán triệt cho cán bộ, đảng viên hiểu rõ bản chất của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn phá hoại của chúng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; trách nhiệm và ý nghĩa thiêng liêng của miền Bắc đối với miền Nam và nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào. Trên cơ sở đó, Đảng bộ động viên toàn chi bộ, toàn dân nâng cao cảnh giác cách mạng, ra sức xây dựng lực lượng dân quân du kích, công an làm nòng cốt cho phong trào toàn dân thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa phương.

          Công tác tuyển quân hàng năm đi vào nền nếp. Liên tục từ năm 1960 đến năm 1964, xã đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân theo Luật Nghĩa vụ quân sự. Trong giai đoạn này, việc khám, tuyển nghĩa vụ quân sự được tiến hành một cách hết sức thận trọng. Vì vậy, những thanh niên trúng tuyển thực sự là người khỏe mạnh, trình độ văn hóa từ lớp 2 trở lên. Họ là niềm tự hào không những của gia đình mà còn là của cả tập thể. Công tác chính sách hậu phương quân đội, chăm sóc các gia đình liệt sỹ, thương binh được triển khai được chu đáo, kịp thời.

          Phong trào huấn luyện quân sự, học tập chính trị trong dân quân tự vệ ngày một sôi nổi. Các hợp tác xã đã lập quỹ quốc phòng, an ninh để chu cấp kinh phí huấn luyện hàng năm cho lực lượng dân quân tự vệ.

          Từ cuối năm 1962 trở về sau, dưới sự chỉ đạo của Huyện đội, Ban Chỉ huy xã đội được củng cố và có nhiều hoạt động tích cực. Phương án đánh địch, thả dán điệp, biệt kích của liên xã vùng Tây Bắc Nghệ An được thông qua. Trong hai năm (1963 - 1964), lực lượng dân quân tự vệ đã triển khai, tập luyện và diễn tập thực binh theo phương án mang lại hiệu quả thiết thực.

          Năm 1963, từ nguồn ngân sách xã và huy động cử tri đóng góp, xã đã xây dựng được trụ sở Ủy ban nhân dân xã nhà 6 gian làm bằng gỗ, lợp tranh. Đây là một thành tựu quan trọng, cán bộ lãnh đạo đã có nhà kiên cố để họp, chấm dứt thời kỳ mượn nhà dân để làm trụ sở.

IV. ĐẢNG BỘ NGHĨA MAI LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1965 - 1975)

1. Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai vừa sản xuất vừa chiến đấu, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965 - 1968)

          Ngày 5.8.1964, đế quốc Mỹ trắng trợn dùng máy bay phản lực ném bom Vinh - Bến Thủy và vài nơi trên miền Bắc nước ta. Quân dân Bến Thủy đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên và bắn bị thương nhiều chiếc khác trên miền Bắc. Chiến công đầu tiên của quân dân Bến Thủy đã làm nức lòng quân dân toàn tỉnh.

          Bước sang năm 1965, chiến tranh lan rộng ra cả nước. Hội nghị lần thứ 11 (khóa III) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (3.1956) xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ của quân dân miền Bắc lúc này là: “Xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc của cách mạng miền Nam, đồng thời bảo đảm đời sống cho nhân dân và đáp ứng yêu cầu tại chỗ; đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tăng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và cách mạng Lào”(1).                 

Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ban Tuyên huấn Huyện ủy Nghĩa Đàn đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các chi bộ và nhân dân nhằm vạch trần âm mưu, tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân ta và khẳng định sức mạnh của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam mà đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong đợt tuyên truyền này, đảng viên và quần chúng nhân dân đã nhận thức được sâu sắc hơn âm mưa của Mỹ và sức mạnh của nhân dân ta.

          Sau sự kiện ngày 5.8.1964, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đã lên tiếng phản đối hành động xâm lược của đế quốc Mỹ đối với Việt Nam. Nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Mỹ. Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ phải tập trung cho công tác ngoại giao để trấn an dư luận thế giới. Vì thế, trong suốt 7 tháng sau đó, chúng cho máy bay do thám chứ không ném bom bắn phá. Điều này đã làm cho một số người nhầm tưởng là chiến tranh có thể không xảy ra nữa. Nhưng đến ngày 7.2.1965, Mỹ tiếp tục cho máy bay ném bom đảo Cồn Cỏ, thị xã Đồng Hới (Quảng Bình), chính thức phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.

          Liên tục những ngày sau đó, Mỹ đã cho nhiều loại máy bay của lực lượng không quân, hải quân và tàu chiến đánh phá ác liệt suốt ngày đêm ở hầu hết các vị trí quân sự, đầu mối giao thông và nhiều nhà máy, hầm mỏ, công trình thủy lợi, bệnh viện, trường học trên miền Bắc nước ta.

          Trước yêu cầu của tình hình mới, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của lãnh đạo tỉnh và huyện, xã Nghĩa Mai đã khẩn trương chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, bố trí lại lực lượng hợp lý để vừa đẩy mạnh sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bom đạn địch gây ra.

        Tháng 12.1965, Nghĩa Mai đã tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ 9, nhiệm kỳ (1965 - 1967). Ban Thường vụ của nhiệm kỳ này gồm:

 1. Đồng chí Cao Văn Chúc - Bí thư Đảng ủy

2. Đồng chí  Nguyễn Văn Tương (12.1964 - 11.1965), Lê Minh Hưng (12.1965 - 6.1968) - Trực Đảng

          3. Đồng chí Lê Hồng Phú - Chủ tịch Ủy ban hành chính

          Chuyển mọi sinh hoạt từ thời bình sang thời chiến

Sau Đại hội, thực hiện chủ trương của cấp trên, Đảng ủy và chính quyền xã đã khẩn trương triển khai chuyển hướng mọi hoạt động sang thời chiến theo sự chỉ đạo của huyện.

Trước tiên là xây dựng trạm báo động phòng không. Do địa bàn của xã Nghĩa Mai khá rộng và đồi núi phức tạp nên xã tổ chức thành hai trạm: trạm vùng trong và vùng ngoài. Nhiệm vụ của trạm là thường xuyên cử người canh gác, lắng nghe tiếng máy bay địch, đánh kẻng báo động. Tùy vào cự ly xa hay gần của máy bay mà cách đánh kẻng khác nhau: theo quy định lúc bấy giờ khi máy bay ở gần, có thể ném bom vào khu vực Nghĩa Mai thì đánh kẻng ngũ liên (đánh 5 hồi liên tục với nhịp đánh rất nhanh: 3 tiếng một hồi). Ngoài ra, theo quy định, người trực phòng không có thể báo động, nếu như nghe được kẻng báo động của các vùng khác xung quanh. Việc thành lập các trạm báo động được triển khai nhanh chóng và hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, một xóm có 1 chòi phòng không xây dựng trên các cây cao, nguyên liệu được làm bằng  tre. Chòi phòng không có hai nhiệm vụ: vừa canh gác máy bay vừa là nơi đọc thời sự hoặc thông báo cho nhân dân nghe. Xã cũng chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ và Đoàn Thanh niên triển khai đào hầm, hào tránh bom đạn địch. Đây là công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự gặp không ít khó khăn do nhiều người còn chủ quan chưa tận mắt thấy sự tàn phá của bom đạn nên coi thường việc làm hầm, hào. Do đó, mặc dù đã được tuyên truyền vận động nhiều lần nhưng tiến độ công việc ở đây vẫn còn chậm. Tuy nhiên, khi cường độ đánh phá của máy bay Mỹ ngày càng tăng thì việc đào hầm, hào đã trở thành nhiệm vụ không những của các hộ gia đình mà còn là tránh nhiệm của các đoàn thể nhất là Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam, dân quân tự vệ. Ở Nghĩa Mai cũng như các nơi khác, hầm thường có hai loại: hầm tròn như hồi đánh Pháp và hầm nửa nổi, nửa chìm hình chữ A hay còn gọi là hầm Triều Tiên. Ban đầu tiêu chuẩn một nhà phải có một hầm đủ điều kiện cho mọi người trú ẩn khi có máy bay. Lực lượng dân quân và Đoàn Thanh niên có nhiệm vụ làm hầm, hào ở những nơi công cộng như chợ, trường học (kết hợp với phụ huynh học sinh và giáo viên cùng làm) và giúp đỡ các gia đình chính sách neo đơn. Ngoài ra, để đảm bảo cho nhân dân an toàn trong sản xuất, hầm còn được đào rải rác trên các cánh đồng. Giữa các hầm giao thông để trong trường hợp bị máy bay ném bom, mọi người có thể vận động chiến đấu đánh máy bay địch. Tất cả hầm hào trong xã, tùy theo từng khu vực, đã tạo thành một hệ thống đủ điều kiện cho các hoạt động học tập và sản xuất tương đối an toàn. Đến cuối năm 1965, khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt thì các lớp học còn phải đắp thêm bờ bao chung quanh cao khoảng 1- 1,5 m đủ đảm bảo an toàn khi máy bay địch ném bom. Ngoài ra, trong phòng học còn phải đào hào giao thông để khi có sự cố các em có thể thoát ra ngoài. Sau sự kiện máy bay Mỹ ném bom trường cấp 2 Hương Phúc, Hương Khê - Hà Tĩnh, làm chết hơn 60 em học sinh và giáo viên thì việc hoàn chỉnh hệ thống hầm, hào cho các em trở nên cấp thiết hơn.

Ngoài việc đào hầm hào giao thông, thành lập các trạm phòng không, xã còn chuẩn bị phương án sơ tán dân khi có chiến sự xảy ra nơi sơ tán, đội hình di chuyển, người phụ trách…

Điều quan trọng nhất lúc này là tăng cường lực lượng dân quân tự vệ. Theo kế hoạch của Huyện đội Nghĩa Đàn thì tất cả lực lượng dân quân tự vệ phải được huấn luyện kỹ thuật bắn máy bay bằng súng bộ binh. Hàng năm, hợp tác xã có nhiệm vụ cung cấp lương thực và thực phẩm cho dân quân trong những ngày tập luyện. Các đơn vị xã và những vùng xung yếu thì mỗi hợp tác xã phải thành lập được một trung đội tự vệ. Trung đội này được trang bị vũ khí bộ binh như súng trường quân dụng K44, K57 nòng dài của Hunggari, những nơi địch có thể đánh phá thì trung đội còn được trang bị các loại súng phòng không có tầm bắn cao hơn như đại liên 12,7 ly, 14,5 ly (2 nòng)… Khi cuộc chiến tranh trở nên ác liệt (vào giữa năm 1965) thì trung đội mạnh của các xã, các hợp tác xã đã tham gia trực chiến bắn máy bay địch bằng súng bộ binh. Trung đội mạnh trực chiến của Nghĩa Mai hầu hết là nam, nữ thanh niên trong xã tham gia. Họ được hợp tác xã cung cấp lương thực theo quy định của Nhà nước: một mùa 120 kg thóc (ngang với tiêu chuẩn của lao động loại A) mà không phải đi làm lấy điểm như các xã viên khác.

Đẩy mạnh sản xuất, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu

Từ giữa tháng 3.1965, Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cùng với việc leo thang đánh phá miền Bắc một cách dã man, đầu tháng 5.1965, hàng chục vạn quân Mỹ và quân các nước chư hầu đổ bộ vào miền Nam, đẩy mạnh chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Đặc biệt từ cuối năm 1965 đến đầu năm 1966, Mỹ ồ ạt cho máy bay đánh phá với dã tâm “Đánh cho miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”.

Để khẳng định quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, toàn miền Bắc dấy lên phong trào thi đua sôi nổi. Thanh niên có phong trào “3 sẵn sàng”(1), phụ nữ có phong trào “ba đảm đang”(2), các phụ lão có phong trào “trẻ xông pha, già mẫu mực”, động viên con cháu tòng quân, sẵn sàng chiến đấu và hăng hái sản xuất. Các em nhỏ có phong trào “nuôi gà chống Mỹ”. Toàn dân có phong trào “sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”, “vững tay cày, chắc tay súng”. Toàn xã Nghĩa Mai đã tham gia các phong trào trên một cách tích cực và hăng hái.

Cũng như các địa phương khác, xã chỉ đạo bà con làm tốt công tác phòng, tránh địch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do địch gây ra. Trước mắt, xã phát động nhân dân tiếp tục đào hầm, hào trong mỗi gia đình (hầm tròn, hầm chữ A), đào hầm nơi công cộng như chợ, trường học, dọc các đường lớn, ngoài đồng ruộng.

Sáng ngày 23.5.1965, Mỹ cho nhiều tốp máy bay ập tới từ nhiều hướng ném bom khu vực Tây Hiếu, Nghĩa Mai, Nghĩa Hòa, xưởng 250 B Phủ Quỳ, Trường Trung cấp nông lâm, Trạm cây nhiệt đới Phủ Quỳ và xưởng chế biến lâm sản, Bệnh viện Phủ Quỳ. Nêu cao tinh thần cảnh giác, quân dân Nghĩa Mai cùng với quân dân Nghĩa Đàn đánh trả quyết liệt, cùng với đơn vị cao xạ 37 ly của bộ đội chủ lực bảo vệ thị trấn Thái Hòa, các đơn vị trung đội mạnh trong khu vực đã chiến đấu ngoan cường bằng súng bộ binh, làm cho các đợt ném bom của chúng bị sai mục tiêu khá nhiều.  Trong khói lửa bom đạn, nhiều chiến sỹ đã dũng cảm xông pha cứu người, tài sản và hàng hóa. Trong đợt ném bom này, giặc Mỹ đã làm 70 người chết, hàng chục người bị thương, phá hỏng nhiều nhà cửa, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

 

Tại Nghĩa Mai, vào lúc 16h, ngày 1.9.1965  (AL), máy bay Mỹ ném bom vào làng Nạn (nay là làng 3ª), làm chết hai người (ông Hoàng Văn Nga và con ông Hoàng Văn Bá) và một người bị thương là ông Cao Văn Thịnh; làm cháy hai nhà ông Hoàng Văn Nam và ông Lê Văn Chung; làm chết 1 con trâu của Hợp tác xã do ông Chung nuôi[4].

Tiếp đó ngày 15.1.1966, vào lúc 12h30 phút, máy bay Mỹ ném bom vào rú Mồ tại làng Bái 2 ( nay là xóm 5a) gần vị trí trường câó I Nghĩa Mai làm cháy nhà trường và làm bị thương ông Nguyễn Văn Mai.

Trong không khí sôi động chung của cả nước, Đoàn xã Nghĩa Mai đã tiến hành mở đợt tuyên truyền trong đoàn viên, thanh niên về tội ác của giặc Mỹ và phát động toàn xã hưởng ứng tham gia phong trào “ba sẵn sàng”. Vì thế, sau cuộc họp, đáp ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhân dân Nghĩa Mai  động viên con em lại tiếp tục lên đường chống Mỹ cứu nước. Từ năm 1960 - 1975, xã Nghĩa Mai đã có hàng chục thanh niên lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; có hàng trăm thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu bảo vệ quê hương, Tổ quốc.

          Bên cạnh đó, nhân dân Nghĩa Mai tiếp tục bắt tay vào làm thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa để tiếp tục phát triển sản xuất. Công tác thủy lợi là một trong những thành công trong phong trào phát triển nông nghiệp ở Nghĩa Mai. Trong thời gian này, lực lượng lao động chính phần lớn đã gia nhập quân ngũ hoặc tham gia trực chiến. Vì thế các hợp tác xã đã huy động lực lượng trong đó chị, em phụ nữ, trung niên là lao động chủ yếu. Những con mương, các đập hồ chính thường xuyên được nạo vét, khơi thông đồng thời xây dựng thêm đập làng.... Hệ thống mương xương cá được các hợp tác xã giao cho các đội sản xuất tự đảm nhiệm. Nhờ đó, mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng diện tích canh tác vẫn được đảm bảo.

          Trong thời gian này, việc đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng được đặt ra không những ở Trung ương (các viện nghiên cứu) mà còn rất được khuyến khích ở các hợp tác xã. Ở Nghĩa Mai, phong trào làm bèo hoa dâu để tăng lượng đạm cho lúa cũng được phát động rộng khắp. Hầu hết anh chị em đoàn viên, thanh niên đều tích cực tham gia lực lượng chủ chốt của các hợp tác xã trong lĩnh vực này. Việc cấy giăng dây thẳng hàng và sử dụng cào cỏ 64A cũng là một tiến bộ đang được áp dụng rộng rãi trong giai đoạn này. Nhờ đó, bà con xã viên đã giảm được khá nhiều công sức so với trước đây. Mặt khác, năng suất lúa cũng tăng lên đáng kể, bình quân khoảng 3 - 4 tấn/ha. Với khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Nghĩa Mai đã làm tròn nghĩa vụ giao nộp lương thực cho Nhà nước.

          Công tác chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do thiếu con giống, nhất là giống lợn. Các hợp tác xã đã đầu tư cho trại chăn nuôi tập thể như: Hợp tác xã Phú Thành có trại chăn nuôi dê lên tới hàng trăm con. Tuy vậy, do chưa có nhiều tiến bộ trong công tác chọn giống lợn mới, bà con xã viên vẫn phải tiếp tục chăn nuôi các giống cỏ, lợn nái và một số nơi đã có lợn Móng Cái nhưng chưa nhiều. Ngoài ra, bà con trong xã còn nuôi gà thả trong vườn với các giống gà cỏ, gà ri... nhưng năng suất sản xuất còn thấp. Thời kỳ này, do công tác thú y chưa có khả năng đảm nhận việc phòng, trừ dịch bệnh nên rất hạn chế. Ở Nghĩa Mai, chăn nuôi trâu, bò là một lợi thế nhưng chủ yếu tập trung ở Hợp tác xã chăn nuôi gia đình không phát triển được. Tuy vậy, với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, hàng năm Nghĩa Mai vẫn đóng góp đầy đủ thực phẩm cho Nhà nước.

Giai đoạn này, hợp tác xã tín dụng tổ chức đại hội nhiệm kỳ lần thứ 3 (1.1967 - 11.1973) do ông Cao Bá Viện làm Chủ nhiệm. Đến 11.1973, Hợp tác xã tín dụng đại hội nhiệm kỳ thứ 4 do ông Lê Hoa Xoan làm Chủ nhiệm nhưng giai đoạn này hợp tác xã tạm dừng hoạt động. Mãi đến năm 26.06.1985, hợp tác xã tín dụng mới hoạt động trở lại. Hợp tác xã mua bán nhiệm kỳ thứ 3 do ông Lê Văn Nại làm Chủ nhiệm (1972 - 1973).

          Ngày 17.7.1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước nêu cao hơn nữa quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Người cho rằng: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.”(1)

      Khẩu hiệu không có gì quý hơn độc lập tự do” đã trở thành chân lý bất hủ, là nguồn cổ vũ động viên, là mệnh lệnh chiến đấu cho cả dân tộc ta. Ở Nghĩa Mai lúc này, khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” được phổ biến khắp mọi nơi, càng thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân tham gia chống Mỹ cứu nước.

          Bước sang năm 1967 - 1968, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 1967, tần suất đánh phá đã tăng gấp 2 lần so với năm 1966. Đặc biệt, chúng tăng cường dùng bom bi (loại bom đã bị cấm sản xuất và sử dụng) để đánh vào các khu dân cư, đoàn xe, bến phà, trận địa phòng không, trường học, bệnh viện và chợ…

Chúng cũng dùng máy bay thả thủy lôi xuống các cửa sông, cửa biển, thả bom nổ chậm xuống các bến sông, các đoạn đường trọng yếu với ý đồ phá hoại các cơ sở cất dấu hàng hóa, phương tiện chiến tranh, ngăn chặn đường tiếp tế của ta cho chiến trường miền Nam.

        Trước tình hình đó, tháng 12.1967, tại nhà đồng chí Điều, làng Sưa Nghĩa Mai đã tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ 10, nhiệm kỳ (1967 - 1968). Ban Thường vụ gồm các đồng chí:

1.     Đồng chí Vi Đức Thành - Bí thư Đảng ủy

2.     Đồng chí Lê Minh Hưng - Trực Đảng

3.     Đồng chí Hoàng Hữu Nghị - Chủ tịch Ủy ban hành chính

          Chiến tranh càng ác liệt thì tinh thần chiến đấu của nhân dân ta càng lên cao. Cuối năm 1967, đầu năm 1968, Nghĩa Mai đã huy động hàng trăm nam, nữ thanh niên đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Tất cả đều sẵn sàng nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Lực lượng dân quân tranh thủ thời gian, bất chấp nguy hiểm kết hợp với lực lượng Huyện đội tổ chức rà phá, thu gom bom đạn chưa nổ, giải phóng các trục đường giao thông trong khu dân cư và ngoài đồng để lấy đất sản xuất.

          Cũng trong thời gian này, địch tạm ngừng ném bom, nhân dân xã Nghĩa Mai cùng nhân dân trong huyện đã đổ ra đường, san lấp hố bom, khắc phục hậu quả chiến tranh cho xe ra chiến trường, phục vụ kịp thời cho quân dân ta ở miền Nam, nhất là chuẩn bị cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy vào tết Mậu Thân năm 1968.

Hoạt động văn hóa, xã hội

    Mặc dù gặp vô vàn khó khăn do bom đạn chiến tranh nhưng công tác y tế, văn nghệ, thể dục - thể thao xã nhà vẫn không ngừng phát triển. Các lớp học được đắp lũy bảo vệ an toàn, học sinh đến trường đều có mũ rơm, túi thuốc… Phong trào thi đua với Bắc Lý, tỉnh Hà Nam được phát động rộng rãi. Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt luôn giữ vững, số học sinh các cấp vẫn tăng. Tuy còn đơn sơ, thiếu thốn về điều kiện vật chất nhưng các hợp tác đều đã xây dựng được nhà trẻ và lớp mẫu giáo, tạo điều kiện cho các em đến trường và để bố mẹ các cháu an tâm sản xuất và chiến đấu

     Phong trào vệ sinh phòng bệnh cũng được đẩy mạnh. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các đội cấp cứu, nhân viên y tế của xã tuy chưa đáp ứng đủ về số lượng và trình độ chuyên môn nhưng tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc chiến đấu luôn đảm bảo tốt, nhờ đó mà công tác phòng, chữa bệnh cho nhân dân có phần tiến bộ hơn trước. Để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ y tế, xã đã tiếp tục cử một số thanh niên đi học lớp y tá, hộ sinh tại các cơ sở đào tạo của tỉnh.

 Trong những năm tháng chống Mỹ đầy gian khổ, phong trào văn nghệ không ngừng phát triển. Mặc cho mưa bom, bão đạn, lời ca, tiếng hát của anh, chị em thanh niên Nghĩa Mai thường xuyên cất lên trong các buổi lao động sản xuất, trong các buổi liên hoan tiễn đưa bạn bè, đồng chí ra trận. Nội dung các bài hát chủ yếu ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi lãnh tụ; hát về chiến tranh, về miền Nam yêu dấu đang ngày đêm chiến đấu hy sinh. Tinh thần “tiếng hát át tiếng bom”, tạo cho người dân nỗ lực tiến công cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, vì Việt Nam thống nhất. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng mỗi khi có đoàn văn công về biểu diễn nhân dân đi xem rất đông. Âm nhạc đã tạo ra sức mạnh cho nhân dân, góp phần làm nên những chiến công tuyệt vời của tuổi trẻ Việt Nam trong những tháng năm lịch sử này.

Năm 1966 -1968, Nghĩa Mai là một trong những đơn vị trung chuyển lương thực thực phẩm phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chủ yếu tập trung tại làng Nạn 3 kho, làng Đồn 2 kho, làng Cáo 1 kho, làng Bái 2 kho, làng Bui 2kho) và hàng ngàn tấn lương thực. Dân và quân trong xã hăng hái làm nhà kho, bốc xếp và bảo vệ kho lương thực[5].

Năm 1967 -1968, xã nhà đón nhận hai đơn vị quân đội về an dưỡng tại làng Sào (nay xóm 4) và làng Vịn (xóm 9). Xã nhà cũng có thêm một số hoạt động quyên góp ủng hộ rau, củ quả cho hai đơn vị. Từ tháng 8.1968 đến tháng 12.1968, xã tiếp tục đón nhận sư đoàn 304 về an dưỡng và sinh hoạt ở nhà dân trong xã.

          Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức quần chúng

          Công tác xây dựng Đảng ở Nghĩa Mai có nhiều tiến bộ, biểu hiện ở số lượng quần chúng đã được giới thiệu kết nạp Đảng. Trong gian khổ, hy sinh, người đảng viên luôn giữ vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động. Đa số các đảng viên được giao nhiệm vụ đều sẵn sàng nhận lệnh và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh ngay khi đang làm nhiệm vụ. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, Hội mẹ chiến sỹ, Hội Phụ lão… đã làm tốt chức năng của mình, góp phần to lớn vào cuộc chiến đấu chống Mỹ.

          2. Nghĩa Mai khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng hậu phương, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ (1969 - 1972)

          Tranh thủ thời gian Mỹ ngừng ném bom, nhân dân miền Bắc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường chi viện cho miền Nam. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và các Nghị quyết, Chị thị của Tỉnh ủy Nghệ An, Huyện ủy Nghĩa Đàn, ngay sau ngày địch ngừng ném bom miền Bắc, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai đã tranh thủ thời gian, thời cơ hòa bình đẩy mạnh mọi mặt công tác, tập trung chủ yếu vào hai mũi tiến công chính: khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, mở mang thủy lợi; làm tốt công tác sẵn sàng chiến đấu.

        Tháng 2.1969, Đảng bộ xã Nghĩa Mai đã tiến hành đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ (1969 - 1973). Ban Thường vụ  gồm các đồng chí:

          1. Đồng chí Cao Văn Chúc - Bí thư Đảng ủy

2. Đồng chí Cao Văn Lục (12.1969 - 5.1970), Nguyễn Đình Liên   (6.1970 - 4.1973) - Trực Đảng

3. Đồng chí Hoàng Hữu Nghị (3.1971), Cao Văn Lục (4.1971 - 4.1973) - Chủ tịch Ủy ban hành chính

Khôi phục và phát triển sản xuất: Trên mặt trận sản xuất và thủy lợi: giai đoạn này, hợp tác xã giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp, làm ra nhiều sản phẩm vừa phân phối cho xã viên vừa thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ cho Nhà nước để nuôi quân. Xã chỉ đạo các hợp tác xã huy động lực lượng dân quân, xã viên ra đồng phục hồi diện tích bị hoang hóa trong chiến tranh; tu bổ các công trình thủy lợi và làm thủy lợi nội đồng để phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp ngay từ vụ Đông - Xuân (1968 - 1969). Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của thủy lợi và kiến thiết thủy lợi nội đồng với việc thâm canh tăng năng suất cây trồng, trong những năm 1969 - 1972, Nghĩa Mai đã tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, huyện để tiếp tục tu sửa một số kênh mương dẫn nước.

          Trải qua một quá trình phấn đấu không ngừng, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai đã từng bước tăng cường cơ sở vật chất, các công trình thủy lợi bị phá hỏng được phục hồi và làm mới, đồng ruộng được cải tạo thêm. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, các hợp tác xã đã cho xã viên học tập Điều lệ Hợp tác xã mới, nhằm nâng cao ý thức làm chủ tập thể trong lao động, quản lý đất đai, tư liệu sản xuất. Xã đã tích cực đưa những giống mới, ngắn ngày có năng suất cao vào sản xuất như: NN5, NN8, Trân Châu lùn… Bên cạnh đó, xã còn cho cải tạo các bờ ao nhỏ thành các dãy ao lớn để đẩy mạnh chăn nuôi cá, vịt. Tiếp tục tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là việc đẩy mạnh nuôi trồng bèo hoa dâu để tăng cường phân bón cho đồng ruộng và cải tạo chất đất khi mà nguồn phân hữu cơ còn thiếu thốn.

          Cũng như một số xã khác, ở Nghĩa Mai việc đưa bèo hoa dâu vào sản xuất với mục đích là cải tạo đất, tăng cường đạm cho cây trồng cũng là một cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng, trong quần chúng nhờ đó việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quần chúng, nhờ đó việc  mặt trận sản xuất nông nghiệp được tăng cường, thúc đẩy năng suất lao động tăng cao, đời sống nhân dân bước đầu được ổn định. Các hoạt động văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ trong tổ chức quản lý, chất lượng chuyên môn ngày được nâng cao. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao tiếp tục được phát huy cao độ để phục vụ tốt nhiệm vụ chiến đấu trong tình hình mới.

Giai đoạn này, hợp tác xã tín dụng nhiệm kỳ (1973 - 1975) do ông Lê Văn Hạ làm Chủ nhiệm. Nhiệm kỳ thứ 5 (1975 - 1977) do ông Hoàng Văn Tư làm chủ nhiệm. Nhiệm kỳ thứ 6 (1978 - 1980) do ông Trương Minh Hợp làm Chủ nhiệm.

          Trong khi đồng bào Nghĩa Mai cùng đồng bào cả nước đang ra sức thi đua sản xuất, chiến đấu và tiếp tục giành được những thắng lợi mới thì nhận được tin Bác Hồ qua đời. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn, một nỗi đau thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Dù đã ra đi nhưng  Bác đã để lại muôn vàn tình yêu thương cho toàn Đảng, toàn dân qua lời Di chúc thiêng liêng: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, nhưng nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

          Thực hiện Di chúc của Người, toàn Đảng, toàn dân ta phấn đấu thực hiện thắng lợi lời dặn của Người trước lúc đi xa. Ngay sau lễ truy điệu Người, biến đau thương thành hành động, toàn dân Nghĩa Mai ra sức thi đua lao động sản xuất và chiến đấu. Công cuộc làm thủy lợi, giao thông, đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị đối phó với âm mưu mới của địch được tiến hành khẩn trương. Các ban, ngành từ xã đến các thôn, xóm đều tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phấn đấu tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, thực hiện tốt 3 cuộc vận động của Trung ương Đảng: vận động lao động sản xuất; vận động phát huy dân chủ, tăng cường chế độ làm chủ tập thể của quần chúng.

Công tác chiến đấu và phục vụ chiến đấu: Trước những diễn biến mới của tình hình đất nước, tháng 1.1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 18 chỉ rõ nhiệm vụ và yêu cầu đối với miền Bắc: “Tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, khẩn trương có kế hoạch làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của địa phương đối với tiền tuyến lớn và luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt, đánh bại âm mưu khiêu chiến vũ trang hoặc mở rộng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai”.

Trên cơ sở phương hướng và nhiệm vụ mà Đảng bộ huyện đề ra, trong ba năm (1970 - 1972), Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai đã ra sức phấn đấu khôi phục và phát triển kinh tế toàn diện, trọng tâm là mở rộng diện tích canh tác trên cơ sở đẩy mạnh công tác khai hoang, phục hóa, thâm canh tăng năng suất lúa, màu và cây công nghiệp… Đồng thời, xây dựng lực lượng an ninh, quốc phòng vững chắc, sẵn sàng chiến đấu và giành thắng lợi trong mọi tình huống. Tích cực động viên con em ra tiền tuyến chiến đấu và phục vụ chiến đấu, hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược: bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

          Lúc này, trên chiến trường Nam Lào, chúng ta đang giành được những thắng lợi hết sức to lớn. Vì thế, để cứu vãn tình hình, tiếp tục gây áp lực trên bàn đàm phán Hội nghị Pari, đế quốc Mỹ ráo riết tăng cường hoạt động quân sự, chuẩn bị kế hoạch ném bom trở lại miền Bắc. Trước tình hình đó, việc vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường của nhân dân ta ngày càng khẩn trương hơn. Theo chỉ thị của cấp trên, ngoài lực lượng công an, bộ đội địa phương, dân quân du kích, thanh niên xung phong, xã còn huy động thêm lao động khỏe đi làm công tác đảm bảo giao thông, vận chuyển hàng hóa bằng mọi phương tiện, thời cơ để có thể đưa được nhiều vũ khí, lương thực, thực phẩm vào chiến trường lúc Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, mặt khác, phải đảm bảo đời sống cho nhân dân.

          Trước nguy cơ “Việt Nam hóa chiến tranh” bị phá sản, tổng thống Mỹ Ních - xơn vội vàng “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh ở miền Nam và phát động chiến tranh phá hoại lần thứ 2 đối với miền Bắc. Khác với lần trước, lần này chúng huy động lực lượng máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất như B52, F111… để thực hiện những trận ném bom hủy diệt tàn bạo với quy mô lớn, hòng làm lung lay ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Ngay từ năm 1969, Mỹ đã không ngừng tiến hành các hoạt động do thám, khiêu khích bằng đường không và đường biển ở Nghệ An. Đến năm 1970, chúng tăng cường hoạt động do thám, đánh bom vào một số điểm giao thông quan trọng và tung nhiều đoàn thám báo, biệt kích vào phía Tây tỉnh Nghệ An.

           Trước thủ đoạn mới của địch, Trung ương, tỉnh, huyện đã kịp thời chỉ đạo nhân dân chuyển hướng các hoạt động với các nhiệm vụ cụ thể: “Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kịp thời chi viện đầy đủ lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến; tổ chức phòng tránh, đánh địch, hạn chế những tổn thất đến mức thấp nhất; giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội; làm tốt công tác tuyển quân, huy động đầy đủ nhân lực cho tiền tuyến, thanh niên xung phong sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ; thường trực công tác phòng chống thiên tai; tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; đảng viên phải gương mẫu, tiên phong trong mọi công tác”.

          Phát hiện được sự chuẩn bị mở đợt tiến công chiến lược lớn vào đầu năm 1972 của quân dân miền Nam, từ cuối năm 1971, địch càng tăng cường hoạt động trinh sát trên bầu trời và cho máy bay bắn lẻ từng đợt vào một số khu vực cất giữ hàng hóa, vũ khí của ta dọc Đường 1A, 15A. Công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu ở Nghĩa Mai được nâng cao, các phương án tác chiến cũng được hoàn chỉnh thêm. Lực lượng vũ trang của xã được trang bị thêm phương tiện chiến đấu. Các trạm gác báo động được tăng cường…

          Công tác phòng không sơ tán, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân được chuẩn bị chu đáo. Nhân dân được sơ tán xa các trục đường chính, làm thêm hầm trú ẩn, hầm cất dấu lương thực. Các lớp học, trạm xá, nơi sinh hoạt công cộng của cán bộ nhân dân được bổ sung thêm hầm, hào, lũy. Các hợp tác xã tổ chức các đội chuyên làm hầm, hào để giúp người già neo đơn, gia đình thương binh, liệt sỹ.

          Từ tháng 9 năm 1972 đến tháng 1 năm 1973, xã đã tạo điều kiện giúp đỡ chohai đơn vị k3 và k7, quản lý tù binh ngụy quyền khoảng 300 đầu tiên tại trạm khr Ang (xóm 9), khoảng ba tháng sau đó chuyển sang khu vực khe Đác Kha.

          Tại Nghĩa Mai, ngày 22.12.1972, khoảng 1h sáng, máy bay B52 của Mỹ ném bom rải thảm tại khu vực làng Giàn, gần khu vực đại tu 267, làm cháy 1 nhà ông Vi Văn Mớ, làm chết bà Mớ và một ngừời cháu Vi thị Nhất 16 tuổi. Ngoài ra, trận ném bom còn làm hư hại nhiều nhà xung quanh[6].

     Cuối năm 1972, số vụ ném bom rải thảm bằng B52 của địch tăng lên. Đế quốc Mỹ tập trung lực lượng không quân đánh phá thành phố Hải Phòng và thủ đô Hà Nội, nhằm khuất phục ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Sau 12 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 81 máy bay phản lực Mỹ, trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111 (máy bay cánh cụp cánh xòe bảo vệ cho máy bay B52 - loại máy bay hiện đại nhất của không quân Mỹ lúc bấy giờ), làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” khiến cho thần tượng “siêu pháo đài bay B52” của không lực Hoa Kỳ sụp đổ.

          Liên tục thất bại trên các mặt trận, ngày 19.12.1972, Mỹ buộc phải ngừng ném bom ở Hà Nội, Hải Phòng và từ vĩ tuyến 20 trở ra, quay trở lại bàn đàm của Hội nghị Pari. Ngày 15.1.1973, Mỹ chấm dứt sự can thiệp về quân sự ở Việt Nam. Ngày 27.1.1973, Hiệp định Pari được kí kết. Theo Hiệp định, đế quốc Mỹ và quân đội các nước chư hầu phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.

          Tuy rút quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn sử dụng hệ thống ngụy quân, ngụy quyền để làm công cụ phá hoại Hiệp định Pari. Chỉ sau mấy ngày kí Hiệp định có hiệu lực, ngụy quyền Sài Gòn đã cho quân lính tấn công lấn chiếm nhiều vùng giải phóng ở miền Nam. Trước tình hình đó, ngày 28.1.1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi nhân dân cả nước sẵn sàng chiến đấu và khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã giành thắng lợi”, đồng thời cũng chỉ rõ: “Các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ âm mưu phá hoại hòa bình, ngăn cản con đường thống nhất, độc lập tự do của dân tộc ta”. Trung ương kêu gọi đồng bào hai miền Nam - Bắc “Tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác, củng cố những thắng lợi đã  giành được, hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.”

          Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai lại tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, chi viện tối đa cho miền Nam, góp phần “Đánh cho ngụy nhào”, thực hiện mục tiêu thống nhất nước nhà.

3. Nghĩa Mai hàn gắn vết thương chiến tranh, góp phần cùng nhân dân cả nước “Đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1973 - 1975)

Thắng lợi to lớn của quân và dân cả nước trong năm 1972 đã làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27.1.1973. Mỹ và các nước đồng minh buộc phải rút quân về nước. Tuy vậy, Mỹ vẫn còn để lại cho ngụy quân, ngụy quyền hàng ngàn máy bay, khối pháo, hàng trăm tàu chiến, hàng triệu tấn vật tư quân sự và 25 ngàn cố vấn quân sự đội lốt dân sự để giúp đỡ và chỉ đạo ngụy quân, ngụy quyền thực hiện âm mưu phá hoại hoà bình, hoà hợp dân tộc ở miền Nam. Thực chất hành động đó của Mỹ là “Kéo dài Việt Nam hóa chiến tranh”. Còn ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn thì thực hiện chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ”, tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét, nhằm thu hẹp vùng giải phóng của ta.

Trước âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai, ngày 28.1.1973, Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào cả hai miền Nam - Bắc tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác, củng cố những thắng lợi đã giành được, hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Thực hiện lời kêu gọi của Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng, chính quyền, Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn lãnh đạo nhân dân ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ của hậu phương, tạo thêm tiềm lực góp phần chi viện hiệu quả cho tiền tuyến lớn miền Nam tiến lên thực hiện “Đánh cho nguỵ nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

Từ ngày 14 - 16.4.1973 đến 10.10.1974, Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn đã tiến hành hai kỳ Đại hội đại biểu lần thứ XV và XVI(1). Thực hiện Nghị quyết Đại hội các nhiệm kỳ, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Đàn đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Với tinh thần đó, tháng 4 năm 1973, Nghĩa Mai tiến hành Đại hội lần thứ 12, nhiệm kỳ (1973 - 1975) tại hội trường Ủy ban nhân dân xã . Đại hội đã bầu 9 đồng chí Ban Chấp hành, trong đó 3 đồng chí Ban Thường vụ gồm:

1.     Đồng chí  Lê Minh Thư - Bí thư Đảng ủy

2.     Đồng chí  Lang Văn Xàng - Trực Đảng

3.     Đồng chí Cao Văn Lục - Chủ tịch Ủy ban hành chính

Đến cuối năm 1975, Huyện ủy Nghĩa Đàn có chủ trương hợp nhất các hợp tác xã nông nghiệp qui mô thôn xóm thành hợp tác xã qui mô vừa. Do đó, Nghĩa Mai đã tiến hành hợp nhất 3 hợp tác xã: HTX Cát Long, HTX Bình Long, HTX Giàn Thành thành hợp tác xã Lòng Thành; hợp nhất 2 hợp tác xã Yên Bái và Bui Thai thành hợp tác xã Yên Vui. Còn lại giữ nguyên 3 hợp tác xã Hưng Tiến 1, Hưng Tiến 2, Lai Châu. Như vậy, đầu năm 1976, Nghĩa Mai có tất cả 5 hợp tác xã qui mô vừa

1. Hợp tác xã Long Thành do ông Cao Văn Thâm làm Chủ nhiệm

          2. Hợp tác xã Yên Vui do ông Lê Văn Dựa làm Chủ nhiệm

          3. Hợp tác xã Hưng Tiến 1 do ông Hoàng Quốc Nghị làm Chủ nhiệm

          4. Hợp tác xã Hưng Tiến 2 do ông Nguyễn Văn Đệ làm Chủ nhiệm

          5. Hợp tác xã Lai Châu do ông Vi Văn Tưởng àm Chủ nhiệm(1)

Giai đoạn này, Hợp tác xã đã hoàn thành công trình thủy lợi đập Bui. Điều này, làm tăng thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng chính quyền và ban quản trị...

    Nhờ áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trồng những giống lúa có năng suất cao. Đồng thời, xã đã bố trí vụ mùa hợp lý trên từng loại đất, nâng cấp các công trình thủy lợi, phát huy tối đa nguồn nước ở các hồ đập nên vụ Đông trở thành vụ chính (150 ha trên đất hai lúa), sản lượng lương thực đến năm 1975 là 1.500 tấn. Ngành chăn nuôi cũng có bước phát triển, tổng đàn lợn 1975 là 1.700 con, trọng lượng xuất chuồng bình quân năm 40 kg/ con, tổng đàn trâu bò năm 1975 là 1.220 con.

Tháng 3.1975, chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng, Huyện ủy Nghĩa Đàn chỉ đạo Ủy ban hành chính huyện và các xã thành lập Ban chi viện chiến trường. Với khẩu hiệu “Tất cả cho giải phóng miền Nam”, nhân dân toàn huyện đã hăng hái hưởng ứng. Bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai ai cũng muốn đóng góp phần sức lực của mình cho thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nhân dân Nghĩa Mai đã đóng góp một số ngày công, gạo, thực phẩm, bộ đội cho các công trình thủy lợi của huyện. Nhờ đó, qua các đợt tuyển quân, Nghĩa Mai luôn vượt chỉ tiêu được giao, đảm bảo chất lượng và thời gian giao quân.

Ngày 30.4.1975, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn đế quốc Mỹ, lật nhào chế độ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến thắng chung của cả nước, Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Mai đã đóng góp xương máu, công sức, trí tuệ, cùng nhân dân cả nước mở cuộc tấn công “thần tốc, táo bạo và bất ngờ” đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch.

Nhìn lại chặng đường 10 năm (1965 - 1975), Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn nói chung, Đảng bộ xã Nghĩa Mai nói riêng đã lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chiến đấu đập tan các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chi viện cho tiền tuyến đánh giặc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghĩa Mai đã quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận dụng vào điều kiện cụ thể của địa phương; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, từng bước vượt qua khó khăn thử thách của cuộc chiến tranh, giữ vững sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, từng bước phát triển kinh tế, văn hóa, tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, giành thắng lợi hoàn toàn. Trải qua 10 năm chiến đấu, tổ chức Đảng ở Nghĩa Mai đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Đảng bộ luôn làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn, phát triển Đảng cả về số lượng lẫn chất lượng. Thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết mới của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Nghệ An, đặc biệt là Nghị quyết số 195 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng đảng viên, Chỉ thị số 192 của Ban Bí thư về việc đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng, Đảng bộ xã Nghĩa Mai đã mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể đảng viên và đông đảo cán bộ, xã viên hợp tác xã quan tâm tham gia góp ý kiến. Công tác phát triển Đảng được quan tâm, Đảng bộ được tăng cường số lượng lớn đảng viên trẻ. Đổi mới, xây dựng nội dung, chương trình sinh hoạt chi bộ Đảng, tổ Đảng gắn với từng thời điểm cụ thể, từng nhiệm vụ chính trị của địa phương để tập trung lãnh đạo có hiệu quả. Theo định kỳ 6 tháng một lần, Đảng ủy đều tiến hành sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và đề ra kế hoạch, nhiệm vụ cho thời gian tiếp theo. Khi có điều kiện, Đảng bộ phân công cán bộ, đảng viên đi dự các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức và thực hiện các buổi báo cáo thời sự quán triệt Nghị quyết Trung ương và cấp trên... trình độ lý luận và năng lực chuyên môn của cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt. Kết quả được thể hiện rõ nét qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và hoạt động của bộ máy lãnh đạo xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Ngoài ra, Đảng bộ còn thực hiện nghiêm túc phê bình và tự phê bình, làm trong sạch nội bộ Đảng, kịp thời uốn nắn và nghiêm khắc loại trừ một số đảng viên biến chất ra khỏi hàng ngũ Đảng. Cán bộ, đảng viên luôn đi đầu trong mọi lĩnh vực “Bám đội, lội đồng”, sâu sát vận động bà con tích cực thực hiện các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, kết hợp với tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân là những nhân tố quan trọng để Nghĩa Mai đạt được những thành tựu to lớn trong suốt thời kỳ cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Phát huy cao độ những thành quả đã đạt được chính là tiền đề cơ bản, tạo ra bước ngoặt quan trọng đưa Nghĩa Mai bước sang một thời kỳ mới trong bước đường phát triển tiếp theo của lịch sử dân tộc - thời kỳ cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.  

    

Chương 3

NGHĨA MAI TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU

CÙNG CẢ NƯỚC ĐI LÊN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

(1976 - 1985)

 

I. NGHĨA MAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM LẦN THỨ II (1976 - 1980)

Tháng 12.1976, Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng được tiến hành trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đề ra đường lối chung cho cách mạng Việt Nam - phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa và quyết định phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm (1976 - 1980), khẳng định sự tất yếu của việc đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Ngày nay, Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập thì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một, vì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thực hiện được ước mơ lâu đời của nhân dân lao động là vĩnh viễn thoát khỏi cảnh áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, để sống cuộc đời no cơm, ấm áo, ngày mai được đảm bảo một cuộc đời văn minh, hạnh phúc...”

Hòa chung với niềm vui đất nước thống nhất, ngày 1.1.1976, Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ra thông báo đặc biệt về việc hợp nhất hai tỉnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Sự kiện này đã tạo ra thế và lực mới để Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh đẩy nhanh tốc độ phát triển nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trên mảnh đất Xô viết anh hùng. 

Thực hiện đường lối do Đại hội lần thứ IV của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh lần thứ I, Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn tiến hành ba kỳ Đại hội là Đại hội XVII (19 - 21.6.1976), Đại hội XVIII (13 - 17.6.1977), Đại hội XIX (7 - 9.12.1979). Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn của huyện, các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện xác định: “Đẩy mạnh sản xuất và xây dựng kinh tế, ổn định và đảm bảo đời sống cho nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển cơ cấu kinh tế nông - lâm - công nghiệp trên địa bàn huyện. Tập trung mọi lực lượng để sản xuất nông nghiệp toàn diện, vượt bậc. Thấu suốt quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng và bảo vệ đất nước, thường xuyên cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, đấu tranh kiên quyết với những mặt tiêu cực trong kinh tế và xã hội. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, liên tục phát động phong trào cách mạng của quần chúng.”(1)

Trước đó, tháng 8.1975, tại nhà ông Trương Minh Niêm (làng Cáo), Nghĩa Mai tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ 13, nhiệm kỳ (1975 - 1981).

Đại hội đã bầu Ban Thường vụ gồm:      

1. Đồng chí Cao Văn Lục - Bí thư Đảng ủy

2. Đồng chí Lê Văn Dựa (8.1975 11.1976), Lê Văn Niêm (12.1976 - 3.1981) - Trực Đảng

3. Đồng chí Hoàng Hữu Nghị (8.1975 - 4.1977), Lê Minh Hưng (5.1977 - 11.1977) - Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND)(1)

  Quán triệt đường lối cách mạng chung của cả nước, các Nghị quyết của Huyện ủy, Đảng bộ Nghĩa Mai đã căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương đề ra các chỉ tiêu, biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế phù hợp, từng bước ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân.

 1. Về kinh tế

Để phát triển kinh tế, xã chủ trương củng cố quan hệ sản xuất, đẩy mạnh công tác thủy lợi, tổ chức dồn dân, quy hoạch lại khu dân cư và đất sản xuất; tiến hành công hữu đàn trâu; xây dựng quy mô hợp tác xã toàn xã... Thời gian này, cũng như nhiều huyện trong tỉnh, Nghĩa Đàn coi công tác thủy lợi là mặt trận số một, đây thực chất là cuộc cách mạng kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng đối với hoa màu và cây công nghiệp. Mặt khác, đó là biện pháp tích cực để chống xói mòn, cải tạo đất, môi trường và khí hậu. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Nghĩa Đàn, Nghĩa Mai đã huy động hàng ngàn ngày công lao động, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm góp sức vào việc xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm của huyện, của tỉnh và một số công trình trọng yếu của xã. Đảng ủy xã đã tiến hành chỉ đạo nhân dân cải tạo đất để trồng ngô, sắn, khoai. Ngoài ra, nhân dân Nghĩa Mai cùng với 2.617 người trong huyện Nghĩa Đàn tham gia công trường Vách Bắc - công trình thủy lợi tiêu úng cho hai huyện Yên Thành, Diễn Châu. Nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác cải tiến công cụ nên hầu hết số dân công Nghĩa Mai tham gia trên các công trường đều hăng say lao động sản xuất, hoàn thành tốt kế hoạch. Trong phong trào làm thủy lợi, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã huy động lực lượng lớn lao động chính và một khối lượng lương thực, thực phẩm, công quỹ phục vụ cho các công trường. Lực lượng lao động chủ yếu được điều tiết từ hợp tác xã và các tổ, đội sản xuất. Lao động tại chỗ được điều hành theo phương thức ghi công, chấm điểm, lao động trên công trường của tỉnh, của huyện được cấp lương thực theo định mức do Nhà nước quy định. Ngày công lao động trên các công trình thủy lợi, giao thông của các lao động cuối năm được hợp tác xã chuyển về đội sản xuất thanh toán bằng thóc.

Khi kinh tế xã từng bước ổn định, phong trào làm giao thông nông thôn, đào đắp thủy lợi tiếp tục được phát động mạnh mẽ trong nhân dân. Đồng thời, các hợp tác xã cũng mua sắm và sử dụng xe cải tiến, xe bò kéo thay xe cộ (bò lốp) để phục vụ sản xuất nhằm đáp ứng đời sống cho nhân dân.

Cùng với việc chỉ đạo công tác thủy lợi, Đảng bộ xã Nghĩa Mai còn quan tâm tới việc vận động di dời dân để mở rộng diện tích trồng trọt. Trên cơ sở đó, xã Nghĩa Mai cùng Nghĩa Khánh, Nghĩa Thuận, Nghĩa Thịnh tổ chức sản xuất, bố trí lại cây trồng một cách hợp lý. Những kết quả đạt được trên đã phá vỡ nếp nghĩ khép kín của người nông dân, mở ra khí thế mới và cách làm ăn mới.

Năm 1979, Huyện ủy Nghĩa Đàn đã thành lập 5 đoàn kiểm tra để hỗ trợ và hướng dẫn 5 xã Nghĩa Mai, Nghĩa Yên, Nghĩa Minh, Nghĩa Thọ và Nghĩa Lạc tiến hành thành lập hợp tác xã toàn xã. Đoàn công tác hỗ trợ xã Nghĩa Mai gồm:

1.     Đồng chí Chu Đức Kỷ - Cán bộ phòng Nông nghiệp huyện - Trưởng ban

2.     Đồng chí Trương Văn Lượng (Nghĩa Đức) - Ban viên

3.     Đồng chí Nguyễn Văn Xích (Nghĩa Thịnh) - Ban viên

4.     Đồng chí Nguyễn Đình Tùng (Nghĩa Thịnh) - Ban viên

5.     Đồng chí Nguyễn Văn Quế (Nghĩa Thịnh) - Ban viên

6.     Đồng chí Vi Văn Lương (Nghĩa Đức) - Ban viên

Với sự chỉ đạo và hỗ trợ của cấp trên, tháng 12. 1979, hợp tác xã toàn xã ở Nghĩa Mai được thành lập có tên gọi là Hợp tác xã Mai Sơn.

Năm 1980, Đại hội Hợp tác xã nông nghiệp Mai Sơn khóa 1 được tiến hành với những nội dung:

1.     Thống nhất chủ trương công hữu đàn trâu

2.     Bàn phương thức khoán trong sản xuất hợp tác xã

3.     Bàn kế hoạch sản xuất năm 1980

4.     Bầu Ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp khóa 1

5.     Thống nhất tên gọi hợp tác xã nông nghiệp toàn xã Nghĩa Mai có tên là Hợp tác xã Mai Sơn do ông Chu Đức Kỷ làm chủ nhiệm (8.1979 - 8.1981).

 Việc thành lập hợp tác xã qui mô toàn xã bước đầu đã tạo ra diện mạo và sức sống mới trong sản xuất. Hợp tác xã xác định lại vốn, tài sản, diện tích canh tác, lao động mà xã viên đưa vào hợp tác xã. Phương án tổ chức đội sản xuất, đội kỷ thuật, tổ ngành nghề có các tổ như: tổ khai thác gỗ, tổ mộc, tổ sản xuất vôi, tổ chăn nuôi... Đặc điểm nổi bật trong phong trào phát triển kinh tế hợp tác xã toàn xã ở Nghĩa Mai là công hữu đàn trâu. Hợp tác xã đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và đưa những giống mới có năng suất cao hơn, vận động bà con cấy thẳng hàng để làm cỏ sục bùn bằng cào cỏ 64A. Việc cải tạo ruộng đồng cũng được đẩy mạnh, bờ vùng, bờ thửa được khoanh đắp để giữ nước và tiện cho sản xuất. Vốn Nhà nước đầu tư cho sản xuất nông nghiệp lớn hơn so với thời kỳ trước, sức dân bỏ ra khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích, làm thủy lợi, giao thông và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cũng được đầu tư khá hiệu quả nên kết quả sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển. Mặc dù đời sống của nhân dân Nghĩa Mai có nâng lên nhưng những khó khăn về lương thực, thực phẩm và hàng hóa khan hiếm vẫn còn tồn tại. Hơn nữa, việc nóng vội đưa hợp tác xã lên quy mô khá lớn, vượt quá điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và trình độ quản lý của cán bộ cũng làm cho thu nhập và đời sống của xã viên bị giảm sút. Trước tình hình đó, Đảng ủy đã ra Nghị quyết phát động nhân dân trồng sắn, khoai để chống đói. Thực hiện tốt chủ trương của hợp tác xã, sau khi gặt xong lúa vụ mùa, nhân dân đã trồng khoai sớm. Do đó, nạn đói tháng 2, tháng 3.1979, nhân dân đã có khoai thu hoạch để phục vụ cuộc sống.

Để giữ ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống cho nhân dân, xã đã kịp thời phát động quần chúng nhân dân nhanh chóng khôi phục và hàn gắn những thiệt hại do bão, lụt gây ra. Trong thôn xóm, các gia đình tương trợ nhau sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, nhường cơm sẻ áo với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, giúp nhau vốn, nhân công làm rau màu chống đói. Từ năm 1978 - 1979, Đảng ủy và nhân dân Nghĩa Mai tiến hành mở rộng diện tích hai lúa, 25 ha màu và cải tạo một số cánh đồng. Năng suất bình quân cả năm khá cao.

Phong trào giao thông ở Nghĩa Mai trong giai đoạn này có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 1979, nhân dân Nghĩa Mai cùng với nhân dân huyện Nghĩa Đàn đã đào đắp được gần 82/000m3 đất đá, huy động gần 540 ngày công tham gia làm đường và cầu cống; xây dựng thêm một số tuyến đường mới...

Trong hai năm (1979 - 1980), Đảng bộ xã đã có nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể để khắc phục thiên tai, tiếp tục tổ chức lại sản xuất và đời sống cho từng hợp tác xã cũng như từng xã viên, đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu kinh tế  - xã hội đề ra. Do vậy, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp có sự chuyển biến tích cực. Phong trào tăng vụ, trồng xen, thâm canh được đẩy mạnh. Xã đã chỉ đạo tích cực ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật như nuôi bèo hoa dâu ở các khu vực ruộng nước để cung cấp thêm nguồn phân bón cho lúa, đẩy mạnh chế biến và sản xuất phân xanh; đưa các giống lúa mới có năng suất cao hơn và kháng bệnh tốt như: NN5, NN8, NN22, giống chống rầy nâu CR203, bào thai lùn, giống chống đạo ôn IR1820 vào sản xuất. Vì thế, năng suất lúa tăng lên nhanh chóng: bình quân 200 - 250 kg.sào. Điều này đã mở ra triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp. Ngày công ăn chia nhờ đó cũng được nâng lên 1,0 - 1,2 kg thóc/công, vì thế thu nhập của xã viên khá hơn trước. Bên cạnh đó, hợp tác xã đều thực hiện phân công lại lao động, tổ chức các đội chuyên như trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản. Đến năm 1980, diện tích gieo trồng và tổng sản lượng lương thực đều tăng, đời sống nhân dân được cải thiện một bước, các nghĩa vụ đối với Nhà nước đều được nhân dân thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Các đội chuyên thủy sản trong hợp tác xã nông nghiệp được củng cố và xây dựng. Công tác trồng cây gây rừng, trồng rừng phòng hộ được xã hết sức chú trọng. Hợp tác xã mua bán của xã thời kỳ này tuy còn một số hạn chế về năng động và tính sáng tạo trong việc tìm kiếm nguồn hàng nhưng cũng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chức năng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa ở cơ sở. Một số nhu yếu phẩm của nhân dân được đảm bảo.

Đi đôi với công tác đẩy mạnh làm giao thông, thủy lợi và trồng trọt thì ngành chăn nuôi ở xã cũng có bước phát triển đáng kể. Sau khi chuyển đổi quy mô hợp tác xã lên toàn xã, với ưu thế còn nhiều đồng cỏ để chăn nuôi tốt, hợp tác xã đã phát triển đàn trâu, bò lên đến 200 con để vừa đảm bảo sức kéo, vừa có thêm phân bón cho trồng trọt. Nhiều xã viên trong các bản làng đều có đàn trâu 4 - 5 con. Nhờ vậy, tổng đàn trâu cả xã nâng lên gần 800 con.

Chăn nuôi lợn vốn là thế mạnh truyền thống của bà con trong các thôn, bản. Phát huy ưu thế, Hợp tác xã đã có trại chăn nuôi lợn trên 100 con (lợn nái, móng cái, lợn thịt). Hàng năm xuất giống cho nhân dân trong xã và các xã bạn. Tuy nhiên từ lâu, ở đây bà con vẫn sử dụng các giống lợn như: ỷ, cỏ, mẹo nên năng suất sản xuất thịt còn thấp và chưa tự túc được lợn giống. Nhưng đến thời điểm này, đàn lợn được phát triển theo cả hai mặt về số lượng, trọng lượng xuất chuồng và theo hướng tự túc một phần lợn giống bằng cách cho phát triển mạnh đàn lợn nái và thử nghiệm một số giống lợn mới theo sự chỉ đạo của tỉnh. Để làm được việc này, hợp tác xã chủ trương “Ai nuôi lợn nái thì được ưu tiên canh tác thêm 1 sào ruộng tốt để sản xuất cung cấp thức ăn cho lợn; còn lợn con thì hợp tác xã quản lý để phân phối lợn giống cho xã viên”. Tính đến năm 1976, cả hợp tác xã đã có đàn lợn nái 60 con, hàng năm cung cấp cho xã viên gần 800 con lợn giống. Các giống lợn mới khuyến khích du nhập để thay thế dần lợn cỏ địa phương như: lợn lang hồng Móng Cái, lợn ỷ Thanh Hóa, Mường Khương… Trước đây, trọng lượng xuất chuồng sau một năm chỉ có từ 40 - 45 kg.con thì nay tăng lên 60 - 70 kg/con. Điều này đã góp phần giúp Nghĩa Mai hoàn thành nghĩa vụ thực phẩm cho Nhà nước hàng năm từ 40 - 45 tấn lợn hơi và giao nạp cho xã từ 5 - 7 tấn để phục vụ các kỳ họp và đại hội các cơ quan, đoàn thể trong xã.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng về sự cấm vận kinh tế của Mỹ, cơ chế bao cấp và sự độc quyền lưu thông hàng hóa trong nước mà sau những thành tựu bước đầu, kinh tế nước ta vốn lấy nông nghiệp làm chính, đã bắt đầu sa sút. Nhất là từ năm 1977 trở về sau, sự sa sút lại càng tăng lên do thiên tai thường xuyên xảy ra, trong đó có nhiều trận lụt lớn như năm 1977, 1978, 1979.

   2 Về văn hóa - xã hội

Hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy đã kịp thời tổ chức học tập Chỉ thị số 214 của Ban Bí thư Trung ương và quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về công tác xây dựng nếp sống văn minh trong cán bộ đảng viên và nhân dân. Hệ thống truyền thanh, nhà văn hóa, chiếu bóng, thư viện hoạt động đều đặn. Phong trào văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi. Anh, chị em vừa làm công tác văn nghệ, vừa làm công tác thông tin, cổ động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần động viên quần chúng phấn khởi lao động sản xuất, xây dựng hợp tác xã. Xã đã xây dựng được quy ước nông thôn, quy định về nếp sống mới trong việc ma chay cưới hỏi, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan...

Ngành giáo dục phát triển về cả chất lượng và số lượng. Các cháu trong độ tuổi đều được đến trường, bình quân ba người dân có một người đi học. Phong trào thi đua “Hai tốt” (dạy tốt, học tốt) thường xuyên được phát động. Tỷ lệ học sinh đạt tốt nghiệp cao (cấp I đạt 94%, cấp II đạt 89%, cấp). Công tác bổ túc văn hóa luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm. Mặc dù trong điều kiện vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa vượt qua những khó khăn do thiên tai xảy ra, nhưng Đảng bộ và chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng trường lớp, phục vụ tốt hơn việc học tập của con em mình.

Trạm y tế đã thực hiện tốt phong trào vệ sinh phòng bệnh nên không có dịch lớn xảy ra. Toàn xã đã có giếng nước, nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Các cán bộ trạm y tế không quản ngại vất vả, khó khăn, tìm nguyên liệu để sản xuất thuốc phòng tả, phòng bại liệt cho nhân dân và xuống tận cở sở để làm tốt công tác tiêm phòng. Một số bệnh như kiết lỵ, sốt xuất huyết đã được tập trung ngăn chặn, không cho dịch bệnh lây lan. Sức khỏe nhân dân, nhất là phụ nữ và trẻ em được chăm sóc tốt hơn. Việc trồng thuốc Nam được mở rộng. Toàn xã đã trồng được một diện tích khá lớn với các loại thuốc như: hoài sơn, hương nhu, bạc hà... Trạm xá của xã được xây dựng và bổ sung khá đầy đủ các trang thiết bị điều trị.

3. Về quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng

Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới, tình hình mới, Đảng bộ và Ban Chỉ huy quân sự xã thường xuyên chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và huấn luyện quân sự cho các lực lượng vũ trang trong xã. Cơ quan quân sự và công an phối hợp xây dựng kế hoạch tác chiến, giữ gìn trật tự trị an. Các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân làm tốt chính sách hậu phương quân đội. Lực lượng vũ trang đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, gắn xây dựng lực lượng với làm kinh tế trên địa bàn, làm tốt công tác quản lý quân dự bị động viên, sẵn sàng chiến đấu. Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh với sự tham gia của toàn dân, nòng cốt là lực lượng công an và các tổ chức an ninh nhân dân, tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thù địch, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận chống các vụ việc tiêu cực và tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, nhân dân huyện Nghĩa Đàn nói chung và nhân dân Nghĩa Mai nói riêng đã có những đóng góp xứng đáng. Hàng chục con em trong xã đã hăng hái tòng quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu

Trong công tác xây dựng, Đảng bộ Nghĩa Mai luôn tích cực thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, giáo dục kết nạp Đảng cho những đoàn viên, thanh niên ưu tú, công nhân tiên tiến, xã viên giác ngộ và những cán bộ khoa học giàu nhiệt tình phục vụ nhân dân. Trong  3 năm (1975 - 1977), Đảng bộ Nghĩa Mai cùng thị xã Thái Hòa, Nghĩa Hưng, Nghĩa Lộc, Nông trường Cờ Đỏ, Đông Hiếu, xưởng 250 B, chi bộ gạch ngói… được đánh giá là những đơn vị có thành tích cao trong công tác phát triển Đảng.(1)

II. THỰC HIỆN CƠ CHẾ QUẢN LÝ MỚI TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP (1981 - 1985)

Thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai, tuy đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng ở Nghĩa Mai nói riêng và cả nước nói chung cũng nảy sinh nhiều bất cập. Đó là sự mâu thuẫn giữa quy mô hợp tác xã bậc cao (toàn xã) với năng lực quản lý của Ban Quản trị dẫn đến sự bất cập của cơ chế quản lý sản xuất và phân phối trong các hợp tác xã. Mặt khác, giai đoạn này do sự cấm vận của Mỹ và những sai lầm trong việc kéo dài cơ chế quan liêu bao cấp nên đời sống của mọi tầng lớp nhân dân nói chung hết sức khó khăn. Trong khi đó, nền kinh tế thị trường vốn đã có ở miền Nam đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế của cả nước. Một trong những tiêu cực nảy sinh là sự bất hợp lý trong việc phân chia sản phẩm của hợp tác xã theo công điểm và sự phân phối các hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống thương nghiệp. Tất cả những điều đó ảnh hưởng đến tư tưởng của người nông dân.

Để giải quyết tình trạng trên, sau khi làm thí điểm ở một số nơi, ngày 13.1.1981, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị số 100 về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”(1). Chỉ thị nêu rõ 3 mục đích khoán sản phẩm: bảo đảm phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế; củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn; nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước. Cơ chế mới trong sản xuất nông nghiệp của Đảng đã góp phần tháo gỡ sự bế tắc trong tình hình sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Chỉ thị 100 ra đời như một luồng gió mới thổi vào nông nghiệp nông thôn. Do đó, thu hút sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân, các xã viên hợp tác xã hăng hái thực hiện. Đây là nhân tố mới thúc đẩy sự phát triển sản xuất nông nghiệp.

Cuối tháng 3.1982, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng được tổ chức tại Hà Nội đã tập trung đánh giá và rút ra nhiều bài học về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn 1976 - 1980, đồng thời xác định rõ đường lối kinh tế trong thời gian tới: tập trung sức phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng. Kết hợp nông nghiệp, công nghiệp, hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý”(1).                       

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hăng hái đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Tiếp theo đó, ngày 14 đến ngày 16.12.1982, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn lần thứ XX được tiến hành. Đại hội chỉ rõ nhiệm vụ chủ yếu về kinh tế, xã hội của huyện trong ba năm (1983 - 1985) là: “Tiếp tục cải tạo và phát triển nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là thâm canh cây lương thực, giải quyết một cách vững chắc về lương thực... Đồng thời tận dụng khai thác kinh tế ở vùng bán sơn địa, bố trí cơ cấu hợp lí vừa thâm canh cây lúa nước, vừa làm màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, khoán đất cho xã viên, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lấy gỗ, lấy củi làm hàng xuất khẩu, phát triển chăn nuôi toàn diện, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, tăng cường giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, y tế. Tổ chức ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.(2)

Thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chủ trương của Huyện ủy Nghĩa Đàn, Đảng bộ Nghĩa Mai qua các kỳ Đại hội, ngoài việc xem xét, đánh giá thực lực của từng xã để từ đó triển khai thực hiện đường lối đổi mới theo tinh thần Chỉ thị 100 của Trung ương, Nghĩa Mai đã giành thời gian cho việc bầu cử cấp ủy và phân công nhiệm vụ cho các ủy viên, nhất là các vị trí chủ chốt.

Tháng 8.1981, Nghĩa Mai tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ 14, nhiệm kỳ (1981 - 1984). Ban Thường vụ gồm các đồng chí:

1. Đồng chí  Lê Minh Thư - Bí thư Đảng ủy

              2. Đồng chí Hoàng Hữu Nghị - Trực Đảng

3. Đồng chí Cao Thanh Kiểm (12.1977 - 1.1990)  - Chủ tịch Ủy ban nhân dân                                            

      Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Nghĩa Mai đã tổ chức nhiều cuộc họp từ cấp xã, hợp tác xã đến các đội sản xuất nhằm quán triệt những nội dung, mục đích, yêu cầu của Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm đến nhóm người lao động trong nông nghiệp, đồng thời sắp xếp lại cơ cấu cho hợp lý với yêu cầu tình hình mới.

Vận dụng linh hoạt những chủ trương của Chỉ thị 100, Đảng bộ, chính quyền, Ban Quản trị hợp tác xã đã tích cực tạo ra yếu tố kích thích sản xuất phát triển. Hợp tác xã chủ động giao khoán thêm số ruộng đất mà tập thể làm ăn không hiệu quả cho xã viên sản xuất và sau đó chỉ thu sản phẩm theo định mức. Chủ động bố trí lại cây trồng, mùa vụ, đẩy mạnh thâm canh, mở rộng diện tích lúa hè thu trên diện tích có nước để tránh lụt bão và mở rộng diện tích hoa màu, trồng xen gối vụ, tiến hành cải tạo đất đai để trồng sắn. Đặc biệt, giai đoạn này, hợp tác xã mở rộng diện tích lạc và bước đầu có hiệu quả. Để phục vụ cho công tác thu mua, công ty ngoại thương đã mở đại lý tại cửa hàng mua bán của xã. Hàng năm, hợp tác xã đã nhập cho công ty ngoại thương hàng chục tấn lạc. Ngoài ra, hợp tác xã còn thành lập ban bảo vệ thực vật, đội thú y để chăm sóc cây trồng vật nuôi; hệ thống nhà kho, sân phơi cũng được xây dựng gồm 4 nhà kho trung tâm và một số kho lẻ. Nếu như trong giai đoạn trước - thời kỳ hợp tác xã qui mô thôn, tổ chức sản xuất tập trung thu toàn bộ sản phẩm về để phân phối theo định suất thì đến giai đoạn này - hợp tác xã toàn xã chỉ tập trung quản lý và điều hành sản xuất trên đất ruộng, còn đất nương rẫy hợp tác xã giao khoán diện và thu sản phẩm (khoán trắng). Cùng với phát triển trồng trọt, hợp tác xã cũng chú trọng đến công tác chăn nuôi trâu, bò cày kéo kết hợp với sinh sản, đẩy mạnh chăn nuôi lợn. Phong trào công hữu đàn trâu, bò của Hợp tác xã Mai Sơn tiếp tục được phát huy và được bà con tham gia tích cực. Nhà nào có trâu, bò góp vào hợp tác xã được tính theo cổ phần của hộ xã viên. Ví dụ: một con trâu định giá 50 đồng được chia thành 2 cổ phần: 20 đồng nộp vào hợp tác xã, 30 đồng hộ có trâu được hưởng. Hợp tác xã sẽ thu tiền hộ không có trâu, bò để trả cho hộ có trâu, bò. Trâu giao cho hộ chăn nuôi để làm sức kéo cho hợp tác xã, nếu trâu cái sinh sản con thứ nhất thì hộ có trâu được hưởng, sinh con nghé thứ 2 thì hợp tác xã thứ sẽ giao cho hộ khác nuôi. Người nuôi trâu đực từ năm thứ 2 trở đi được mua một con nghé theo giá công hữu. Song song với phát triển sản xuất chăn nuôi là việc mở mang thủy lợi bằng cách huy động sức dân đi làm kênh mương dẫn nước về đồng ruộng, xây dựng trạm bơm điện. Xã Nghĩa Mai đã tiến hành tu sửa và xây dựng được một số hồ đập như: khe cây Trôi, đập Đồng Tổi, đập Đá Lẹp, đập Bui. Đây là biện pháp tích cực nhằm vực dậy nền kinh tế xã nhà bởi Nghĩa Mai có nhiều diện tích gieo trồng phụ thuộc vào thiên nhiên.

Giai đoạn (8.1981 - 10.1984), Hợp tác xã Mai Sơn do ông Lê Văn Kỷ làm Chủ nhiệm;  giai đoạn (10.1984 - 1986) do ông Hoàng Đình Thức làm Chủ nhiệm.

Ngày 20.07.1985, hợp tác xã tín dụng tái thành lập và tiến hành đại hội lần thứ 5, nhiệm kỳ (1985 -1989 ) do ông Cao Văn Lục làm Chủ nhiệm. Hợp tác xã mua bán nhiệm kỳ (1981 - 1987) do ông Lê Văn Tứ, Nguyễn Văn Dung làm Chủ nhiệm.

Trong quá trình tiến hành khoán sản phẩm nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp Mai Sơn đã nghiêm túc thực hiện 8 khâu trong quá trình sản xuất. Trong đó, 5 khâu thuộc về hợp tác xã nông nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư là: giống, phân bón, làm đất, phòng trừ sâu bệnh, thủy lợi; 3 khâu là do người nhận khoán đảm nhận: gieo trồng, chăm bón và cuối cùng là thu hoạch và giao nạp sản phẩm theo định mức. Hợp tác xã định trước lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh trên từng loại cây trồng và từng loại đất cụ thể để đề ra mức thu sản phẩm phù hợp cho từng loại ruộng. Ngoài ra, xã khuyến khích bà con khai hoang, mở rộng diện tích trên những vùng đất hoang hóa, đồi núi mà không phải nộp sản phẩm trong một thời gian nhất định để tăng thu nhập. Hợp tác xã Nông thương tín đã tổ chức trồng 20 ha cà phê và trảu. Trước khi thực hiện cơ chế khoán mới, hợp tác xã nông nghiệp chỉ huy động được 60 - 70% lao động chính vào sản xuất tập thể với thời gian là 5 - 6 giờ/ngày và năng suất, chất lượng lao động còn thấp. Việc thực hiện cơ chế khoán mới theo Chỉ thị 100 cùng với việc ổn định nghĩa vụ đóng góp, thu mua theo hợp đồng hai chiều và giá thỏa thuận đã kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể Nhà nước. Người lao động phấn khởi làm việc không kể giờ giấc và quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, hiệu quả lao động. Cùng với việc thực hiện các chủ trương trên, việc điều chỉnh quy mô hợp tác xã và đội sản xuất cho hợp lý được tiến hành tích cực, làm cho cán bộ quản lý hợp tác xã và các đội trưởng có điều kiện bám sát ruộng đồng để chỉ đạo, hướng dẫn xã viên sản xuất tốt hơn. Các hộ xã viên nhận khoán sản phẩm đã phát huy quyền làm chủ kinh tế của mình, chủ động trong sản xuất để vừa hoàn thành vượt mức nhiệm vụ nhận khoán với hợp tác xã, vừa tích cực phát triển kinh tế gia đình theo khả năng của mình khi tiếp nhận thị trường.

Để đẩy mạnh tăng năng suất cây trồng, xã nhà luôn lấy thủy lợi làm biện pháp hàng đầu. Trong điều kiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản về thủy lợi của Nhà nước còn hạn hẹp, xã vẫn kiên trì, chủ động làm với phương châm “nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ”. Ngoài ra, xã còn chủ trương khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống như nghề làm gạch, nấu vôi… Nhờ những chuyển biến tích cực trong chỉ đạo kinh tế nói trên, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được cải thiện, đời sống nhân dân khá hơn trước. Ngành chăn nuôi cũng từng bước trở thành ngành chính trong nông nghiệp. Xã đẩy mạnh việc cải tạo giống lợn trên nền lợn Móng Cái và cách chăm sóc. Hàng năm, công tác tiêm phòng dịch cho vật nuôi tổ chức tốt nên hạn chế được dịch bệnh, bảo vệ và nâng cao sự sinh trưởng cho trâu, bò, gà, lợn... Do đó, số lượng đàn gia súc, gia cầm liên tục tăng.

Các ngành nghề truyền thống như làm mộc, rèn, đan lát, vôi, gạch.. cũng có sự phát triển, không chỉ phục vụ nhân dân trong xã mà còn một số xã lân cận. Cửa hàng mua bán  được củng cố và phát triển. Các mặt hàng phân phối theo chế độ được giải quyết hợp lý hơn, bước đầu đã có những biện pháp khai thác nguồn hàng cung ứng cho nhân dân. Việc thu mua nông sản, trao đổi hai chiều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, cửa hàng còn sử dụng hình thức buôn bán khác như nhận cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu sản xuất và đời sống ở mức lãi suất thấp (cày, bừa, đồ gia dụng, dầu hỏa, xà phòng, muối, mắm...).

Tháng 10 năm 1983, để thuận tiện cho nhân dân trong xã giao thương hàng hóa, chợ Nghĩa Mai chuyển đến khu trung tâm nay là khu vực trường  tiểu học Nghĩa Mai A.

Cuộc vận động xây dựng nếp sống mới, bài trừ hủ tục mê tín, dị đoan, văn hóa phẩm đồi trụy và các tệ nạn xã hội được triển khai và thực hiện sâu rộng trong đời sống xã hội ở địa phương. Phong trào văn nghệ quần chúng ở các làng, xóm phát triển rộng khắp. Xã có đội văn nghệ riêng, đội thông tin cổ động, nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Các tiết mục văn nghệ phong phú về thể loại, sinh động về nội dung đã tạo nên không khí vui tươi phấn khởi góp phần xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh trong nhân dân. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới được hưởng ứng sôi nổi, trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, từng bước làm thay đổi các tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang lễ.

Giáo dục có sự phát triển toàn diện và đồng đều. Số học sinh tiên tiến, học sinh giỏi ở ba cấp học đều tăng. Trình độ đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước và các cấp chính quyền cùng với sự đóng góp của nhân dân nên các trường học được xây dựng rộng rãi, khang trang hơn.

 Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Vệ sinh phòng bệnh đã trở thành phong trào tự giác của quần chúng. Công tác tiêm phòng dịch bệnh cho trẻ em được tiến hành đúng định kỳ. Trạm xá của xã được mở rộng, đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao về số lượng lẫn chất lượng. Công tác kế hoạch hóa gia đình được tiến hành thường xuyên ở các xóm trong xã, bước đầu giảm tỷ lệ tăng dân số từ 1,7% (năm 1982) xuống còn 1,4% (năm 1985).

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, cấp ủy và cơ quan quân sự tập trung chỉ đạo các phương án sẵn sàng chiến đấu, xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang địa phương. Trong các đợt tuyển quân, toàn xã đều hoàn thành vượt chỉ tiêu, luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng và các cuộc ủng hộ đồng bào, chiến sỹ biên giới. Cuộc vận động “Xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” được phát động mạnh mẽ. Ban chỉ đạo xã tổ chức xây dựng và phát động toàn dân thực hiện các phương án bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, bảo vệ trật tự xã hội. Thực hiện đấu tranh chống trộm cắp, chống tội phạm hình sự, xây dựng tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng công an.

Công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức được Đảng ủy thường xuyên quan tâm. Đảng ủy đã chỉ đạo học tập Chỉ thị số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác bảo vệ Đảng trong tình hình mới. Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên củng cố lập trường tư tưởng, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức tổ chức, kỷ luật, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi sai trái, củng cố tổ chức Đảng. Trong 5 năm (1981 - 1985), Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Mai đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, nắm bắt, vận dụng các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền cấp trên vào điều kiện cụ thể của xã và thực hiện một cách hiệu quả. Bằng việc tích cực tìm tòi, học hỏi và ứng dụng nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật; quan tâm công tác giao thông, thủy lợi, quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, nhạy bén trước những đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế, nhất là sớm thực hiện chế độ khoán mới trong nông nghiệp đến việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ xã đến cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên... Vì thế, Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Mai đã cơ bản thực hiện tốt và đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của cơ chế, Nghĩa Mai vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách. Mô hình tổ chức và quản lý hợp tác xã nông nghiệp trong điều kiện mới không mang lại kết quả như mong muốn. Quản lý và sử dụng 95% đất canh tác ở địa phương nhưng ngoài nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, các hợp tác xã chưa đảm bảo được 50% thu nhập cho xã viên. Cơ chế quản lý còn xơ cứng, đơn điệu không tạo ra được động lực thúc đẩy cho sản xuất.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                  Chương 4

         NGHĨA MAI TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG ĐỔI MỚI (1986 - 2015)

 

I. THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI (1986 - 1990)

Từ sau năm 1975, trên con đường quá dộ tiến lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn thử thách: Do những nhược điểm vốn có của nền sản xuất nhỏ, lạc hậu cùng với việc duy trì quá lâu cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, quan liêu; hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh biên giới củ những phần tử phản động trong và ngoài nước gây nên lệnh cấm vận thương mại của Mỹ từ sau (30.04.1975); mặt khác, do sự chỉ đạo, điều hành Nghị quyết số 28 - NQ/TW ngày 10.08.1985 của Bộ Chính trị về giá - lương - tiền và Quyết định số 01 - QĐ/HĐBT ngày 13.09.1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc đổi tiền đã làm cho nền kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân từng bước ổn định.

Thực trạng đất nước những năm giữa thập kỷ 80 đặt ra một yêu cầu khách quan, bức xúc có ý nghĩa sống còn đối với nghiệp cách mạng của nước ta: Đó là phải có một sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược lịch sử để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bế tắc, tạo ra sự đột phá có ý nghĩa quyết định trên bước đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó đỏi hỏi Đảng ta cần phải có sự đổi mới một cách mạnh mẽ, toàn diện từ tư duy lý luận đến chỉ đạo thực tiễn, trong đó vấn đề cốt lõi là phải đổi mới tư duy kinh tế.

Trước tình hình đó, từ ngày 15 -18.12.1986, diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 1986 - 1990 được tiến hành tại thủ đô Hà Nội: sau khi đã nhìn thẳng vào sự thật của tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 10 năm tiếp tục áp dụng cơ chế bao cấp đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó khẳng định sự đổi mới nhận thức về mô hình kinh tế của chủ nghĩa xã hội nước ta: thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế nhiều thành phần; đổi mới về cơ chế vận hành nền kinh tế lấy: cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thay cho cơ chế kế hoạch hóa tập trung”, bao cấp, quan liêu để phát triển nền kinh tế hàng hóa mà trước mắt tập trung thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đây chính là bước đột phá vừa mang tính đổi mới vừa mang tính lý luận thực tiễn ở một nước xã hội chủ nghĩa như nước ta.

Từ ngày 25 - 28.9.1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn lần thứ XXI được tổ chức. Đại hội đã đánh giá sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện trên các lĩnh vực (1983 - 1985) và đề ra phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu của nhiệm kỳ (1986 - 1988) là: “Tập trung sức cho sản xuất nông nghiệp, từng bước cân đối lương thực, thực phẩm tạo vùng chuyên canh lớn về nguyên liệu chế biến nông sản rau quả, hàng xuất khẩu. Nhanh chóng phủ xanh đất trống, đồi trọc, thực hiện giao đất giao rừng, nông lâm kết hợp. Mở rộng phát triển tiểu thủ công nghiệp, kinh tế hộ gia đình theo hướng phát triển mạnh cây cà phê, chăn nuôi. Xây dựng cơ cấu kinh tế nông - lâm - công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa(1).

 Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn đã chỉ đạo nhân dân, phát huy lợi thế của huyện, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây con, nhất là đầu tư phát triển cây công nghiệp, cây xuất khẩu, sản xuất sản phẩm hàng hóa đa dạng.

Trước đó, năn 1984, Nghĩa Mai tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ 15, nhiệm kỳ (1984 - 1990). Ban Thường vụ gồm:

1. Đồng chí Cao Văn Lục - Bí thư Đảng ủy

2. Đồng chí Lê Văn Kỷ - Phó Bí thư, Trực Đảng

               3. Đồng chí Cao Thanh Kiểm - Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân

              Giai đoạn (1986 -1990), Hợp tác xã Mai Sơn do ông Hoàng Đình Thức làm Chủ nhiệm.

               Hợp tác xã mua bán, nhiệm kỳ 8, giai đoạn (1987 - 1988) do ông Trần Thế Tiến làm Chủ nhiệm. Nhiệm kỳ thứ 9 (1989 - 1990) do ông Trần Thế Tiến làm Chủ nhiệm.

1. Về kinh tế

Trên tinh thần quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, Hợp tác xã Mai Sơn cho xã viên tiếp tục khai hoang phục hóa, gieo cấy hết diện tích, đẩy mạnh, thâm canh tăng vụ, tăng cường đầu tư thêm phân bón cho cây trồng, tưới tiêu hợp lý, làm tốt phòng trừ sâu bệnh.

Về trồng trọt: Hợp tác xã Mai Sơn tiến hành chuyển đổi cơ cấu diện tích, mùa vụ, cây trồng, chuyển một số diện tích mùa vụ mùa và hè thu sang trồng thử các giống ngô, lạc bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về chăn nuôi: Thời kỳ này, do tác động tiêu cực của giá cả và khó khăn về thức ăn, con giống nên ngành chăn nuôi có chững lại. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực của hợp tác xã và nhân dân mà số lượng đàn lợn, trâu, bò vẫn ổn định, trong đó chăn nuôi hộ gia đình đã có tiến bộ hơn về số lượng, giống lợn ngoại và lợn lai kinh tế được tăng cường thêm. Chăn nuôi phát triển vừa tăng sức kéo, phân bón cho cây trồng, đảm bảo nguồn thực phẩm và tăng thêm thu nhập cho nhân dân cũng như các hợp tác xã.

Đảng bộ và chính quyền xã chỉ đạo nhân dân tham gia phong trào trồng cây gây rừng. Kết quả đã trồng được gần 500 ha bạch đàn, keo và tràm, phủ xanh đất trống đồi trọc, làm cho môi trường xanh, sạch hơn và bước đầu tạo điều kiện để tăng thu nhập cho nhân dân.

Sự tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp của xã những năm qua là nhờ áp dụng chủ trương “Khoán 100” của Đảng dựa trên cơ sở duy trì chế độ sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất và nhiều yếu tố của cơ chế quản lý cũ, người nhận khoán phải tuân theo kế hoạch sản xuất, quy trình kỹ thuật, định mức chi phí và phân phối theo chế độ công điểm của hợp tác xã. Vì thế, sau một thời gian áp dụng cơ chế “Khoán 100” đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm: ruộng khoán và mức khoán không ổn định, không đồng đều, xã viên không làm chủ ruộng đất, kém phấn khởi, không đầu tư thâm canh vì sợ hợp tác xã tăng mức khoán; hiện tượng khê đọng sản phẩm sau một số năm thực hiện khoán sản phẩm trở nên nghiêm trọng...

Ngày 5.4.1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, chính thức thay “Khoán 100” bằng “Khoán 10”. Nội dung đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp gồm ba điểm chính: quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất, giao khoán ruộng đất ổn định dài hạn trong khoảng 10 - 15 năm, những tài sản cố định mà hợp tác xã quản lý, sử dụng kém hiệu quả thì bán phá giá cho xã viên; về quan hệ quản lý, tiếp tục hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đến hộ xã viên; về quan hệ phân phối, xóa bỏ hạch toán và phân phối theo công điểm, xã viên chỉ có nghĩa vụ nạp thuế cho Nhà nước và quỹ cho hợp tác xã, các hoạt động của hợp tác xã và xã viên đều thông qua quan hệ hàng hóa - tiền tệ, hộ xã viên được quyền tự chủ về kinh tế. Cơ chế Khoán 10 một lần nữa giải phóng năng lực sản xuất và sức lao động đối với nông dân, giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa ba lợi ích đảm bảo lợi ích chính đáng của người lao động, tạo động lực mới thúc đẩy sản xuất phát triển.

Thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị, xã không chỉ giao khoán trên đất ruộng mà còn tiến hành giao khoán cho nông dân bảo vệ, khai thác đất đồi, đất rừng từ 20 đến 30 năm; Xã chỉ đạo các hộ nhận đất đồi, đất rừng trồng các loại cây như: lạc, đậu, hồ tiêu, cà phê, trẩu, lát, tre muồng... khuyến khích phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp.

Dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Đảng ủy và sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Ban Khoán 10 của hợp tác xã được thành lập. Ban Khoán 10 của hợp tác xã đã nhanh chóng điều tra, phân loại ruộng đất, định mức sản lượng khoán hết sức công phu, chu đáo và thật sự dân chủ công khai. Các loại đất như đất khoán cơ bản, đất dự phòng đều được thể hiện trên biểu đồ chung. Việc phân loại hộ xã viên, khẩu cơ bản, khẩu ăn cũng được khảo sát chặt chẽ, lập danh sách và thông qua Hội nghị xã viên ở từng đội sản xuất và xóm. Do tác động của cơ chế Khoán 10, sản xuất nông nghiệp ở Nghĩa Mai trong những năm 1988 - 1989 có nhiều chuyển biến tích cực. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần này tiếp tục khẳng định sự ưu việt của cơ chế khoán là đã phát huy tốt sự chủ động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tập trung và huy động tiềm năng của nông dân cho sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp phát triển đúng hướng.

Bảng thống kê hộ khẩu 16 đội sản xuất của Hợp tác xã Mai Sơn (12.1986)

Đội

Số hộ

Số khẩu

HTX

 

38

263

263

 

1b

35

204

168

 

28

186

159

 

2b

25

235

192

 

3

68

372

369

 

4

76

386

328

 

5

75

403

349

 

6

62

344

234

 

39

203

197

 

7b

32

182

165

 

8

37

223

209

 

9

35

191

189

 

10

35

203

195

 

11

20

166

111

 

Quỳnh Yên

28

164

 

 

Quỳnh Bảng

24

114

 

 

 

Bảng thống kê tình hình sản xuất, chăn nuôi qua các năm (1985, 1986, 1987)

TT

Năm 1985

Năm 1986

Năm 1987

Diện tích gieo trồng

268 ha

250,2 kg

299, 7 ha

Tổng sản lượng

quy ra thóc

304.704 kg

211.976 kg

380.626 kg

Lúa

270.735 kg

198.128 kg

295.515 kg

Lạc

39.150 kg

25.120 kg

31.845 kg

Vừng

 

2930 kg

 

Trâu

 

208 con

190 con

Giao cho nhà nước

87.327 kg

56.342 kg

110.739 kg

Thuế

52.997 kg

44.941 kg

57.087 kg

Phần của xã viên

188.193 kg

107.089 kg

211.276 kg

Giá trị một công

0,8kg

0,64 kg

0,7 kg

Tổng thu nhập

851.995 đồng

1323108 đồng

331.320 đồng

Tích lũy xây dựng

cơ bản

94.765 đồng

171.566 đồng

 

 

2. Văn hóa, giáo dục - y tế

 Công tác giáo dục luôn được Đảng bộ và chính quyền xã quan tâm đúng mức. Trường tiểu học và trung học cơ sở phát triển đồng đều, con em đến tuổi đều được đến trường. Chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao. Tỷ lệ lên lớp, tốt nghiệp hàng năm đạt 80 - 90% trở lên. Đảng viên chi bộ trường tiểu học đã phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong việc giảng dạy, tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền, các ngành trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường học cũng như việc kết hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục các em học sinh về đạo đức, học tập văn hóa.

Công tác y tế kế hoạch hóa gia đình: Hàng năm, xã đều tổ chức các cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, đặt vòng tránh thai cho chị em phụ nữ. Các biện pháp xử lý vi phạm kế hoạch hóa gia đình bắt đầu được áp dụng. Đội ngũ làm công tác y tế của xã đã nỗ lực trong công tác khám, chữa bệnh và phòng chống nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: dịch sốt rét, ho gà, sởi...

3. Về quốc phòng, an ninh

Lực lượng dân quân tự vệ hàng năm được triển khai huấn luyện đúng thời gian, đạt yêu cầu. Công tác huy động thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự và giao quân hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Trên cơ sở phát động quần chúng xây dựng “khu dân cư an toàn làm chủ”, tổ chức hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, hạn chế dần các đơn thư khiếu kiện vượt cấp xã đã giải quyết tốt các vụ việc xẩy ra trên địa bàn.

Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc và trật tự an toàn xã hội ngày càng đi sâu vào lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ nên đã phát huy tác dụng, góp phần ổn định xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

4. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể

Trong 5 năm đầu thực hiện sự nghiệp đổi mới, công tác cán bộ của Đảng bộ có nhiều lúng túng. Cán bộ, đảng viên được rèn luyện và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến có phẩm chất đạo đức và tư tưởng vững vàng nhưng sức khỏe giảm sút, năng lực, trình độ không đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới. Một số cán bộ trẻ chưa có kinh nghiệm dẫn đến một số ngành, đoàn thể cấp xã và nhiều chi bộ thôn thiếu cán bộ nòng cốt, chủ trì. Trước tình hình đó, Đảng ủy đã động viên các đồng chí đảng viên là cán bộ quân đội, các ngành về nghỉ hưu tham gia công tác. Xuyên suốt hai nhiệm kỳ đại hội khóa 15, 16 của Đảng bộ là các đợt học tập triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và các Nghị quyết của Ban Chấp hànhTrung ương của Đảng, Tỉnh ủy, Huyện ủy. Với nhận thức: “phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, Đảng bộ đã thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Quán triệt sâu sắc Chương trình 146 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn Đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh và Chỉ thị 355 của Bộ Chính trị về phân loại đảng viên, công tác đánh giá, phân loại tổ chức Đảng và đảng viên luôn được gắn liền với các tiêu chí do Trung ương đề ra. Do đó, bước đầu cán bộ, đảng viên đã nhận thấy năng lực và phẩm chất của mình qua các đợt bình xét công khai, dân chủ và xây dựng.

II. NGHĨA MAI THỰC HIỆN ĐỔI MỚI THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI CỦA ĐẢNG (1991 - 1995)

Từ ngày 24 - 27.6.1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã tổng kết, đánh giá những kết quả bước đầu của việc thực hiện đường lối đổi mới trong giai đoạn 1986 - 1990 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho chặng đường 1991 - 1995. Đại hội đã thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”. “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000”, lấy chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Đại hội VII được xem là đại hội của “trí tuệ, đoàn kết và đổi mới”.

Ngày 21.8.1991, trong kỳ họp thứ XI, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VII đã quyết định tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh như trước năm 1976. Đây là giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội trong từng địa phương.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, trong hai ngày 9 và 10.1.1992, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn lần thứ XXIII được tiến hành tại nhà văn hóa huyện. Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ (1988 - 1991), đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ (1991 - 1995) là: phấn đấu tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ gìn trật tự kỷ cương pháp luật, ổn định chính trị, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân. Phấn đấu xây dựng Nghĩa Đàn thành huyện giàu về kinh tế, mạnh về an ninh quốc phòng(1).              

Trước tình hình đó, Đại hội Đảng bộ xã Nghĩa Mai lần thứ XVI đã được tiến hành tại hội trường Ủy ban nhân dân xã. Đại hội thảo luận đánh giá kết quả trong nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng cho nhiệm kỳ tới. Đại hội xác định: tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, từng bước bê tông hóa các công trình thủy lợi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng tỷ lệ giống lai Trung Quốc, mở các lớp khuyến nông, đẩy mạnh thâm canh lúa và tập trung phát triển sản xuất vụ đông, nhất là cây ngô, khoai lang, khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chăm lo phát triển lĩnh vực văn hóa - giáo dục - y tế, đầu tư đúng mức cho quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, trật tự thôn xóm. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, giáo dục đội ngũ đảng viên, xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ kế cận và chăm lo xây dựng các đoàn thể quần chúng, không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương Nghĩa Mai ngày càng văn minh, giàu đẹp. Ban Thường vụ nhiệm kỳ  (1991 - 1994) gồm:

1. Đồng chí Hoàng Đình Thức  (5.1994)(2), - Bí thư  Đảng ủy.     

2. Đồng chí Cao Minh Duyên -  Thường Trực, Thư ký HĐND

3. Đồng chí Cao Văn Dũng - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND 

Tiếp đó, cuối năm 1994, đồng chí Hoàng Đình Thức được bổ nhiệm lên nhận nhiệm vụ ở Huyện ủy Nghĩa Đàn. Đảng bộ xã Nghĩa Mai. Ban Thường Đảng ủy xã giai đoạn (1994 - 1996) gồm các đồng chí:

1. Đồng chí Lê Văn Kỷ - Bí thư Đảng ủy

2. Đồng chí Cao Văn Dũng - Phó bí thư - Chủ tịch UBND

3. Đồng chí Cao Minh Duyên - Trực Đảng        

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, cấp ủy Đảng, chính quyền và hợp tác xã nông nghiệp đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, nhằm từng bước thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đặt ra. Xác định đúng cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí mùa vụ thích hợp, theo dõi diễn biến của thời tiết, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất. Đồng thời, từng bước đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong sản xuất cả quốc doanh và tập thể, quan tâm đến kinh tế hộ gia đình. Việc giao quyền sử dụng đất cho hộ nông dân theo Nghị định số 64 của Chính phủ và tăng cường các biện pháp thâm canh, ứng dụng rộng rãi những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là tiến bộ sinh học vào sản xuất, như: đưa giống lúa CR203, lúa tạp giao vào thay thế dần giống lúa NN8, chỉ đạo đa dạng hóa cây trồng, mở rộng diện tích các loại cây  ăn quả nhanh chóng được triển khai và thực hiện có hiệu quả. Năm 1995, diện tích trồng lúa cả năm là 550 ha, tổng lương thực quy ra thóc đạt 2.650 tấn. Bình quân lương thực đầu người đạt 450kg/năm. Năng suất lúa cả năm đạt 8 tấn/ha. Việc giao đất, giao rừng cho nhân dân mở rộng sản xuất đã tạo được sự chuyển biến quan trọng theo hướng kết hợp nông - lâm nghiệp. Chính quyền đã làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức cho nhân dân nhận khoán đất rừng, đất đồi, chuyển đổi, cơ cấu lại giống cây, giống con thích hợp với từng vùng để thành lập trang trại. Việc giao đất, giao rừng cho nhân dân được tiến hành tích cực, trồng rừng hàng năm đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Xã thường xuyên có kế hoạch ươm trồng giống cây tập trung, cây phân tán, tích cực thực hiện chủ trương đấu thầu trồng cây dài hạn. Các mô hình trang trại bước đầu đã hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước khẳng định tiềm năng phát triển kinh tế đồi rừng phát triển nông nghiệp toàn diện trên địa bàn xã. Chăn nuôi tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Đàn trâu, bò tăng lên 1.920 con, tăng 4 lần so với năm 1975; đàn lợn 1.570 con với trọng lượng xuất chuồng bình quân hàng năm đạt 65kg.

Các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ được đầu tư phát triển sản xuất theo hướng bám sát thị trường nông thôn, lấy phục vụ nông nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của nông dân là chính, tạo điều kiện và có chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp theo mô hình kinh tế hộ, nhóm hộ. Một số làng tiểu thủ công nghiệp đã hình thành. Nhiều hộ gia đình cũng đã đầu tư hàng chục triệu đồng phát triển các nghề mới như: xay xát, đập bột, làm bún, làm giò chả, sửa chữa cơ khí, điện dân dụng... Năm 1995, toàn xã đã có 10 máy xay xát, 5 xe ô tô công nông, 300 xe bò lốp. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng lên hàng năm. Bằng nguồn vốn tự có của Hợp tác xã nông nghiệp Mai Sơn đã xây dựng được trạm biến thế tại xóm 9 và trạm bơm nước tại xóm 8 với tổng số vốn là 32 triệu đồng, vố nguồn vốn dân đóng góp xây dựng đường dây diện 04, phục vụ sinh hoạt cho các xóm 8, 9, 3c, 7a, 7b, 3ª.

Tháng 10.1991, trụ sở Ủy ban nhân dân xã từ vùng rũ Mồ (làng Nạm) chuyển về vùng trung tâm hiện nay.

Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế cũng có những bước tiến đáng kể. Phong trào văn nghệ, thể dục - thể thao được duy trì và phát triển. Ngoài hoạt động văn nghệ trong các trường học, Đoàn Thanh niên xã cũng thường xuyên được tổ chức sôi nổi các hoạt thể thao như bóng đá, bóng chuyền… Đặc biệt, vào những dịp lễ, tết, ngày Quốc khánh 2/9, cùng với đồng bào cả nước, hoạt động văn hóa văn nghệ của nhân dân Nghĩa Mai diễn ra phong phú sôi nổi và mang ý nghĩa sâu sắc. Toàn xã có 200 máy thu hình, 500 đài radio. Từ đó, đời sống tinh thần của bà con được nâng lên rõ nét.

Các chế độ chính sách đối với gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sỹ được quan tâm đầy đủ, kịp thời đã khơi dậy tình cảm “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ trẻ. Những ngày lễ, tết Nguyên đán, ngày 27/7 hàng năm, ngoài quà của Nhà nước, xã còn trích một phần ngân sách mua thêm đường, sữa, hoa quả, bánh kẹo động viên thăm hỏi các gia đình chính sách. Những việc làm đó không những thể hiện trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ trong việc đền “ơn đáp nghĩa” mà còn khắc sâu những tình cảm tốt đẹp của lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể xã đối với những gia đình có công với đất nước.

Trạm y tế xã đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, không ít bệnh nhân không có điều kiện chữa chạy đã được khám, chữa bệnh tại nhà. Hàng năm, trạm đã chữa bệnh cho hàng trăm lượt người, điều trị hiệu quả cho hơn 100 bệnh nhân. Việc khám thai định kỳ và hộ sinh được tiến hành với các phương tiện mới. Các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh tả đã được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, không để thành dịch. Số hộ gia đình có giếng xây, nhà vệ sinh nhiều hơn trước.

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, thực trạng giáo dục gặp nhiều khó khăn. Học sinh ở các cấp bỏ học nhiều, giáo viên thừa buộc phải điều chuyển hoặc phải nghỉ hưu sớm theo chế độ. Trước thực trạng đó, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục - đào tạo và Chỉ thị số 16 ngày 4.6.1993 của Tỉnh ủy về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Trung ương, công tác giáo dục huyện Nghĩa Đàn nói chung và xã Nghĩa Mai nói riêng được củng cố lại về số lượng trường, lớp, học sinh, chất lượng dạy và học. Khuyến khích học sinh bỏ học trở lại trường, đẩy mạnh công tác phổ cập tiểu học trên địa bàn huyện và xã. Nghị quyết đã đề ra phương hướng khắc phục khó khăn, tiếp tục đổi mới, điều chỉnh, củng cố và phát triển các ngành, cấp học, coi trọng việc phổ cập cấp I, xóa tái mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh và trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật cho người lao động. Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy, đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các trường trong xã đã khắc phục khó khăn, phấn đấu dạy tốt, học tốt. Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” được triển khai trong tất cả các trường học, tạo thành phong trào thi đua rộng khắp toàn ngành. Năm 1995, Nghĩa Mai đã xây dựng 20 phòng học cấp I, 10 phòng học cấp II được ngói hóa, khang trang, sạch đẹp với số vốn đầu tư là 670 triệu đồng. Trường cấp I, cấp II của xã 10 năm liền đạt danh hiệu trường tiên tiến của huyện và tỉnh. Hàng năm, Nghĩa Mai có 10 - 15 em thi đậu vào các trương Trung cấp, Cao đẳng và Đại học.

Thực hiện Chỉ thị 135/CT - TT, Chỉ thị 406/CT - TT của Thủ tướng Chính phủ về an ninh quốc phòng, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc được tích cực triển khai. Các tổ an ninh xóm được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Công an xã được bổ sung thêm công an viên và sự phối hợp của công an chuyên trách huyện. Công tác thanh tra nhân khẩu, hộ khẩu được thực hiện nghiêm túc, hợp tình và đúng luật. Lực lượng dân quân tự vệ Nghĩa Mai với số lượng đông đã làm tốt chức năng và nhiệm vụ của mình. Công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự tuổi 17, khám tuyển giao quân hành năm đạt chỉ tiêu, những trường hợp trốn tránh nghĩa vụ hay đào ngũ đều được xã kiên quyết xử lý.

Để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của Đảng bộ các cấp, thực hiện Nghị quyết Hội Nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Nghĩa Mai có nhiều chuyển biến tích cực. Sinh hoạt Đảng được điều hành theo định kỳ, có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp. Trình độ nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao. Vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên đối với hoạt động của địa phương được thể hiện rõ nét. Nhiều cán bộ, đảng viên không những có năng lực công tác mà còn vươn lên làm giàu chính đáng trong xây dựng kinh tế và phát triển quê hương. Công tác bồi dưỡng và phát triển đảng viên mới trong đội ngũ đoàn viên ưu tú và trí thức được xã hội quan tâm. Do vậy, tổ chức Đảng không ngừng lớn mạnh. Thực hiện Nghị quyết 8B của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ quần chúng với nhân dân, các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”... được chỉ đạo chặt chẽ và thu được kết quả tốt. Giai đoạn từ 1986 - 1995, Đảng bộ xã Nghĩa Mai luôn đạt “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”.

III. NGHĨA MAI TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU THỰC HIỆN CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN (1996 - 2000)

Từ ngày 28.06 - 01.07.1996, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII được tiến hành trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Đại hội lần này quyết định đưa đất nước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020. Đại hội đã nêu những kinh nghiệm của 10 năm đổi mới và xác định: “Mục tiêu của công nghiệp hóa - hiện đại hoá là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp, có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Từ nay đến năm 2020 ra sức phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp”(1)    

 Năm 1995, thực hiện Nghị định 83/CP ngày 25.11 của Chính phủ, giải thể các thị trấn Nông trường Đông Hiếu, Cờ Đỏ, 1.5, 19.5 và Tây Hiếu để thành lập 8 xã mới: Đông Hiếu, Nghĩa Hồng, Nghĩa Sơn, Nghĩa Bình, Nghĩa Phú, Tây Hiếu, Nghĩa Hiếu, Nghĩa Tân, đưa tổng số Nghĩa Đàn từ 23 xã lên tới 32 xã, 1 thị trấn, có 67 Đảng bộ, chi bộ trực thuộc với 7.100 đảng viên.

Trước đó, từ ngày 25 - 26.01.1996, tại hội trường Ủy ban nhân dân huyện đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn lần thứ XXIV, Đại hội đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ kinh tế của huyện nhà trong những năm 1996 - 2000 là: “Đẩy mạnh cơ sở hạ tầng; tập trung phát triển nông - lâm- công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại; tổ chức sắp xếp lại cây, con theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng cây nguyên liệu rộng lớn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của công nghiệp chế biến nông - lâm sản, tăng nhanh giá trị hàng hóa; đổi mới cơ chế quản lí, mở rộng quan hệ hợp tác; kết hợp hài hòa các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển. Trên cơ sở đó, từng bước đô thị hóa Nghĩa Đàn, thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng Nghĩa Đàn vững mạnh toàn diện”(2)

Tháng 12.1996, Đại hội Đảng bộ xã Nghĩa Mai lần thứ 17 được khai mạc tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã với sự tham gia của 108 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đây là đại hội quan trong của xã, đánh dấu bước ngoặt trong thời kỳ đổi mới. Đại hội đã đề ra các mục tiêu chính trong nhiệm kỳ tới là: xây dựng điện, đường, đồng, đồi, phấn đấu đến 2000 mức tăng trưởng kinh tế từ 8 - 10%, tổng thu nhập đạt từ 6 - 9 tỷ đồng; tổng đàn trâu bò 250 - 3500 con; tổng đàn lợn từ 2000 - 3500 con; tổng đàn gia cầm 1,4 vạn con. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề dịch vụ, khuyến khích lao động đi làm ở ngoại tỉnh và lao động hợp tác nước ngoài; xây dựng cơ bản, phấn đấu xây dựng đoạn đường bê tông ở các xóm, hoàn thành trường cấp I, cấp II.

Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ (1996 -  2000) đã bầu ra Ban Thường vụ gồm:

1. Đồng chí Lê Văn Kỷ - Bí thư Đảng ủy

2. Đồng chí Vi Văn Đua – Thường vụ Trực Đảng, Chủ tịch HĐND    

3. Đồng chí Cao Văn Dũng - Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân  

Giai đoạn từ 1995 - 2006, Hợp tác xã Nông thương tín ở Nghĩa Mai đổi thành hợp tác xã nông nghiệp Nghĩa Mai do ông Nguyễn Thế Văn làm Chủ nhiệm.     

Nhiệm kỳ (1995 - 2000), Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:     

1. Về kinh tế        

Với đặc thù là một xã vùng sâu, vùng xa, đất đai khô cằn, bạc màu, diện tích canh tác ít, nhân khẩu đông, cơ sở vật chất thiếu thốn, quỹ vốn nghèo, lại là một xã độc canh về nông nghiệp nên năm 1996, Nghĩa Mai đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi vụ mùa, áp dụng cơ cấu khuyến nông, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các giống lúa lai như: tạp giao, khang dân, kim cương được đưa vào sản xuất trên 65% diện tích, năng suất lúa đạt 50 tạ/ha. Người dân Nghĩa Mai gắn bó với cây mía từ khi người dân Hưng Lam, Hưng Phú, Hưng Tiến lên xây dựng kinh tế. Trước khi nhà máy đường T& L được xây dựng, người dân ở đây đã có nghề kéo che làm mật bán cho các cửa hàng. Khi nhà máy đường T& L được xây dựng, các giống mía mới như: Rốc 10, MI được đưa vào thay thế giống mía F134, có năng suất cao hơn. Đến nay, sản lượng mía Nghĩa Mai đứng đầu huyện Nghĩa Đàn, đứng thứ 2 vùng nhà máy, bình quân sản lượng từ 40 - 50 ngàn tấn/năm.

Ngành chăn nuôi cũng có bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Tốc độ tăng trưởng khá, thu nhập từ chăn nuôi đạt 31,7 % trong nông nghiệp. Công tác tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được chú trọng, đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tổng đàn trâu bò từ 988 con (năm 1996) tăng lên 1.130 con (năm 2000); đàn lợn từ 987 con (năm 1996) tăng lên 1.200 con (năm 2000), trong đó đàn lợn nái đạt 468 con, tổng đàn gia cầm ước đạt khoảng 25.000 con... Song song với chăn nuôi trâu, bò, ngành nuôi thủy sản cũng được xã chú trọng phát triển.

Thực hiện việc giao đất, giao rừng được triển khai theo Nghị định số 64 và Nghị định số 02 của Chính phủ, xã đảm bảo nguyên tắc, đất, rừng, ao, hồ phải có chủ quản lý, đóng thuế và làm nghĩa vụ đầy đủ cho Nhà nước. Xã tiếp tục thực hiện Chương trình dự án 327 có hiệu quả. Đến năm 2000, đã trồng mới các loại cây có giá trị thu nhập cao như: lát hoa, keo, bạch đàn, trẩu, sở. Các loại cây này bước đầu đã mang lại thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân.

 Các ngành tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và dịch vụ phát triển còn hơi chậm, song bước đầu đã có sự chuyển hóa và có nhiều tiến bộ. Năm 1996, xã có 27 hộ với 49 lao động tham gia ngành nghề TTCN và dịch vụ thì đến năm 2000 xã có 107 hộ với 255 lao động tham gia, đồng thời có khoảng 30 lao động thường xuyên đi làm ăn ở nước ngoài và các địa phương khác tạo ra nguồn thu nhập cho gia đình. Đến năm 2000, thu nhập về TTCN và dịch vụ chiếm 4,3%, tăng 11,8% so với năm 1996.

Phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, xã Nghĩa Mai đã tạo ra được nguồn thu ngân sách phục vụ cho chi phí hoạt động xã hội, đồng thời đầu tư xây dựng cho cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất và dân sinh, một phần đầu tư cho khoa học kỹ thuật, đào tạo cán bộ và các hoạt động khác. Tổng thu nhập ngân sách năm 1996 là gần 800 triệu đồng, đến năm 2000 là gần 2 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất trong năm 2000 đạt 9,85 tỷ đồng, nhịp độ tăng trưởng kinh tế là 5,8%. Bình quân lương thực đạt 18 kg/người/năm; trong đó thu nhập về trồng trọt chiếm 55,69%, thủ công nghiệp và dịch vụ 4,3%, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm xuống 10%.

Thực hiện phương châm “Đi lên từ điện, đi ra từ đường”, trên cơ sở huy động nội lực của nhân dân và sự hỗ trợ của Nhà nước, xã đã mở rộng mạng lưới điện phục vụ nhân dân một cách đầy đủ. Năm 1997, Ủy ban nhân dân xã đã xây dựng trạm điện và xây dựng 2 trạm biến thế 320 KV, trạm bơm điện có công suất 3000 m3 với tổng giá trị 1.094 triệu đồng. Hệ thống trường học, trạm xá cũng được nâng cấp và xây mới đáp ứng tốt việc chăm sóc sức khỏe cả về thể chất lẫn trí tuệ cho nhân dân. Hệ thống kênh mương dần được bê tông hóa, các trục đường giao thông được mở rộng và nâng cấp. Hàng năm, xã đầu tư tu sửa, xây dựng 15 km đường đổ sỏi và hàng vạn ngày công cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng...

2. Giáo dục, y tế, văn hóa

Trong 5 năm (1995 - 2000), công tác giáo dục ở Nghĩa Mai có nhiều thành tích nổi bật. Năm 1998, Nghĩa Mai được công nhận hoàn thành phổ cập tiểu học, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 70%, xã có 8-10 em đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng được chú trọng. Cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, xây mới 20 phòng học cấp I và cấp II, 10 phòng học cho trường mẫu giáo; xây mới phòng kỹ thuật cho trạm y tế; mạng lưới y tế từ xã đến xóm thường xuyên được củng cố, các chương trình y tế Quốc gia, y tế cộng đồng, tiêm chủng được mở rộng nên đã ngăn chặn được các dịch bệnh như sốt rét, bướu cổ, bệnh phong... Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ngày càng tiến bộ nhờ sử dụng các biện pháp truyền thông, các cơ chế chính sách về dân số phù hợp. Đến năm 2000, tỷ lệ phát triển dân số giảm xuống còn 1,13% (giảm 0,22% so với năm 1996), tỷ lệ người sinh con thứ 3 là 28,4%, trong đó có 5 xóm không có người sinh con thứ 3.

Hàng năm, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao thường xuyên được Nghĩa Mai tổ chức. Các phong tục lạc hậu, các tệ nạn mê tín dị đoan, bói toán... được ngăn chặn, đẩy lùi. Phong trào xây dựng làng văn hóa mới ngày càng được mở rộng. Tính đến năm 2000, xã đã có 52% hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, 27% gia đình thể thao, 23/23 xóm đã có bản hương ước và có 1 làng đạt làng văn hóa. Công tác chính sách xã hội thường xuyên được quan tâm, nhằm đảm bảo các chế độ cho các đối tượng hưởng chính sách. Thực hiện Thông tư 18 và Nghị định 28 CP của Chính phủ về việc giải quyết hậu quả chiến tranh, hàng năm, xã đã tổ chức tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đến năm 2000 đã cấp 22 sổ tiết kiệm cho những gia đình thuộc diện chính sách, hỗ trợ kinh phí tu sửa và làm nhà tình nghĩa cho 4 đối tượng, đã trích 52 triệu đồng trong ngân quỹ cho các gia đình chính sách.

3. Công tác quốc phòng an ninh

  Công tác an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, các vụ việc xảy ra trong nội bộ được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Công tác tự quản ở các xóm được tăng cường và hoạt động có hiệu quả đã góp phần hạn chế đơn thư vượt cấp, đảm bảo sự bình yên trong làng xóm. Mặt khác, xã thường xuyên tăng cường công tác quốc phòng. Việc gọi tuyển thanh niên nhập ngũ hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng dân quân, tổ chức ra mắt lực lượng dân quân theo pháp lệnh, thực hiện diễn tập làng xã chiến đấu kết hợp với phương án A2 đạt kết quả khá.

4. Công tác xây dựng Đảng

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Chỉ thị 17 của Tỉnh ủy về xóa đơn vị yếu kém, thực hiện cuộc vận động đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ đã chăm lo đến chất lượng sinh hoạt Đảng, uốn nắn sửa đổi về lề lối, tác phong làm việc, tăng cường công tác kiểm tra và đặc biệt chú trọng đến chất lượng sinh hoạt của chi bộ. Vì thế, chất lượng đảng viên được nâng lên. Qua phân loại đánh giá hàng năm, đa số đảng viên có tư tưởng và lập trường quan điểm vững vàng, đã xóa được chi bộ yếu kém. Công tác phát triển Đảng được coi trọng, trong 5 năm đã bồi dưỡng và kết nạp được .... đảng viên mới.

Hoạt động của các tổ chức quần chúng ngày càng được nâng lên, mọi tổ chức đều xác định được hướng đi của mình. Các tổ chức xây dựng được quỹ vốn để hoạt động, thực hiện đúng chức năng của mình, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, phương hướng, nghị quyết Đảng bộ đã đề ra, từng bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Tóm lại, trong chặng đường gần 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 - 2000), Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai đã giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, Nghĩa Mai vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế, yếu kém, gây cản trở trong quá trình phát triển đi lên như: công tác lãnh đạo của Đảng, chính quyền và hoạt động của các tổ chức đoàn thể chưa thực sự toàn diện và đồng bộ. Một số cán bộ, đảng viên còn thiếu gương mẫu, ý thức chính trị chưa cao. Trong sản xuất: việc đưa giống mới vào sản xuất và áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật chưa rộng rãi. Sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và việc chăn nuôi theo mô hình kinh tế hàng hóa chưa phát triển mạnh. Lực lượng lao động còn mỏng và sự đầu tư cho phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại chưa cao. Việc đầu tư cho phát triển văn hóa, giáo dục đã được chú trọng nhưng vẫn chưa thực sự đồng bộ. Một số tệ nạn như cờ bạc, trộm cướp, vi phạm luật giao thông, luật hành chính còn tồn tại. Đó là những thách thức lớn đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà trong tiến trình đi lên sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở những giai đoạn tiếp theo.

IV. NGHĨA MAI TRONG XU THẾ HỘI NHẬP NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ   XXI (2000 - 2010)

1. Giai đoạn 2000 - 2005

Bước vào những năm đầu thế kỷ XXI, cùng với sự thay đổi mọi mặt của tình hình đất nước, Nghĩa Mai cũng đứng trước những vận hội mới. Sau 15 năm đổi mới, xã nhà đã giành được những thành tựu cơ bản trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như đúc rút nhiều kinh nghiệm quan trọng trong quá trình hoạt động. Phát huy tối đa tiềm năng về con người, tài nguyên; cán bộ và nhân dân xã đã được củng cố niềm tin bởi đường lối đổi mới của Đảng, ý thức để phát triển kinh tế - xã hội ngày càng rõ nét hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi căn bản đó, Nghĩa Mai còn gặp không ít khó khăn về vốn, kỹ thuật và phương tiện; cơ sở phúc lợi xã hội tuy có nhiều cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; trình độ quản lý của một số cán bộ còn hạn chế trước yêu cầu của đổi mới. Với những nỗ lực to lớn, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai đã phấn đấu khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, bước đầu thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Từ ngày 19 - 22.4.2001, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng được tổ chức. Đại hội đã thông qua 4 văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; Báo cáo về việc bổ sung, sửa đổi điều lệ Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2000 - 2010; Phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng thành công là nguồn sức mạnh hết sức to lớn để tăng cường hơn nữa sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng và khối đại đoàn kết dân tộc.

Trước đó, ngày 28 - 29.12.2000, tại Hội trường trung tâm văn hóa thị trấn Thái Hòa đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Nghĩa Đàn khóa XXV. Đại hội đã tập trung trí tuệ, đánh giá những thành tựu, hạn chế của nhiệm kỳ XXIV (1996 - 2000), tìm ra nguyên nhân mặt mạnh, mặt yếu. Trên cơ sở đó,, Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu nhiệm kỳ XXV là: “Khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, kiên quyết đổi mới tư duy kinh tế, phát huy cao độ nội lực, tiềm năng và thế mạnh của vùng đất đỏ Ba zan; gắn kết ngành và lãnh thổ, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, trước hết là lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn; đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông - lâm sản và thương mại dịch vụ; thực hiện đồng bộ các biện pháp tổ chức, cơ chế chính sách, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước xã hội hóa một số mặt trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhanh chóng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu đưa Nghĩa Đàn nhanh chóng trở thành một trong những huyện giàu mạnh của tỉnh, xứng đáng là trung tâm của vùng Tây Bắc Nghệ An(1).

Ngày 19 - 20.10.2000, 86 đảng viên trong toàn Đảng bộ đã về tham dự Đại hội Đảng bộ Nghĩa Mai lần thứ XVIII nhiệm kỳ (2000 - 2005). Đại hội xác định: phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại yếu kém, quán triệt sâu sắc các quan điểm và các Nghị quyết của Đảng các cấp, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông lâm nghiệp toàn diện, coi trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Thực hiện nhanh chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, khai thác tốt tối đa mọi tiềm năng nguồn lực của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội với nhịp độ cao hơn. Tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác an ninh và quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Phấn đấu đến 2005 kinh tế xã hội của xã tăng 1,5 lần so với hiện tại để sớm đưa Nghĩa Mai thoát khỏi xã nghèo của huyện. Phấn đấu xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Đại hội đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như sau: tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 12%, trong đó chăn nuôi là 35 %, nông lâm nghiệp 91,5%, thương mại và dịch vụ là 8,5%; bình quân lương thực đạt 18 -20kg/người/ năm; phấn đấu phổ cập Trung học cơ sở vào năm 2005; giảm hộ đói nghèo xuống 10% - 12 %, tỷ lệ phát triển dân số xuống 11%, 50% số xóm làng đạt đơn vị làng văn hoá; Đảng bộ đạt xuất sắc, 85% số đảng viên hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ban Thường vụ gồm:

1. Đồng chí Lê Văn Kỷ - Bí thư Đảng ủy  (2000 - 12.2003)      

2. Đồng chí Vi Văn Đua - Trực Đảng          

3. Đồng chí Cao Văn Dũng - Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân

         Trong nhiệm kỳ (2000 - 2005), Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai đã đạt được những thành tích nổi bật trên các lĩnh vực như sau:

Về kinh tế

          Thực hiện Chỉ thị số 02 (năm 2002) của Tỉnh ủy Nghệ An, Nghĩa Mai đã tiến hành “Dồn điền đổi thửa” trên diện tích đất canh tác, khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, tạo điều kiện thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa cơ giới hóa vào ruộng đồng. Mặt khác, xã còn tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng theo đúng hướng, xây dựng đề án sản xuất hợp lý nền sản xuất nông nghiệp có bước phát triển toàn diện; trong đó chú trọng đầu tư thâm canh, công tác thủy lợi, giống và bảo vệ thực vật; chủ động phòng chống và khắc phục thiên tai, ứng dụng tích cực khoa học kỹ thuật, nên năng suất sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn xã đã cơ bản chuyển đổi hoàn toàn bộ giống, đưa vào sản xuất lúa lai Tạp Giao trong vụ Đông Xuân (tăng từ 80 - 85%), có diện tích 11,7 ha/năm, sản lượng bình quân hàng năm đạt 1.620 tấn. Đặc biệt, xã đã chuyển đổi hơn 50 ha đất lúa vùng năng suất không ổn định sang trồng mía có năng suất cao hơn. Năm 2000, năng suất mía ở Nghĩa Mai tăng lên 55.000 tấn. Ngoài ra, xã còn thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp đưa các loại cây ăn quả như nhãn, vải vào trồng và bước đầu có thu hoạch. Giá trị thu nhập của các hộ đạt trên 1 triệu đồng.

Ngành chăn nuôi có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tổng đàn trâu, bò tăng bình quân 26,5% (năm 2000 có 1.620 con đến năm 2005 tăng lên 2.050 con); đàn lợn năm 2000 là 2.630 con đến năm 2005 là 2.100 con; đàn dê năm 2000 có 150 con đến năm 2005 tăng lên 576 con. Đặc biệt, xã đã khai thác và tận dụng tốt mặt nước của một số hồ đập nên sản lượng cá hàng năm đều tăng trưởng khá. Tỷ trọng thu nhập từ chăn nuôi năm 2000 chiếm 31,4% thì đến năm 2005  là 36,5% trong nông nghiệp.

Ngành lâm nghiệp đã có bước phát triển khá, xã đã chủ trương xã hội hóa nghề rừng, gắn khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng với công tác định canh, định cư, đồng thời tiến hành phủ xanh đất trống, đồi trọc… Năm 2005, xã có 796 ha rừng khoanh nuôi và 140 ha rừng trồng mới. Trong 5 năm qua, xã không xảy ra hiện tượng cháy rừng.

Mặt khác, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ - thương mại phát triển khá. Năm 2000, xã chỉ có 108 hộ với 178 lao động tham gia ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thì đến năm 2005, xã có khoảng 50 lao động thường xuyên đi làm ăn ở nước ngoài và có gần 500 lượt người đi làm ăn ở các tỉnh khác, tạo ra nguồn thu nhập cho gia đình và xã hội. Năm 2000, tổng thu nhập từ ngành thương mại - dịch vụ chỉ có 30 triệu đồng, đến năm 2005 lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm phục vụ tốt hơn cho sản xuất cũng như đảm bảo đời sống dân sinh. Xã đã tu sửa, nâng cấp đường giao thông liên hương, liên gia 10 km, 1,6 km đường trung tâm cụm xã, xây dựng trường THCS 2 tầng với 12 phòng học; xây dựng trường Tiểu học với 8 phòng học nhà cấp 4; xây dựng trạm y tế ở trung tâm cụm xã với 6 phòng.

 Trong nhiệm kỳ qua, với sự hỗ trợ của Chính phủ về chương trình 135, chương trình CBI và phát huy nội lực của Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã từng bước xây dựng hệ thống kênh mương và các hạng mục công trình cống, tràn, hồ, đập..., trường học, lớp học, nhà văn hóa các xóm với phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nghĩa Mai đã xây dựng 32 phòng học cao tầng cho cấp 1, 2; 16 phòng học nhà cấp 4 cho trường cấp 1; 2 văn phòng làm việc; 6 nhà hội quán,  xây dựng mới trụ sở UBND với giá trị 420 triệu đồng; chương trình giao thông 2.490 tỷ đồng; công trình thủy lợi 1,27 tỷ đồng; trạm xá 450 triệu đồng. Tổng giá trị cho xây dựng cơ bản trong nhiệm kỳ là 17 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ 4,922 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 2.249 tỷ đồng. Từ những kết đạt được, bộ mặt nông thôn xã Nghĩa Mai đang ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện hơn.

Về văn hóa, giáo dục, y tế

Tiếp tục quán triệt và triển khai Nghị quyết TW5 khoá VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao lành mạnh và bổ ích được phổ biến rộng rãi. Hàng năm, xã thường tổ chức hội thao thi đấu bóng chuyền, bóng đá nhân dịp các ngày lễ tết... Nét đẹp văn hóa cổ truyền được phát huy, các phong tục tập quán lạc hậu từng bước được đẩy lùi, ngăn chặn được các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mê tín dị đoan... Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng được mở rộng. Năm 2000, xã có 52% đạt gia đình văn hóa, đến năm 2004 có 68% đạt gia đình văn hóa, 27% gia đình thể thao, 23/23 đơn vị đã xây dựng hương ước và có 3 làng đạt làng văn hóa. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn” được quan tâm đúng mức và kịp thời. Các đối tượng chính sách, trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được quan tâm chăm sóc chu đáo. Chương trình xóa đói giảm nghèo tích cực được thực hiện đã khơi dậy truyền thống “Thương người như thể thương thân” trong nhân dân. Tính đến năm 2005, toàn xã đã cấp sổ tiết kiệm cho những gia đình có công với cách mạng, hỗ trợ kinh phí tu sửa và làm mới nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết…

Sự nghiệp giáo dục luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo và nhân dân xã nhà. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường. Công tác xã hội - giáo dục ngày càng được mở rộng và phát triển. Đội ngũ giáo viên từng bước được chuẩn hoá và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, ngành. Trong 5 năm (2000 - 2005), hai trường cấp I, cấp II liên tục giữ vững danh hiệu trường tiên tiến. Trường mầm non giữ vững trường khá. Năm 2002, trường Tiểu học và cấp 2 được xây dựng trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho con em học tập. Năm 2005, Nghĩa Mai được công nhận là đơn vị phổ cập phổ thông THCS. Tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 99%, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 98,7%. Học sinh thi đậu cấp III hàng năm đạt từ 65% đến 70%. Bình quân mỗi năm có 10 em thi đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp. Các thôn xóm, dòng họ, các tổ chức đoàn thể và gia đình đã tiến hành xây dựng Hội Khuyến học và hoạt động có hiệu quả.

Các chương trình y tế Quốc gia, y tế cộng đồng, tiêm chủng mở rộng thực hiện tốt nên đã ngăn chặn được dịch bệnh xẩy ra. Trình độ chuyên môn của các cán bộ y tế được nâng lên. Bình quân hàng năm từ 1.800 - 2000 lượt người đến khám và điều trị tại trạm. Tỷ lệ sinh con thứ ba giảm dần theo từng năm từ 38,4% (năm 2000) xuống còn 36,7% (năm 2005), cuối nhiệm kỳ có 7 xóm không có người sinh con thứ ba. Trong những năm tới, trạm xá của xã đang phấn đấu đạt danh hiệu chuẩn Quốc gia về y tế.

Về quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và các đoàn thể

Các kế hoạch sẵn sàng chiến đấu gắn liền với nhiệm vụ giữ vững chính trị, đảm bảo trật tự trên địa bàn được xây dựng và bổ sung thường xuyên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi. Các vụ việc xảy ra trong nội bộ nhân dân được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, không để vụ việc kéo dài. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường và hoạt động có hiệu quả nên đã hạn chế được mức thấp nhất đơn thư vượt cấp. Lực lượng công an thường xuyên được củng cố đáp ứng với nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Ban công an xã luôn đạt đơn vị loại giỏi và đơn vị quyết thắng. Việc gọi tuyển thanh niên nhập ngũ hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Lực lượng dân quân tự vệ thường xuyên đảm bảo quân số và sẵn sàng chiến đấu. Đơn vị dân quân của xã liên tục được công nhận là đơn vị tiên tiến.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 7, Trung ương 8 về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, Đảng bộ Nghĩa Đàn tổ chức cho cán bộ đảng viên học tập, quán triệt các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về cuộc vận động đổi mới và chỉnh đốn Đảng đến chất lượng sinh hoạt Đảng, tăng cường công tác kiểm tra Đảng, tổ chức tốt các đợt sinh hoạt Đảng bộ, chi bộ thường kỳ; đồng thời, chủ động triển khai các đợt học tập Nghị quyết gắn liền với chương trình hành động của Đảng bộ....

Các kỳ họp của Hội đồng nhân dân diễn ra kịp thời và có chất lượng. Các ý kiến của cử tri được giải quyết một cách thỏa đáng, tạo điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình. Ủy ban nhân dân trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND đã kịp thời cụ thể hóa thành các chương trình hành động sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong đó, đáng chú ý là việc khơi dậy nội lực trong dân để xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, kênh mương và các công trình văn hóa cơ sở... từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc xã đã bám sát chức năng của mình, phối hợp hoạt động với các ban ngành, đoàn thể tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận Tổ quốc đã tập hợp và phát động nhiều phong trào hiệu quả như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phối hợp cùng Ban Công an thành lập các tổ liên gia tự quản, làm tốt công tác hoà giải... Mặt trận phát động nhân dân tham gia các cuộc vận động ủng hộ người nghèo (22 triệu đồng), quỹ đền ơn đáp nghĩa (44 triệu đồng), ủng hộ người cao tuổi (3 triệu đồng), quỹ bảo trợ trẻ em (7,5 triệu đồng) và xoá được 29 nhà tranh tre dột nát.

Hội Cựu chiến binh làm tốt công tác giáo dục truyền thống, giữ vững bản chất “bộ đội Cụ Hồ”, tham gia có hiệu quả công tác an ninh trật tự, tự quản. Phối hợp với tổ mặt trận làm công tác hòa giải ở các thôn xóm, tham gia công tác hậu phương quân đội, duy trì hoạt động. Hội còn đứng ra vay vốn hộ trợ cho một số hội viên phát triển sản xuất. Đến năm 2005,  Hội có 347 hội viên.

Hội Nông dân là đơn vị dẫn đầu huyện trong công tác mua bảo hiểm nông dân và có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức cũng như hoạt động. Trong đó, việc triển khai xây dựng chương trình xóa vườn tạp, nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao. Hội đã đứng ra tín chấp cho 156 hộ nông dân vay 600 triệu đồng làm vốn phát triển kinh tế. Hội còn làm tốt công tác tư vấn chuyển tải khoa học kỹ thuật về cây trồng vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho hội viên Hội Nông dân. 

Hội Phụ nữ tính đến năm 2005 có 185 hội viên với tỷ lệ tập hợp đạt 87,1%. Ngoài ra, hội đã làm tốt công tác tuyên truyền KHHGĐ, góp phần làm giảm tỷ lệ tăng dân số. Hội đã đứng ra làm chủ dự án tạo việc làm cho hội viên, góp phần xoá đói giảm nghèo. Đến năm 2005 quỹ vốn của hội có 600 triệu đồng và cho 156 hộ vay để phát triển kinh tế. Năm năm liền được xếp là Hội Phụ nữ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đoàn Thanh niên hoạt động ngày càng hiệu quả, thể hiện qua các phong trào văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao trong các ngày lễ lớn. Tổ chức Đoàn đã phát huy vai trò xung kích trong phong trào: “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “ Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trên cơ sở các hoạt động của phong trào thanh niên, Đoàn đã giáo dục, bồi dưỡng kết nạp nhiều đoàn viên mới và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng. Riêng năm 2005 đã kết nạp 78 thanh niên vào tổ chức Đoàn, giới thiệu 23 đoàn viên ưu tú, trong đó có 10 người được kết nạp vào Đảng. Tổ chức Đoàn đã đứng ra vay vốn và giải quyết việc làm cho thanh niên, với số dự án ban đầu là 80 triệu cho 18 hội viên vay và đang phát huy có hiệu quả.

2. Giai đoạn 2005 - 2010

Từ ngày 18 - 25.04.2006, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã được tiến hành tại Hà Nội với chủ đề: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công tác đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Trước đó, trong những ngày cuối tháng 8.2005, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khoá XVI đã khai mạc tại thành phố Vinh. Đại hội thể hiện sự nhất trí cao với Báo cáo kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ XV và đề ra phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ thời kỳ (2006 - 2010), với tư tưởng chỉ đạo: đổi mới, hợp tác, hội nhập và tăng tốc. Huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, tập trung cao cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; chăm lo xoá đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là việc làm, quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ngày càng vững mạnh. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội, phấn đấu đưa Nghệ An thoát nghèo và thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2010.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh là động lực và phương hướng chỉ đạo đối với Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai trong những năm tiếp theo của thời kỳ đổi mới.

Tháng 7.2005, Đại hội Đảng bộ Nghĩa Mai lần thứ XIX nhiệm kỳ (2005 - 2010) được tiến hành tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã, với sự tham dự của 101 đảng viên. Đại hội đã đề ra với một số chỉ tiêu cụ thể:

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng 15%. Tổng giá trị sản xuất đạt 29 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đến năm 2010 là 7 triệu đồng; hạ tỷ lệ tăng dân số dưới 6%; xây dựng xóm văn hoá đạt 75%, gia đình văn hoá đạt 70 - 75%; giảm hộ nghèo xuống dưới 5%; trường Mầm non và Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ gia đình dùng nước sạch 80 - 90%; Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh, kết nạp từ 75 đảng viên mới, không có chi bộ yếu kém(1))”.  

 Ban Thường vụ gồm 3 các đồng chí:

1. Đồng chí Ngô Văn Thành[7] (1.2004 - 6.2005) - Bí thư Đảng ủy

2.  Đồng chí Vi Văn Đua - Thường vụ - Trực Đảng

3. Đồng chí Ngô Minh Tú - Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân

Đến tháng 7.2006, Ban Thường vụ Nghĩa Mai được kiện toàn lại:

1. Đồng chí Vi Văn Đua - Bí thư Đảng ủy

2. Đồng chí Vũ Xuân Hiển - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND

3. Đồng chí Ngô Minh Tú - Chủ tịch Ủy ban nhân dân

4. Đồng chí Hoàng Văn Nhường - Phó Chủ tịch UBND

5. Đồng chí Lê Hải Long - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc            

Về kinh tế

Trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng và năng lực sẵn có, nền kinh tế của xã đã có bước phát triển nhanh và tương đối toàn diện. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn mới của Nghĩa Mai đang đổi thay từng ngày. Tổng giá trị sản xuất đạt hơn 42 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,5%. Nông nghiệp nông thôn Nghĩa Mai có nhiều chuyển biến mạnh trên cơ sở xây dựng và thực hiện khá hiệu quả 4 đề án về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong đó xã đã có những đề án mang lại hiệu quả cao như đề án về trang trại với hệ số sử dụng đất là 2,15 lần. Năm 2009, tổng sản lượng lương thực đạt 1.800 tấn. Tổng thu ngân sách đạt 8,199 triệu đồng. Sản lượng lúa cả nhiệm kỳ đạt 7.669 tấn. Sản lượng mía năm 2005 là 45.000 tấn, năm 2009 đạt khoảng 50.000 tấn. Sản lượng sắn cả nhiệm kỳ đạt 8.44 tấn…

Lĩnh vực chăn nuôi, công tác thú y, phòng chống dịch bệnh từng bước được khắc phục và chú trọng hơn trong việc bảo vệ đàn. Vì thế, đến tháng 5.2010, đàn trâu, bò 1.585 con; đàn lợn năm 2005 có 2.100 con đến năm 2009 tăng lên 3.800 con, đạt 95% kế hoạch; gia cầm đạt 3.000 tấn. Ngoài ra, xã cũng tích cực cải tạo mặt nước ao hồ, mở rộng diện tích nuôi cá nên sản lượng cá đạt 150 tấn, đạt 100% so với kế hoạch.

Lâm nghiệp có bước phát triển tốt. Xã tập trung bảo vệ và khai thác diện tích trồng rừng đến tuổi. Toàn xã có 1.465 ha đất lâm nghiệp, trong đó, trồng mới 250 ha cây keo. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 41%. Trong 5 năm xã không để xảy ra hiện tượng cháy rừng.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: các cơ sở sản xuất gạch, ngói, khai thác đá, chế biến gỗ, gò hàn, mộc dân dụng đang từng bước được khẳng định. Các cơ sở sản xuất ra đời một mặt tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, mặt khác tăng thêm thu nhập cho bà con trong xã. Trong 5 năm qua, Đảng ủy, chính quyền luôn ưu tiên những công trình thiết thực. Công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng mới hội trường UBND, hoàn thiện trường THCS và Tiểu học, phòng giao dịch một cửa, trạm điện vùng ngoài với tổng giá trị 4,3 tỷ đồng.

Về văn hoá -  xã hội

Phong trào toàn dân “Xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả cao. Công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, hệ thống truyền thanh có nhiều thay đổi về thời lượng và chất lượng, 100% hộ gia đình được xem truyền hình. Hàng năm, xã có 85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 85%. Học sinh đậu tốt nghiệp các cấp đạt 90% trở lên. Bình quân mỗi năm có 10 em thi đậu vào các trường Đại học và Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp. Công tác xã hội hóa giáo dục phát huy hiệu quả. Phong trào xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh từ tổ liên gia, dòng họ, xóm đến xã. Năm 2010, trường Tiểu học B được công nhận trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 1. Xã hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học và phổ cập Trung học cơ sở vào năm 2008. Trong nhiệm kỳ xã có 3 em thi học sinh giỏi tỉnh, 10 em thi học sinh huyện, 18 em đậu Đại học, 10 em đậu Cao đẳng.

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng, chương trình dân số, gia đình, trẻ em có nhiều tiến bộ, giữ vững và phấn đấu xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Đội ngũ y tế từ xóm đến trạm xá thường xuyên được đào tạo và đào tạo lại, trách nhiệm của các cán bộ ngành y tế được nâng lên kể cả chuyên môn và tác phong, thái độ làm việc. Trong 5 năm không xảy ra dịch bệnh và những sơ suất trong chuyên môn. Các chương trình y tế Quốc gia được triển khai đồng bộ và có hiệu quả, 99% trẻ em được tiêm các loại vắc xin tiêm phòng và uống Vitamin A. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được quan tâm đúng mức như hỗ trợ trẻ em bị khuyết tật, bị bệnh bẩm sinh, tặng quà cho các em nhân dịp Trung thu, ngày Quốc tế thiểu nhi và ngày 1.6 và cấp đầy đủ thẻ BHYT cho các cháu dưới 6 tuổi. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông dịch vụ kỹ thuật về dân số, kế hoạch hoá gia đình trẻ em. Tỷ lệ phát triển dân số ổn định dưới 0,55%. Tỷ lệ người sinh con thứ ba chiếm 16%, trẻ em suy dinh dưỡng dưới 19%, đạt chỉ tiêu Đại hội đề ra.

Lao động việc làm, chương trình xóa đói giảm nghèo và chính sách xã hội được quan tâm, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công, các đối tượng xã hội khác và đẩy mạnh các hoạt động từ thiện nhân đạo... Xã rất chú trọng đến công tác xóa đói, giảm nghèo và xóa nhà tạm bợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2005, số hộ nghèo chiếm 42% đến năm 2009 giảm xuống 23%. Năm 2005, xóa được 26 nhà tranh tre đến năm 2010, xóa được 35 nhà. Điều này đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn xã Nghĩa Mai ngày càng đổi mới. Trong 5 năm, xã chi trả 4.127.430.000 triệu đồng; cấp 15 tấn gạo; cấp 136 huân, huy chương các loại cho các đối tượng, gia đình chính sách. Cấp 630 thẻ bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng 1.125 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Trong đó, đối tượng BHYT 1 năm người cao tuổi là 89 người. Giải quyết công ăn việc làm, giảm các hộ nghèo, phân phối lao động hợp lý  tại địa phương đạt kết quả tốt.

Công tác quốc phòng, an ninh

Quốc phòng an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội. Xã đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chủ trương của Trung ương, của tỉnh, huyện về công tác quốc phòng an ninh một cách có hiệu quả. Mặt khác xã còn àm tốt công tác phòng chống cháy rừng, phòng chống bão lụt, tăng cường công tác khám tuyển giao quân, huấn luyện dân quân tự vệ vững mạnh toàn diện.

Công tác tiếp dân, giải quyết các đơn thư khiếu nại được duy trì nghiêm túc. Các vụ việc cơ bản được giải quyết ngay từ tổ liên gia đến xóm, không có đơn thư kéo dài, hạn chế đơn thư vượt cấp. Trong nhiệm kỳ đã tiếp nhận hơn 100 lượt công dân, 34 vụ việc đều đã giải quyết 100%. Hoạt động phối hợp giữa các ban, ngành có hiệu quả nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi, tố giác tội phạm được triển khai ở nhiều xóm và thu được kết quả tốt. Cũng trong thời gian này, trung tâm giao dịch “một cửa” đi vào hoạt động, các quy định về cải cách hành chính Nhà nước được thực hiện nghiêm chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân làm các thủ tục giấy tờ được thuận tiện. Trong nhiệm kỳ, xã đã ban hành 65 loại văn bản; chứng thực 4.320 giấy tờ; tuyên truyền các luật, pháp lệnh 66 buổi có 2.640 lượt người tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước… Công tác thi đua khen thưởng cũng được quan tâm đúng mức. Quy chế dân chủ được mở rộng, công tác phòng chống tiêu cực tham nhũng đẩy mạnh. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững là địa bàn sạch về ma túy, mại dâm, không có đơn thư khiếu nại vượt cấp. Trong nhiệm kỳ được cấp trên khen thưởng và xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ

Về công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị 

Đảng bộ xã Nghĩa Mai tập trung lãnh đạo, tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nắm bắt định hướng dư luận, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân. Tổ chức triển khai, xây dựng kế hoạch thực hiện các Nghị định, Chỉ thị của Trung ương, của tỉnh, huyện, xã một cách nghiêm túc, đặc biệt là Nghị quyết 02 của Huyện ủy về “tăng cường công tác tư tưởng”. Đảng bộ cũng chỉ đạo tổ chức các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại, nâng cao chất lượng chương trình truyền thanh, đưa ngày giao ban tư tưởng đi vào chiều sâu hơn. Công tác tư tưởng đã góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng hành động của các cấp các ngành, nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên

Công tác tổ chức cán bộ được thực hiện nghiêm túc dưới sự chỉ đạo của cấp trên nhất là trên lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng và thực hiện đề án “nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chức cơ sở Đảng và chi bộ trực thuộc Đảng bộ”. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, quan tâm tới việc phát triển Đảng và công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ cho cả hệ thống chính trị từ xóm đến xã có kế thừa hợp lý. Đánh giá đúng tình hình để có sự luân chuyển đúng người, đúng việc, phát huy tốt nhiệm vụ được giao. Nhiệm kỳ qua đã kết nạp được … đảng viên mới, trong đó có …đảng viên là dân tộc thiểu số. Ngoài ra, hàng năm Đảng bộ còn tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho trên 100 lượt cán bộ từ xóm đến xã. Ủy viên BCH Đảng bộ có trình độ chuyên môn Đại học chiếm 33,3%, 100% cán bộ công chức xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Chi bộ trong sạch vững mạnh chiếm 86,9%, không có chi bộ yếu kém. Đảng bộ được huyện công nhận là đơn vị “Trong sạch vững mạnh”. Ngoài ra, Đảng bộ đã thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của điều lệ Đảng. Triển khai giám sát các nhiệm vụ của cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát, trên cơ sở  thực hiện Nghị quyết 05 của Huyện uỷ (nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát). Hàng năm 100% chi bộ được kiểm tra trên tất cả các mặt theo chương trình kiểm tra của cấp ủy và ủy ban kiểm tra. Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ đã tiếp nhận 27 đơn thư và đã giải quyết 100%, đảm bảo đúng thẩm quyền và đúng thời gian. Công tác kiểm tra đã góp phần tích cực vào việc giáo dục, ngăn ngừa, nâng cao tính tự giác chấp hành kỷ luật của đảng viên và tổ chức Đảng. Đảng bộ xã đã tăng cường công tác dân vận, tạo sự đồng thuận của xã hội trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tập trung vào công tác tuyên truyền vận động, khuấy động lên phong trào thi đua trên tất cả các mặt. Thực hiện tốt các quy chế dân chủ, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi làm ảnh hưởng đến khối đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần sáng tạo trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Cuộc vận động của Bộ Chính trị “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị được triển khai một cách nghiêm túc từ việc xây dựng kế hoạch cho từng thời kỳ, thời gian cụ thể. Các tổ chức cá nhân đều đăng ký phấn đấu xây dựng tiêu chuẩn đạo đức để thực hiện nhiệm vụ chính trị ở lĩnh vực mình tham gia. Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động, xã đã đạt kết quả bước đầu rất quan trọng. Cuộc vận động được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đón nhận và tham gia một cách tự giác. Lấy việc hoàn thành nhiệm vụ là thước đo, tạo sự đoàn kết nhất trí cao trong tổ chức và nhân dân, khơi dậy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương thân, tương ái. Thực hiện cải cách hành chính phục vụ nhân dân, sửa đổi lề lối làm việc, giảm bớt phiền hà cho nhân dân. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, cuộc vận động đã góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng của cả hệ thống chính trị, thực hiện quy chế dân chủ, giải quyết các vụ việc một cách nhanh chóng, hợp tình và đúng pháp luật, giảm bớt đơn thư khiếu nại tố cáo vượt cấp.

Hội đồng nhân dân đã tập trung nâng cao chất lượng các kỳ họp, hoạt động giám sát của Thường trực hội đồng. Tăng cường tiếp xúc cử tri, dành nhiều thời gian của các kỳ họp cho thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn; xây dựng nghị quyết sát đúng với tình hình cụ thể của xã nhà. Bộ máy Ủy ban nhân dân xã không ngừng được củng cố, đội ngũ cán bộ được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Do vậy, hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc, Ủy ban nhân dân đã bám sát các chủ trương của Đảng bộ và Hội đồng nhân dân, cụ thể hoá bằng nhiều đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng chính trị xã hội đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị, làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc đã thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Trong 5 năm qua, Mặt trận cũng như các đoàn thể đã vận động nhân dân ủng hộ được … ngàn đồng và hàng trăm ngày công, xóa được 23 nhà tranh tre tạm bợ, hỗ trợ … học sinh nghèo với tổng số tiền …..triệu đồng. Hội Nông dân đã tạo điều kiện cho 137 hội viên vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với tổng giá trị … tỷ đồng. Các đoàn thể đã thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn và dự án, xây dựng các loại quỹ giúp nhau xóa đói giảm nghèo, nhiều dự án phát huy tốt như: dự án bò sinh sản của phụ nữ đơn thân. Mặt khác, tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến. Đổi mới cách sinh hoạt, thu hút đoàn viên, hội viên tham gia các tổ chức ngày càng đông. Do vậy, tỷ lệ tập hợp của Đoàn Thanh niên là 68,7%, Hội Nông dân 78%, Hội Phụ nữ 92,4%, Hội Cựu chiến binh 98%.

3. Giai đoạn 2010 - 2015

 Tiếp nối thành công đã đạt được, ngày 1.6.2010, Đại hội Đảng bộ Nghĩa Mai diễn ra tại Ủy ban nhân dân xã. Đại hội đã thảo luận và đánh giá đúng mức những kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân của những ưu điểm, khuyết điểm, rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ cơ sở trong 5 năm qua; từ đó, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn phát triển 5 năm tới (2010 - 2015).

    Đại hội Đảng quyết định mục tiêu tiếp theo: “phát huy sức mạnh của cả cộng đồng, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế Nông - Lâm kết hợp, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, chăm lo thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt là các xóm, bản vùng trong có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, các chi bộ trực thuộc. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đòan thể ngày càng vững mạnh. Giữ vững ổn định chính trị. Quốc phòng an ninh được tăng cường vững chắc, giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đưa Nghĩa Mai sớm ra khỏi những xã đặc biệt khó khăn, phấn đấu trở thành một xã khá của huyện”.

Ban Thường vụ nhiệm kỳ (2010 - 2015) gồm các đồng chí:

1.     Đồng chí Vi Văn Đua - Bí thư Đảng ủy

2.     Đồng chí Hoàng Văn Nhường - Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã

3.     Đồng chí Vũ Xuân Hiển - Phó Bí thư Thường Trực, Chủ tịch HĐND

4.     Đồng chí Lê Hải Long - Phó Chủ tịch kinh tế

5.     Đồng chí Ngô Minh Tú - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã

          Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nghĩa Mai lần thứ 20, nhiệm kỳ 2010 - 2015 trong tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định, dịch bệnh gia súc, gia cầm còn xảy ra, thu nhập bình quân đầu người khá thấp. Tuy vậy Đảng ủy, chính quyền đã có nhiều cố gắng, bám sát chương trình, kế hoạch công tác đề ra, tập trung lãnh đạo khắc phục khó khăn, triển khai nhiệm vụ trên các lĩnh vực. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn xã, đến năm 2015, Nghĩa Mai đạt được những kết quả chủ yếu sau.

Về phát triển kinh tế

Trong những năm qua (2011 - 2015) kinh tế Nghĩa Mai tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 12,5%, cơ cấu kinh tế năm 2015: nông - lâm - ngư chiếm 89,2%, thương mại - dịch vụ chiếm 1,7%, xây dựng cơ bản và tiểu thủ công nghiệp chiếm 9,1%. Tổng giá trị sản xuất là 77.900 triệu đồng; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 10,4 triệu đồng/năm. Thu ngân sách trên địa bàn là 7.072 triệu đồng

Về trồng trọt, trong 5 năm từ 2010 - 2015 Nghĩa Mai có bước tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực đầu tư, thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trên một đơn vị diện tích các loại cây trồng truyền thống như: lúa lai 312 ha năng suất 5,5 tấn/ha; mía 715 ha năng suất 55- 60 tấn/ha; ngô; lạc vv...Trong lao động sản xuất, đã có nhiều điển hình về mô hình làm kinh tế giỏi, mang lại hiệu quả cao như: Dưa đỏ 80- 100 ha ở nhiều xóm; cam, quýt trên 60 ha ở 4A, 4B; cây công nghiệp hơn 100 ha ở  các xóm 14, 15, 6B, vv... Ngoài ra, Nghĩa Mai còn chú trọng đến công tác phòng ngừa sâu bệnh đối với cây trồng và vật nuôi. Do đó, năng suất chất lượng và hiệu quả một số cây trồng vật nuôi đạt kết quả khá.

Chăn nuôi được xác định là khâu trọng yếu trong phát triển nông nghiệp của xã nhà. Trong nhiệm kỳ, cấp ủy đã quan tâm chỉ đạo động viên nhân dân áp dụng KHKT, tranh thủ các nguồn lực, đầu tư, phát triển chăn nuôi, duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm. Thời gian này có nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư và phát triển theo hướng chăn nuôi hàng hóa. Hàng năm đưa lại thu nhập khá, ổn định. Một số hộ có nhiều cách làm sáng tạo để phát triển theo mô hình trang trại vừa và nhỏ, kết hợp với VACR mới có thu nhập khá.

Lâm nghiệp: Hàng năm năm, xã luôn quan tâm bảo vệ tốt diện tích rừng trồng thuộc các chương trình dự án và chăm sóc tốt rừng trồng mới, không để xẩy ra cháy rừng, nâng diện tích che phủ lên 55%.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản: Trong nhiệm kỳ 5 năm đã huy động sức dân và các nguồn đầu tư xây dựng cơ bản khác để triển khai thi công xây dựng các công trình trên địa bàn. Với tổng số vốn trên 17 tỷ đồng, xã đã xây dựng được 11 công trình ở 4 trường học, đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi, chợ dân sinh vv. Nâng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản, chiếm: 9,1% (so với 2010 tăng 2,5%).

 Thương mại, dịch vụ của xã tuy chiếm tỷ trọng ít trong cơ cấu kinh tế nhưng thương mại dịch vụ của xã đã có bước phát triển đến nay đã có 102 hộ kinh doanh dịch vụ, toàn xã có: 24 hộ kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, kinh doanh ăn uống... tổng mức bán lẻ hàng hóa còn khiêm tốn chiếm: 1,7% (so với 2010 giảm 0,6%). Ước đạt 550 triệu đồng.

Công tác thu chi ngân sách hàng năm tăng khá. Trong hoạt động chi ngân sách đã quan tâm nhiều hơn đến chi cho đầu tư phát triển, hoạt động xã hội. Công tác thu, chi ngân sách đã tuân thủ nguyên tắc, thủ tục theo quy định của luật ngân sách, thu đúng, thu đủ tránh thất thoát và lãng phí. Năm 2010 tổng thu trên: 3 tỉ đồng; đến năm 2014  tổng thu: 5.534 triệu đồng, vượt 190% (chủ yếu là thu từ nguồn phân bổ của cấp trên). Hàng năm hoàn thành việc thu nộp các quỹ pháp lệnh, các khoản đóng góp ủng hộ có nhiều tiến bộ đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đặc biệt trong giai đoạn này, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Đàn về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Nghĩa Mai đã ban hành một số văn bản (Nghị quyết, Quyết định, Thông báo, Kế hoạch, Báo cáo…); thống nhất ra Nghị quyết lãnh đạo tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới; thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xã, Ban Phát triển thôn và Ban Giám sát cộng đồng theo hướng dẫn của tỉnh và huyện; tiến hành phân công nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách cho từng thành viên cụ thể chi tiết. Sau khi Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng Nông thôn mới và tổ công tác được thành lập đã tiến hành điều tra, tập hợp số liệu tình hình kinh tế - xã hội, hiện trạng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của xã để làm cơ sở lập quy hoạch.

Năm 2011, xã đã hoàn thành xong việc lập quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và đã được Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Đàn phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch chung, địa phương đã khẩn trương tiến hành khảo sát lập quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng và vùng sản xuất tập trung cũng như lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng vốn huy động đến hết năm 2014 là … đồng, trong đó nhân dân góp vốn là … đồng. Trong năm 2014 đã giải tỏa 23 km đường giao thông nông thôn, với 500 hộ dân hiến trên 20.000 m2 đất, các xóm, bản đã san lấp, mở rộng hành lang giao thông với gần 10.000 ngày công, nâng cấp đường giao thông nội đồng, kênh mương, sân bóng…. Điều đó đã tạo nên sự thay đổi diện mạo thôn xóm ngày càng khang trang hơn. Sau 5 năm tiến hành chương trình xây dựng nông thôn mới, Nghĩa Mai đã đạt được 5/19 tiêu chí.

Về văn hóa - xã hội

Trong lĩnh vực giáo dục, các trường đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2011 - 2012, triển khai kịp thời có chất lượng năm học 2012 - 2013. Việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường được đẩy mạnh, đáp ứng phần lớn cơ sở vật chất cho dạy và học của các trường. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên.

Toàn xã có 4 trường trân 3 bậc học, năm học 2011 -2012 có 1.297 học sinh nhưng năm học 2012 -2013 có 1.253 học sinh tăng 44 học sinh.  Cụ thế: Học sinh giỏi huyện 61 em đạt 4,9% tăng 1,2 % so với cùng kỳ; học sinh giỏi trường 140 em đạt 11% tăng 6,3 so với cùng kỳ; học sinh đạt danh hiệu tiến tiến, học sinh khá 469 em đạt 37,4% tăng 7,4% so với cùng kỳ; học sinh trung bình 475 em chiếm 37%; học sinh yếu kém: 108 em, chiếm 8%, giảm 6% so với cùng kỳ; Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THCS đạt 98%; Tổng số giáo viên, công nhân viên của 4 trường học là 107 đồng chí. Trong đó, giáo viên giỏi cấp huyện là: 13 đồng chí, giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua là 10 đồng chí. Cuộc vận động toàn dân “Xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phổ biến và mang lại hiệu quả cao. Công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, hệ thống truyền thanh có nhiều thay đổi về thời lượng và chất lượng, 80% gia đình được dùng điện sinh hoạt. Cho đến nay, toàn xã đã có 80 – 85% xóm đạt tiêu chuẩn xóm văn hóa đơn vị văn hóa, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 85% có … đơn vị đạt đơn vị văn hóa. Việc cưới, việc tang đều được nhân dân tự giác chấp hành và thực hiện tốt theo quy ước, hương ước. Những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của xã luôn được gìn giữ và phát huy thông qua nhiều hình thức.

Trạm y tế xã đã làm tốt công tác trực, khám và điều trị cho nhân dân, thực hiện đầy đủ các chương trình Quốc gia về y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được trạm y tế thực hiện tốt. Việc khám định kỳ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được duy trì đều đặn. Do đó, tỷ lệ phát triển dân số trên địa bàn năm 2014 giảm xuống còn 1%.

Các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em được Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể quan tâm. Hàng năm, xã đều tổ chức hội trại cho các cháu vui chơi; đồng thời đến thăm hỏi tặng quà cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, năm 2010 tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng năm 2010 là 225 đến năm 2014 giảm xuống còn 16%.

Công tác Quốc phòng, an ninh

Thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành về lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng cơ sở An toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu, xây dựng xã sạch không có tệ nạn xã hội, nhất là ma túy. Hàng năm, cấp ủy đều có Nghị quyết về lãnh đạo quốc phòng – an ninh giao cho công an và quân sự phối hợp hành động đảm bảo an ninh trật tự, góp phần ổn định chính trị. Xã thường xuyên tổ chức huấn luyện kỹ thuật, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng, khám tuyển nghĩa vụ quân sự luôn đạt chỉ tiêu. Hàng năm, xã tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện xây dựng cơ sở An toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu, vì vậy hiện nay trên địa bàn xã không có người nghiện ma túy, không có tệ nạn xã hội. Đồng thời, xã cũng đã làm tốt công tác hậu phương quân đội: Ban Chính sách xã đã phối hợp với Ban Quân sự, Ban Công an rà soát các đối tượng là quân nhân xuất ngũ, phục viên tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới, hải đảo, làm nhiệm vụ quốc tế Lào, Căm pu chia để hưởng chính sách trợ cấp theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể

Sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ (2010 - 2015), Đảng ủy đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng cấp trên, quy chế làm việc, chương trình công tác hàng năm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đảm bảo vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra của cấp ủy. Căn cứ vào quy chế, quy định của Đảng, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành luôn duy trì chế độ hội nghị sinh hoạt, chế độ giao ban và công tác kiểm tra, giám sát. Ban Chấp hành đã đề ra Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện, nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ Đảng giai đoạn 2010 - 2015. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cấp ủy luôn chú trọng, quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, cải tiến lề lối làm việc, mọi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đều hướng về cơ sở. Công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên được chăm lo chu đáo. Vì vậy, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, số chi bộ trực thuộc được xếp loại trong sạch vững mạnh đạt 75% KH; không có chi bộ yếu kém và không hoàn thành nhiệm vụ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên đạt 99,87%, trong đó đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 14,7%. Đảng bộ xã được Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá đạt trong sạch vững mạnh trong cả nhiệm kỳ. Từ năm 2010 - 2015, đã kết nạp được 59 đảng viên mới.

Cấp ủy luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện quản lý đủ số lượng, lấy hiệu quả công việc để đánh giá cán bộ. Cuộc vận động của Bộ Chính trị “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 03 được triển khai một cách nghiêm túc từ việc xây dựng kế hoạch cho từng thời kỳ, thời gian cụ thể. Các tổ chức cá nhân đều đăng ký phấn đấu xây dựng tiêu chuẩn đạo đức để thực hiện nhiệm vụ chính trị ở lĩnh vực mình tham gia một cách tốt hơn. Cuộc vận động đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đón nhận và tham gia một cách tự giác. Lấy việc hoàn thành nhiệm vụ là thước đo, tạo sự đoàn kết nhất trí cao trong tổ chức và cá nhân, khơi dậy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương thân, tương ái. Thực hiện cải cách hành chính phục vụ nhân dân, sửa đổi lề lối làm việc, giảm bớt phiền hà cho nhân dân. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, cuộc vận động đã góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng của cả hệ thống chính trị, thực hiện quy chế dân chủ, giải quyết các vụ việc một cách nhanh chóng, hợp tình và đúng pháp luật, giảm bớt đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

          Hội đồng nhân dân đã tập trung nâng cao chất lượng các kỳ họp, hoạt động giám sát của Thường trực hội đồng. Tăng cường tiếp xúc cử tri, dành nhiều thời gian của các kỳ họp cho thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Xây dựng Nghị quyết sát đúng với tình hình cụ thể của xã nhà nên được chính quyền triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Bộ máy Ủy ban nhân dân xã không ngừng được củng cố, đội ngũ cán bộ được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Do vậy, hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc, Ủy ban nhân dân đã bám sát các chủ trương của Đảng bộ và Hội đồng nhân dân, cụ thể hóa bằng nhiều đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

          Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng chính trị xã hội đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị, làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc đã thực hiện tốt chương trình “Ngày vì người nghèo”. Trong hơn 3 năm qua, Mặt trận cũng như các đoàn thể đã vận động nhân dân ủng hộ hàng chục triệu đồng và hàng trăm ngày công xóa được… nhà tranh tre tạm bợ. Hội nông dân tạo điều kiện cho … hội viên vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Các đoàn thể đã thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn và dự án, xây dựng các loại quỹ giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến. Đổi mới cách sinh hoạt, thu hút đoàn viên, hội viên tham gia các tổ chức ngày càng đông. Do vậy, tỷ lệ tập hợp của Đoàn Thanh niên là 82%, Hội Nông dân 87%, Hội Phụ nữ 84%, Hội Cựu chiến binh 92%.

Trải qua chặng đường 38 năm từ khi Tổ quốc được thống nhất và sau gần 27 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Mai đã giành nhiều thành tích xuất sắc, tạo nên những bước đột phá quan trọng, đưa Nghĩa Mai từ một xã đặc biệt khó khăn trở thành một xã ngày càng  phát triển có nhiều khởi sắc của huyện Nghĩa Đàn. Có được những thành tựu đó, trước hết là do Đảng bộ xã đã đề ra những bước đi thích hợp cho từng giai đoạn, sát đúng với điều kiện cụ thể của địa phương, tạo được sự thống nhất trong Đảng, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân. Đó chính là sức mạnh đoàn kết, là động lực thúc đẩy để Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Mai làm nên những kỳ tích này. Trên bước đường đi tiếp vẫn còn không ít khó khăn, thử thách, chông gai, song chúng ta hoàn toàn có quyền và được phép tin tưởng rằng, với truyền thống anh dũng kiên cường, với tinh thần quyết tâm cao cùng với những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong quá trình xây dựng quê hương, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách để tiến những bước dài hơn nữa trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

          Tiếp nối thành công trên con đường phát triển, ngày 18.05.2015, đại hội Đảng bộ Nghĩa Mai lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã diễn ra thành công tại Hội trường Ủy ban nhân xã. Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát như sau: “Phát huy sức mạnh của toàn dân, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh đúng hướng, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, chăm lo công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống  nhân dân. Đặc biệt là các xóm bản vùng khó khăn có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Cũng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và đảng viên. Xây dựng Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng ngày càng vững mạnh. Quốc phòng - an ninh được tăng cường vững chắc. Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo – Phát triển” Phấn đấu đưa Nghĩa Mai sớm ra khỏi xã đặc biệt khó khăn, trở thành một xã khá của huyện[8]. Đại hội đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm phấn đấu đạt: 7 - 9%. Giá trị sản xuất bình quân đầu người (năm 2020) đạt: 16,4 triệu đồng /người/năm. Thu ngân sách (năm 2020): đạt 6 - 7 tỷ đồng; Văn hóa - xã hội : Tỷ lệ gia đình văn hóa:  85, tỷ lệ hộ nghèo: 8%, tỷ lệ hộ gia đình dùng nước hợp vệ sinh: 65%, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, trường TH Nghĩa Mai A đạt chuẩn mức độ 2; trường TH Nghĩa Mai B; THCS; Mầm Non đạt chuẩn quốc gia; năm 2020 đạt 15 tiêu chí Nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2020 xây dựng ban công an, quân sự đạt đơn vị quyết thắng, tỷ lệ chi bộ đảng trực thuộc đạt “trong sạch vững mạnh” đạt 50%, không có chi bộ Đảng yếu kém; chính quyền được xếp loại Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hàng năm; MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được cấp trên xếp loại Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hàng năm.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 13 đồng chí, trong đó có 5 đồng chí là Ban Thường vụ:

1. Đồng chí Nguyễn Văn Dần - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND

2. Đồng chí Hoàng Văn Nhường - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND

3. Đồng chí Nguyễn Minh Trí Thường - CT Ủy ban Mặt trận Tổ quốc

4. Đồng chí Lê Hải Long Thường vụ - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân

5. Đồng chí Lê Thanh Hoàn Phó Bí thư.

 

                                                kÕt luËn

          Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, cùng với việc xác lập chủ quyền lãnh thổ, khai phá và mở rộng đất đai, vùng đất Nghĩa Mai ngày càng trở nên đông đúc. Từ bàn tay khối óc, sức lực và trí tuệ, cư dân nơi đây đã biến vùng rừng núi hoang vu thành một vùng đất trù phú, cây trái, lúa và hoa màu quanh năm tươi tốt, đời sống nhân dân ngày càng phát triển. Những nỗ lực của con người trong khai thác, chế ngự và tranh đoạt với tự nhiên, xây dựng đời sống, đấu tranh chống các kẻ thù xâm lược… đã tạo nên truyền thống lịch sử - văn hóa quê hương Nghĩa Mai. Những truyền thống của dân tộc Thổ, Thái được nhân dân giữ vững và phát huy, vừa mang nét riêng của xứ Nghệ, vừa chứa đựng những yếu tố chung đã góp phần làm phong phú và  đa dạng thêm bản sắc văn hóa Nghĩa Đàn nói riêng, Nghệ An nói chung.

          Từ thủa sơ khai, trải qua các triều đại phong kiến lịch sử hay trong phong trào Cần Vương, phong trào yêu nước và cách mạng 30 năm đầu thế kỷ XX, nhân dân Nghĩa Mai luôn luôn tham gia hưởng ứng đông đảo, nhiệt tình. Đặc biệt từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, sức mạnh đại đoàn kết, ý chí đấu tranh của cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây lại càng được phát huy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nghĩa Mai đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong sự nghiệp đấu tranh chống thế lực phong kiến, tay sai, các thế lực thù địch, các hiện tượng, hành vi tiêu cực ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương.

          Được chia tách từ xã Tân Lập từ năm 1953 và thành lập chi bộ và phát triển thành Đảng bộ riêng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghĩa Mai đã cố gắng cao độ để vượt qua thách thức ban đầu cũng như những khó khăn mới nảy sinh để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, vươn lên tiến kịp các xã bạn. Những năm thực hiện sự nghiệp đổi mới theo định hướng của Đảng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của huyện nhà, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai đã nhận thức được những vấn đề cấp bách đặt ra trên chặng đường phát triển. Từ đó, đặt ra các mục tiêu phù hợp với thực tế, khắc phục nhanh các mặt yếu kém, phát huy các tiềm năng sẵn có và tận dụng tiềm lực địa phương để giành thắng lợi toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Là xã miền núi có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác tư tưởng luôn được chú trọng, cán bộ đảng viên xãNghĩa Mai một mặt làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, mặt khác luôn nghiêm túc và gương mẫu trong mọi hoạt động, tạo dựng niềm tin vững chắc trong nhân dân, khơi dậy tối đa sức mạnh đoàn kết toàn dân. Sức mạnh đó chính là nguồn lực để Nghĩa Mai đạt được thành công như ngày hôm nay.

          Sau hơn 60 năm thành lập xã, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai đã rút ra được những bài học kinh nghiệm sau:

          Một là: mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung và Nghĩa Mai nói riêng luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đảng lãnh đạo là nhân tố cơ bản nhất cho mọi thắng lợi của cách mạng. Vì vậy, trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, trong tình hình nào cũng luôn phải giữ vững và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng (từ Đảng ủy xuống các chi bộ). Phải xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo. Không ngừng chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về lập trường tư tưởng và trình độ, năng lực chuyên môn. Luôn đổi mới công tác cán bộ, coi công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác tổ chức Đảng, có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Thường xuyên tiến hành liên tục, có kế hoạch và đúng nguyên tắc công tác phát triển Đảng. Kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống các biểu hiện suy thoái tư tưởng đạo đức trong Đảng, giữa lãnh đạo với kiểm tra giám sát và chỉnh đốn Đảng để không ngừng nâng cao phẩm chất cách mạng, sức chiến đấu của mỗi cán bộ, đảng viên. Chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với việc xây dựng Đảng bộ, chi bộ “Trong sạch vững mạnh”.

          Hai là: Sức mạnh của Đảng bộ là sức mạnh của sự đoàn kết, nhất trí không những trong Đảng mà còn là sự đoàn kết của toàn dân trong đó Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đóng vai trò quan trọng trong quá trình cách mạng giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, phải thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng đảm bảo vững mạnh về mọi mặt đủ sức đảm đương các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. Qua đó, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, phục vụ cho mục đích xây dựng quê hương giàu mạnh. Đồng thời, khơi dậy và phát triển truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của mọi tầng lớp nhân dân vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

          Ba là: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do dân và vì dân. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần tư tưởng “Lấy dân làm gốc” và luôn luôn tâm niệm “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, “Tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đảng phải gắn bó mật thiết với dân. Mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân phải thông qua những hoạt động thực tiễn, xuất phát từ quyền lợi của nhân dân. Muốn phát huy được khả năng cách mạng to lớn của nhân dân, trước hết phải nâng cao đời sống vật chất, trình độ dân trí, ý thức và năng lực làm chủ của nhân dân. Kiên quyết khắc phục tình trạng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

          Trải qua hàng trăm năm lịch sử, người dân Nghĩa Mai không những xây dựng  xóm, bản ngày càng đông đúc giàu đẹp, mà còn hình thành nên truyền thống tốt đẹp, tô đậm thêm lịch sử vẻ vang của quê hương, đất nước. Truyền thống đó đã giúp Nghĩa Mai vượt qua mọi chông gai để sinh tồn và phát triển. Vì vậy, khơi dậy, phát huy truyền thống và những giá trị tốt đẹp là vấn đề mấu chốt góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển của Nghĩa Mai.

          Những kinh nghiệm được rút ra từ thực tế lịch sử vẫn còn nguyên giá trị. Đó là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghĩa Mai vận dụng, phát huy và giải quyết các vấn đề cụ thể đang đặt ra trên con đường đổi mới toàn diện quê hương, đất nước. Tự hào với quá khứ vẻ vang Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Mai đang nỗ lực tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức viết tiếp những trang sử vẻ vang trên quê hương, cùng cả nước vững bước đi lên trong thiên niên kỷ mới.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC

I. DANH SÁCH LIỆT SỸ NGHĨA MAI HY SINH VÌ SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (1930 - 2015)

 

TT

Họ và tên

Năm sinh

Năm nhập ngũ

Năm hy sinh

1

Nguyễn Văn Sáng

1917

03.1948

23.04.1953

2

Lê Văn Đàm

1958

10.1977

10.03.1979

3

Lê Văn Đức

1962

04.1981

18.8.1982

4

Hoàng Văn Định

1950

06.1968

26.12.1969

5

Đoàn Văn Bút

1950

09.1972

22.11.1973

6

Cao Xuân C­

1950

06.1968

28.07.1972

7

Lê Văn Cần

1949

07.1967

09.01.1970

8

Tr­ương Năng Cộng

1951

09.1968

29.04.1970

9

Mạc Văn Chài

1954

05.1970

10.15.1971

10

Đặng Quang Chế

1950

 

27.05.1986

11

Tr­ương Trung Chính

1950

12.1969

12.09.1972

12

Cao Văn Hơn

1956

05.1974

14.02.1975

13

Hoàng Ngọc Hải

1961

12.1980

30.06.1983

14

Lê Văn Hạt

1956

08.1976

28.06.1978

15

Hoàng Hữu Hồng

1947

11.1964

15.10.1969

16

Nguyễn Thái Hồng

1954

04.1970

15.12.1973

17

L­ương Văn Hiềm

1951

08.1969

02.08.1970

18

L­ương Văn Hoa

1951

12.1969

10.02.1972

19

Hoàng Xuân Huấn

1952

08.1969

20.09.1974

20

Hoàng Minh Khẩn

1952

05.1971

15.08.1972

21

Lê Văn Kỳ

1949

06.1968

01.06.1969

22

Trần Văn Lan

1943

08.1967

05.04.1968

23

Trần Văn L­ợt

1930

03.1949

15.07.1968

24

Lê Văn Lượt

1952

08.1970

22.09.1972

25

Lê Văn Luật

1950

04.04.1969

5.25.1972

26

Lò Văn Phòng

1960

08.1976

07.05.1977

27

Lê Văn Đài

1958

10.1977

05.06.1978

28

Phan Văn Sinh

1956

10.1974

20.04.1986

29

Lê Văn Tấn

1949

09.1968

26.03.1971

30

L­ương Văn Thắng

1959

10.1977

13.08.1978

31

Cao Văn Thanh

1952

04.1970

21.07.1971

32

Vi Văn Th­ước

1951

05.1971

15.10.1971

33

Lê Văn Thử

1950

 

9.18.1979

34

Lô Văn Thuật

1960

10.1977

09.10.1978

35

Sầm Văn Toán

1949

09.1968

09.04.1971

36

Hoàng Minh Trúc

1952

4.16.1970

14.10.1971

37

Nguyễn Văn Tuế

1950

04.1970

28.11.1972

38

Lê Minh Văn

1958

10.1978

25.11.1981

39

Hoàng Quang Vịnh

1949

08.1966

29.04.1974

 

 

II. DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ NGHĨA MAI  QUA CÁC THỜI KỲ

Khóa

Họ và tên

Chức vụ

Năm

Thời kỳ

chi bộ

Khóa I

1. Lê Văn Thắng

2. Lê Văn Minh

3. Lê Khắc Giá

4. Lê Văn Nhiên

5. Trương Văn

Bí thư

Chủ tịch

Phó chủ tịch

Ủy viên UB

Thư ký

Từ 1954

đến 1955

 

Khóa II

1. Cao Văn Điều

2. Lê Văn Hải

3. Lò Văn Chung

4. Lê Văn Minh

5. Lê Văn Nhiên

Bí thư

Chủ tịch (1955)

Trực Đảng

Chủ tịch (1956)

Phó chủ tịch

Từ 1955

đến 1956

 

Khóa III

1. Lương Văn Ón

2. Lê văn Minh

3. Lê Công Tàu

4. Cao Văn Chúc

5. Lê Văn Nhiên

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

Phó chủ tịch

Phó chủ tịch

Từ 1956

đến 1957

  Khóa IV

 

1. Trương Văn

2. Cao Văn Nhiên

3. Cao Văn Chúc

4. Cao Văn Điều

5. Lê Văn Đương

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

Chấp hành

Phó chủ tịch

Từ 1957

đến 1958

Thời kỳ

 Đảng bộ

 

Khóa I

 

1. Cao Văn Điều

2. Lê Văn Nhiên

3. Lê Công Tàu

4. Cao Văn Điều

5. Hoàng Hữu Trầm

6. Lê Văn Đương

7. Lê Văn Cảnh

Bí thư

Chủ tịch xã (ốm nghỉ )

Trực Đảng

Chủ tịch, -thay đ/c Nhiên

 

Phó chủ tịch

Bí thư, thay ông Điều

Năm 1959

 

 

 

Khóa II

1. Lê Văn Cảnh

2. Cao Văn Điều

3. Trương Văn

4. Lê Văn Đương

5. Hoàng Trọng Thường

6. Vi Đức Thành

7. Lê Minh Hưng

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

Phó chủ tịch

Trực UB

Xã đội

Thanh niên

Từ 1959

đến 1960

 

 

Khóa III

1. Lê Công Tàu

2. Cao Văn Điều

3. Cao Văn Chúc

4. Lê Văn Đương

5. Cao Văn Nhiên

6. Lê Dương Lệ

7. Vi Đức Thành

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

Phó chủ tịch

Trực UB

 

Xã đội

Từ 1960

đến 1962

 

 

Khóa IV

1. Lê Văn Cảnh

2. Cao Văn Điều

3. Cao Văn Chúc

4. Hoàng Hữu Trầm

5. Lê Minh Hưng

6. Vi Đức Thành

7. Lê Hồng Việt

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

 

Trực UB

Xã đội

Thanh niên

Từ 1962

đến 1965

 

 

 

Khóa V

1. Cao Văn Chúc

2. Lê  Hồng Phú

3. Lê Minh Hưng

4. Hoàng Hữu Trầm

5. Lê Minh Thư

6. Hoàng Văn Dư

7. Vi Đức Thành

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

Phó chủ tịch

Trực UB

Xã đội

Xã đội, thay ông Dư

Từ 1965

đến 1967

 

 Khóa VI

1.Vi Đức Thành

2. Hoàng Hữu Nghị

3. Lê Công Tàu

4. Lê Minh Hưng

5. Lò Kim Sơn

6. Lê Thị Hường

7. Lê Văn Ảnh

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

Trực UB

Xã đội

Thanh Niên

Kế xã

Từ 1967

đến 1969

 

 

 

Khóa VII

1. Cao Văn Chúc

2. Hoàng Hữu Nghị

3. Cao Văn Lục

4. Nguyễn Đình Liên

5. Lang Văn Xàng

6. Lê Thị Ý

7. Lê Minh Thư

8. Lê Văn Ảnh

9. Lò Kim Sơn

10. Lê Văn Kỷ

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

Trực thay ông Lục

Phó nội chính

Phó Lâm nghiệp

CT,thay ô Nghị cuối NK

Trực UB

Xã đội

Thanh niên

Từ 1969

đến 1971

 

 

 

Khóa VIII

1. Lê Minh Thư

2. Cao Văn Lục

3. Nguyễn Đình Liên

4. Lang Văn Xàng

5. Lê Dương Lệ

6. Trương Minh Hợp

7. Lê Văn Ảnh

8. Lê Văn Kỷ

9. Nguyễn Hồ Trung

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

 

Trực UB

Xã đội

Cơ sở, CN Bái thai

Thanh niên

Mặt trận

Từ 1971

đến 1973

 

 

 

 

Khóa IX

1. Lê Minh Thư

2. Cao Văn Lục

3. Lang Văn Xàng

4. Hoàng Hữu Nghị

5. Trương Minh Hợp

6. Lê Dương Lệ

7. Lê Thị Ý

8. Lê Văn Kỷ

9. Cao Thanh Kiểm

10. Lê Văn Ảnh

11. Lê văn Niêm

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

Phó chủ tịch

Công An

Xã đội

TN (1974 O Hường thay)

 Kế toán ngân sách xã

Trực UB

Cơ sở, CN.HTX Bui Thai

Cơ sở, CN.HTX Yên Bái

Từ 1973

đến 1975

 

 

 

 

Khóa X

 

1. Cao Văn Lục

2. Hoàng Hữu nghị

3. Lê Văn Dựa

4. Lê Văn Niêm

5. Lê Minh Hưng

6. Trương Minh Hợp

7. Cao Thanh Kiểm

8. Lê Văn Kỷ

9. Trương Minh Niêm

10. Lang Văn Xàng

11. Trần Thế Tiến

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

Trực Đảng thay đ/c Dựa

Phó chủ tịch

Công An

Trực UB

Dân Vận

Xã đội

Cơ sở, HTX Long Thành           

Thanh niên

Từ 1976

đến 1977

 

 

 

Khóa  XI

1. Cao Văn Lục

2. Lê Minh Hưng

3. Lê Văn Niên

4. Cao Thanh Kiểm

5. Lê Văn Ảnh

6. Vi Đức Tính

7. Lê Văn Kỷ

8. Trương Công Bằng

9. Lang Văn Xàng

 

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

 Phó chủ tịch

 Trực UB

 Xã đội

 Trực UB thay đ/c Ảnh

Xã đội thay đ/c Tính

Mặt Trận

 

Từ 1977

đến 1979

 

 

 

Khóa XII

1. Cao Văn Lục

2. Cao Thanh Kiểm

3. Lê Văn Niêm

4. Lang Văn Xàng

5. Lê Văn Kiểu

6. Trương Công Bằng

7. Đức Kỷ

8. Lê Văn Kỷ

9. Lê Văn Niên

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

 Phó chủ tịch

 Trực UB

 Xã đội

 CNHTX

UV Thủy lợi thay ô Vinh

  Lâm nghiệp giao thông

 

Từ 1979

đến 1981

 

 

 

Khóa XIII

1. Lê Minh Thư

2. Cao Thanh Kiểm

3. Hoàng Hữu Nghị

4. Lang Văn Xàng

5. Lê văn Kiểu

6. Cao Văn Lục

7. Trương Minh Niêm

8. Lê Văn Kỷ

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

Phó chủ tịch

Trực UB

MT.Trưởng ban KSHTX

Xã đội

CNHTX, Nông Dân

Từ 1981

đến 1984

 

 

 

Khóa XIV

1. Cao Văn Lục

2. Cao Thanh Kiểm

3. Lê Văn Kỷ

4. Lê Văn Kiểu

5. Hoàng Đình Thức

6. Lê Hồng Dương

7. Lê Minh Hưng

8. Cao Sơn Hà

9. Trương văn Cảnh

Bí thư

Chủ tịch

Trực Đảng

Thay ông Kỷ trực Đảng

CNHTX

Xã đội

Phó chủ tịch

Xã đội, thay ông Dương

Cơ sở, Kiểm tra Đảng

Từ 1984

đến 1990

 

 

  Khóa XV

 

1. Hoàng Đình Thức

2. Cao văn Dũng

3. Cao Minh Duyên

4. Lê Văn Kiểu

5. Cao Sơn Hà

6. Nguyễn Thế Văn

7. Lê Văn Tiện

8. Lê Hải Long

9. Trương Văn Cảnh

Bí thư, Chủ tịch xã

Phó Chủ tịch

Trực Đảng thư ký HĐ

 CNHTX

 Xã đội

 Kế toán

 Công an

 Nông dân

Cơ sở,Kiểm tra Đảng

Từ 1990

đến 1994

 

 

 

Khóa XVI

1. Lê Văn Kỷ

2. Cao Văn Dũng

3. Cao Minh Duyên

4. Lê Văn Tiện

5. Ngô Minh Tú

6. Cao Văn Bằng

7. Vi Văn Đua

8. Nguyễn Thế Văn

9. Cao Sơn Hà

Bí thư

 Chủ tịch

Trực Đảng

 Công an

 Xã đội

 Thanh niên

 Mặt trận

 Nông nghiệp

Phó chủ tịch HĐ

Từ 1994

đến 1996

 

 

 Khóa XVII

1. Lê Văn Kỷ

2. Cao Văn Dũng

3. Cao Minh Duyên

4. Ngô Minh Tú

5. Lê Văn Tiện

6. Cao Văn Bằng

7. Vi Văn Đua

8. Nguyễn Thế Văn

9. Cao Sơn Hà

Bí thư

 Chủ tịch

Trực Đảng

 Phó chủ tịch

Công an

 Thanh niên

 Mặt trận

 Nông nghiệp

Phó chủ tịch HĐ

Từ 1996

đến 2000

 

 

 

 

Khóa XVIII

1. Lê Văn Kỷ

2. Cao Văn Dũng

3. Vi Văn Đua

4. Ngô Minh Tú

5. Cao Văn Bằng

6. Cao Thanh Bình

7. Vũ xuân Hiển

8. Nguyễn Đình Luyên

9. Lê Thị Cương

10. Lê Văn Giáp

11. Cao Thị Liên

 

BT (1/2004 ôThành thay)

 Chủ tịch

Trực Đảng, CTHĐND

 Phó chủ tịch

Phó chủ tịch HĐND Thanh niên

 Mặt trận

 Cơ sở, kế toán xã

Cơ sở mầm non

Xã đội

Phụ Nữ

 

Từ 2000

đến 2005

Khóa XIX

1. Ngô Văn Thành

2. Vi Văn Đua

3. Vũ Xuân Hiển

4. Lê Hải Long

5. Hoàng Văn Nhường

6. Ngô Minh Tú

7. Cao Thị Liên

8. Cao Khắc Diện

9. Cao Trọng Bé

10. Lê Thị Cương

11. Trương Văn Cảnh

12. Lê Văn Tiện

 

Bí thư

Phó Bí thư

Phó BT-CT HĐND

CT UBMTTQ

PCT UBND xã

Chủ tịch UBND xã

CT Hội LHPN

CT Hội Cựu chiến binh

CT hội nông dân

Bí thư CB trường Mầm non

Bí thư CB 3C

Trưởng Công an

Từ 2005-2010

Khóa XX

1. Vi Văn Đua

2. Vũ Xuân Hiển

3. Hoàng Văn Nhường

4. Ngô Minh Tú

5. Lê Hải Long

6. Nguyễn Văn Dần

7. Cao Trọng Bé

8. Cao Khắc Diện

9. Cao Thị Liên

10. Cao Văn Bằng

11. Nguyễn Chí Công

12. Hoàng Thị Giang

13. Lê Văn Tiện

14. Hoàng Văn Sơn

15. Cao Văn Lan

16. Lê Văn Thông

 

Bí thư

PBT. CT HĐND

PBT-CT UBND

CT UBMTTQ

PCT UBND

PCT UBND

PCT HĐND

CT Hội CCB

CT Hội LHPN

CT hội nông dân

VP Thống kê

Kế toán

Trưởng Công an

Chỉ huy trưởng Quân sự

Bí thư CB 7A

Bí thư CB 6B

Từ 2010-2015

Khóa XXI

1. Nguyễn Văn Dần

2. Lê Thanh Hoàn

3. Hoàng Văn Nhường

4. Ngô Minh Tú

5. Lê Hải Long

6. Nguyễn Ánh Hồng

7. Hoàng Hữu Bắc

8. Cao Văn Bằng

9. Cao Thị Hồng

10. Trương Thị Thanh

11. Lê Văn Thông

12. Lê Thanh kiên

13. Dương Minh Hùng

Bí thư Đảng ủy

PBT Đảng ủy

PBT/ĐU-CT UBND

CT UBMTTQ

PCT UBND

PCT UBND

PCT HĐND

CT Hội nông dân

CT Hội LHPN

VP HĐND-UBND

Bí thư CB 6B

Bí thư CB 3A

Bí thư CB Trường tiểu học Nghĩa Mai A

Từ 2015-2020

 

III. DANH SÁCH BÍ THƯ ĐẢNG ỦY QUA CÁC THỜI KỲ

 

TT

Họ và tên

Thời gian

1

Lê Văn Thắng

8.1953 - 1.1955

2

Cao Văn Điều

1.1955 - 11.1956

3

Lương Văn Ón

12.1956 - 12.1957

4

Trương Văn Nam

12.1957 - 11.1958

5

Cao Văn Điều

11.1958 - 12.1959

6

Lê Văn Cảnh

12.1959 - 12.1960

7

Lê Công Tàu

12.1960 - 12.1962

8

Lê Văn Cảnh

12.1962 - 12.1964

9

Cao Văn Chúc

1.1965 - 12.1967

10

Vi Đức Thành

12.1967 - 11.1968

11

Cao Văn Chúc

11.1968 - 3.1973

12

Lê Minh Thư

4.1973 - 5.1975

13

Cao Văn Lục

6.1975 - 7.1981

14

Lê Minh Thư

8.1981 - 8.1984

15

Cao Văn Lục

8.1984 - 12.1990

16

Hoàng Đình Thức

1.1991 - 5.1994

17

Lê Văn Kỷ

6.1994 - 1.2004

18

Ngô Văn Thành

1.2004 - 6.2006

19

Vi Văn Đua

7.2006 - 5.2015

20

Nguyễn Văn Dần

5.2015 – 6.2020

21

Trần Đăng Huy

6.2020  đến nay

 

IV. DANH SÁCH PHÓ BÍ THƯ - TRỰC ĐẢNG

 

TT

Họ và tên

Thời gian

1

Trương Văn Nam

1.1954 - 12.1957

2

Lê Văn Chung

12.1957 - 12.1958

3

Lê Công Tàu

12.1958  12.1959

4

Trương Văn Nam

12.1959 - 12.1962

5

Cao Văn Chúc

12.1962 - 12.1964

6

Nguyễn Văn Tương

12.1964 - 11.1965

7

Lê Minh Hương

11.1965 - 06.1969

8

Cao Văn Lục

12.1969 - 5.1970

9

Nguyễn Đình Liên

06.1970 - 04.1973

10

Lang Văn Xàng

04.1973 - 4.1975

11

Lê Văn Dựa

8.1975 - 11.1976

12

Lê Văn Niêm

12.1976 - 3.1981

13

Hoàng Hữu Nghị

04.1981 - 6.1984

14

Lê Văn Kỷ

7.1984 - 1.1990

15

Cao Minh Duyên

2.1990 - 12.1996

16

Vi Văn Đua

12.1996 - 6.2005

17

Vũ Xuân Hiển

7.2005 - 5.2015

18

Lê Thanh Hoàn

6.2015 đến nay

 

V. DANH SÁCH CHỦ TỊCH ỦY BAN

 

TT

Họ và tên

Thời gian

1

Lê Văn Minh

8.1953 - 11.1956

2

Lê Văn Hải

11.1956 - 12.1957

3

Lê Văn Minh

12.1957 - 4.1958

4

Lê Văn Nhiên

4.1958 - 12.1959

5

Cao Văn Điều

12.1959 - 12.1964

6

Lê Văn Phúc

1.1965 - 4.1967

7

Hoàng Hữu Nghị

4.1967 - 3.1971

8

Cao Văn Lục

4.1971 - 7.1975

9

Hoàng Hữu Nghị

8.1975 - 4.1977

10

Lê Minh Hưng

5.1977 - 11.1977

11

Cao Thanh Kiểm

12.1977 - 1.1990

12

Hoàng Đình Thức

1.1990 - 5.1994

13

Cao Văn Dũng

6.1994 - 4.2002

14

Ngô Minh Tú

4.2002 - 7.2010

15

Hoàng Văn Nhường

8.2010  - 6.2020

16

Đoàn Văn Huấn

6.2020 đến nay

VI. DANH SÁCH PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN

 

TT

       Họ và tên

Thời gian

1

Lê Khắc Giá

3.1953 - 3.1954

2

Hoàng Thị Phên

3.1954 - 12.1956

3

Cao Văn Chúc

1.1957 - 4.1958

4

Lê Văn Đương

4.1958 - 5.1963

5

Hoàng Hữu Trầm

5.1963 - 4.1967

6

Lang Văn Xàng

5.1967 - 4.1971

7

Lê Thị Ý

5.1967 - 4.1971

8

Lang Văn Xàng

4.1971 - 4.1973

9

Hoàng Hữu Nghị

 4.1973- 4.1975

10

Lê Minh Hưng

4.1975 - 4.1977

11

Lê Văn Ảnh

5.1977 - 1.1979

12

Lang Văn Xàng

2.1979 - 4.1983

13

Lê Minh Hưng

5.1983 - 4.1990

14

Cao Văn Dũng

5.1990 - 5.1994

15

Lê Văn Tiện

6.1994 - 12.1999

16

Ngô Văn Tú

1.2000 - 1.2002

17

Lê Văn Tiện

2.2002 - 4.2004

18

Nguyễn Văn Dần

5.2004 - 5.2015

19

Hoàng Văn Nhường

5.2004 - 8.2010

20

Lê Hải Long

8.2010 - 10.2014

21

Nguyễn Ánh Hồng

7.2015 đến nay.

22

Hoàng Hữu Bắc

6.2020 đến nay

VII. DANH SÁCH CHỦ TỊCH MẶT TRẬN TỔ QUỐC

 

TT

       Họ và tên

Thời gian

1

Lê Văn Kiểu

1991 - 1994

2

Vi Văn Đua

1994 - 2000

3

Vũ Xuân Hiển

2000 - 2005

4

Lê Hải Long

2006 - 2010

5

Ngô Minh Tú

2010 - 2015

VIII. DANH SÁCH CHỦ TỊCH HỘI PHỤ NỮ

 

TT

       Họ và tên

Thời gian

1

Lê Thị Lúa

6.1954 - 12.1956

2

Hoàng Thị Phèn

1.1957 - 3.1957

3

Trương Thị Có

4.1957  4.1958

4

Lê Thị Tửu

4.1958 - 4.1959

5

Lê Thị Lúa

4.1959 - 1.1962

6

Lê Thị Nhị

1.1962 - 1.1964

7

Trương Thị Luật

1.1964 - 11.1965

8

Lò Thị Xuân

11.1965 - 12.1967

9

Cao Thị Ý

12.1967 - 12.1968

10

Lê Thị Duyên

12.1968 - 12.1969

11

Hoàng Thị Sửu

12.1969 - 10.1970

12

Dương Thị Tùng

10.1970 - 1.1972

13

Lê thị Dũng

1.1972 - 4.1975

14

Nguyễn Thị Tân

4.1975 - 1997

15

Nguyễn Thị Chiên

1997 - 2001

16

Cao Thị Liên

2001 - 10.2014

IX. DANH SÁCH CHỦ TỊCH HỘI NGƯỜI CAO TUỔI

 

TT

       Họ và tên

Thời gian

1

Diêu Ngọc Quế

1991 - 2000

2

Trương Minh Ngoạt

2001 - 2004

3

Lê Châu Yên

2005 - 2009

4

Cao Văn Lục

2010 - 2015

5

Nguyễn Đình Thức

2015 - 2020

 

 

X. DANH SÁCH CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH

 

TT

       Họ và tên

Thời gian

1

Diêu Ngọc Quế

30.12.1992 - 1997

2

Ngô Đình Tâm

1997 - 2001

3

Cao Duy Thuần

2001 - 2006

4

Cao Khắc Diện

2006 - 2012

5

Cao Khắc Diện

2012 - 2017

 

XI. DANH SÁCH CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN

 

TT

       Họ và tên

Thời gian

1

Lê Hải Long

 

2

Cao Trọng Bé

 

3

Cao Văn Bằng

 

 

XII. DANH SÁCH BÍ THƯ ĐOÀN THANH NIÊN

 

TT

       Họ và tên

Thời gian

1

Trương Văn Lâm

6.1954 - 12.1955

2

Cao Văn Lục

12.1955 - 1.1957

3

Vi Văn Tinh

1.1957 - 12.1960

4

Lê Minh Hưng

12.1960 - 10. 1963

5

Trương Hồng Việt

10.1963 - 3.1966

6

Hoàng Minh Duyên

3.1966 - 3.1967

7

Lê Thị Hường

3.1967 - 11.1968

8

Hoàng Minh Sáu

11.1968 - 6.1969

9

Cao Thanh Kiểm

7.1969 -10.1970

10

Lô Văn Kỷ

10.1970 - 5.1973

11

Lê Thị Ý

5.1973 - 5.1974

12

Nguyễn Thị Hường

5.1974 - 4.1975

13

Trần Thị Tiến

5.1975 - 1976

14

Lê Minh Khang

 

15

Trương Minh Quyền

 

16

Cao Khắc Diện

 

17

Hồ Văn Cường

 

18

Đoàn Văn Luyện

 

19

Tô Văn Nhiện

4.1980 - 1993

20

Cao Văn Bằng

1993 - 1999

21

Cao Thanh Bình

1999 - 5.2004

22

Hoàng Văn Sơn

6.2004 - 1.2008

23

Nguyễn Chí Công

2.2008 - 1.2012

24

Lê Thanh Hoàn

2.2012 - 9.2015

25

Nguyễn Thị Hoài Ân

9.2015 - 5.2017

 

XIII. DANH SÁCH XÃ ĐỘI TRƯỞNG

 

TT

       Họ và tên

Thời gian

1

Lê Văn Thắm

3.1953 - 11.1955

2

Trương Văn Nghiêm

11.1955 - 4.1957

3

Lê Văn Lộc

4.1957 - 4.1959

4

Vi Đức Thành

6.1960 - 4.1963

5

Hoàng Văn Dư

4.1963 - 4.1965

6

Hoàng Minh Sáu

4.1965 - 4.1967

7

Lò Kim Sơn

4.1967 - 4.1971

8

Trương Minh Hợp

4.1971 - 4.1973

9

Lê Dương Lễ

4.1973 - 4.1975

10

Lê Dương Lễ

4.1975 - 4.1976

11

Trương Minh Niêm

4.1976 - 4.1977

12

Vi Đức Tính

4,1977 - 5.1979

13

Trương Công Bằng

6.1979 - 5.1981

14

Trương Minh Niên

6.1981 - 6.1984

15

Lê Hồng Dương

7.1984 - 4.1987

16

Cao Sơn Hà

4.1987 - 11.1994

17

Ngô Minh Tú

12.1994 - 12.1999

18

Lê Văn Giáp

12.1999 - 1.2008

19

Hoàng Văn Sơn

1.2008 - 10.2014

XIV. DANH SÁCH TRƯỞNG CÔNG AN

 

TT

       Họ và tên

Thời gian

1

Lê Văn Tuyên

3.1959 - 3.1957

2

Hoàng Hữu Thuế

4.1957 - 4.1961

3

Lê Dương Lễ

4.1961- 4.1964

4

Hoàng Hữu Trầm

4.1964 - 4.1967

5

Lê Văn Nại

4. 1967 - 4.1971

6

Trương Minh Hợp

4.1971 - 5.1977

7

Lê Văn Tiện

 5.2004 - 10.2014

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Lịch sử Đảng cộng sản Việt , năm 2006, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,

2. Tỉnh ủy Nghệ An: Lịch sử Đảng bộ Nghệ An (1930 - 1954), năm 1998, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia.

3. Tỉnh ủy Nghệ An: Lịch sử Đảng bộ Nghệ An (1954 - 1975), năm 1999, tập 2, Nxb Nghệ An

4. Tỉnh ủy Nghệ An: Lịch sử Đảng bộ Nghệ An (1975 - 2005), năm 2008, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia,

5. Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930 - 2008), năm 2010, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

6. Nghĩa Đàn - Đất nước - con người, năm 2010, Nxb văn hóa thông tin,

7. Các triều đại Việt , năm 1995, Nxb Thanh Niên,

8. Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông, năm 2000, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

9. Kỷ yếu hội thảo khoa học 65 năm Xô viết Nghệ Tĩnh, năm 1996, Sở văn hóa thông tin, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

11. Tài liệu thành văn của Ban sưu tầm Lịch sử Đảng bộ xã Nghĩa Mai

12. Các Nghị quyết, báo cáo, tổng kết, thống kê…của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và một số ban ngành đoàn thể  xã Nghĩa Mai.

 



(1) Tức Thái đen - theo danh bạ 54 dân tộc Việt .

(1)  Tài liệu do đồng chí Hoàng Đình Thức - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Mai cung cấp.

[1] Lịch sử Nghệ Tĩnh tập 1, NXB văn hóa thông tin, năm 1984; Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch; Đất nước Việt Nam qua các đời của Giáo sư Đào Duy Anh  và xem Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn…sđd, tr 10 - 12

[2] Hội thảo khoa học về Lý Nhật Quang, Nxb Khoa học xã hội, năm 2005, tr 34.

[3]  Địa danh làng xã Việt Nam  từ thế kỷ XIX đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, NXB khoa học xã hội, Hà Nội, 1981.

(1) Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930 - 2008), Nxb chính trị Quốc gia, tr 56.

(1)  Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930 - 2008), Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, Tr 153.

(1)  xem Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930 - 2008), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tr 155

(2) xem Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930 - 2008), Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Tr 157.

(1)  Lịch sử Đảng bộ Nghĩa Đàn (1930 - 2008), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2010, Tr 159- 160.

(1)  Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, Tr 164 - 165.

(2) Huyện Nghĩa Đàn mới gồm thị trấn Thái Hòa và 23 xã: Nghĩa Mai, Nghĩa Thọ, Nghĩa Long, Nghĩa Yên, Nghĩa Hội, Nghĩa Hòa, Nghĩa Minh, Nghĩa Trung, Nghĩa Quang, Nghĩa Lâm, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lạc, Nghĩa Thuận, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Lộc, Nghĩa Lợi, Nghĩa Tiến, Nghĩa Liên, Nghĩa Đức, Nghĩa An, Nghĩa Hưng và Nghĩa Khánh.

(1) Viết tắt Hai tỉnh Nghệ An - Quãng Ngãi kết nghĩa anh em, cùng thi đua sản xuất và chiến đấu.

(1) Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930 - 2008), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2010, Tr165.

(2)  Tài liệu Do Ban sưu tầm xã Nghĩa Mai cung cấp.

(1) Ba khoán: khoán thời gian hoàn thành công việc; khoán số lượng, chất lượng sản phẩm; khoán công điểm hoàn thành khối lượng công việc được giao. Ba quản: quản lý tài vụ; quản lý tài sản; quản lý lao động.

(1) xem Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930- 2008), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2010, Tr 172,173.

(1) Phong trào 3 sẵ

n sàng: sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần; sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

(2) Phong trào 3 đảm đang: đảm việc nước; đảm việc nhà; nuôi con giỏi, dạy con ngoan.

[4] Tài liệu do Ban Sưu tầm tư liệu Lịch sử Đảng bộ xã Nghĩa Mai cung cấp.

(1)  Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2000, tập 12, tr 108.

[5] Tài liệu do Ban sưu tầm tư liệu LSĐB xã Nghĩa Mai cung cấp.

[6] Tài liệu do Ban sưu tầm LSĐB xã Nghĩa Mai cung cấp.

(1) Xem lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930 - 2008), Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, Tr 183.

(1)  Tài liệu do Ban sưu tầm Lịch sử Đảng bộ xã Nghĩa Mai cung cấp.

(1) Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930 - 2008), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2010, tr 201,202.

(1) Từ năm 1976 đến nay, Ủy ban hành chính (UBHC) đổi tên thành Ủy ban nhân dân (UBND).

(1)  xem Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930 - 2008), Nxb Chính trị quốc gia, năm 2010, tr 215.

(1) xem Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930 - 2008), Nxb Chính trị Quốc gia, Tr 218.

(1 Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V.

(2) ) Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930 - 2008), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2010, Tr 221.

(1)  Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930-2009), Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, Tr 235.

(1) Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930 - 2009), Nxb Chính trị quốc gia, Tr 247.

(2)  Đến tháng 6.1994, đồng chí Hoàng Đình Thức được bổ nhiệm lên công tác tại Huyện ủy Nghĩa Đàn. Do đó, đồng chí Cao Văn Dũng giữ quyền Chủ tịch UBND.

(1)  Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quố gia, Hà Nội 1996, Tr 80.

(2) Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1930-2009), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, Tr 255- 256.

(1)  Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2010, Tr 264,265.

(1))  Trích báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVIII, nhiệm kỳ (2000 - 2005) trình Đại hội khóa XIX, nhiệm kỳ (2005 - 2010)

[7] Tháng 7/2006, đồng chí Ngô Văn Thành  được chuyển lên huyện công tác, do đó Ban Thường vụ được kiện toàn lại.

[8] Trích báo cáo Đại hội Đảng bộ xã Nghĩa Mai lần thứ XX,  nhiệm kỳ 2010 - 2015.

TIÊN LIÊN QUAN
Không có dữ liệu
BẢN ĐỒ XÃ NGHĨA PHÚC - HUYỆN TÂN KỲ
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NGHĨA MAI
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hoàng Hữu Bắc - Phó chủ tịch xã

 Bà: Nguyễn Thị Duy - Công chức VHXH xã

Trụ sở: Xã Nghĩa Mai - Huyện Nghĩa Đàn - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0962.585.198  - Email: nghiamai@nghiadan.gov.vn