BÀI TUYÊN TRUYỀN QUY ĐỊNH VỀ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT
Ngày 22/7/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết
định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp
luật, thay thế Quyết định 619/2016/QĐ-TTg. Ngày 15/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tư
pháp ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BTP quy định về điểm số, hướng dẫn cách
tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật
và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp
luật. Thông tư 09/2021/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Việc ban
hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP có ý nghĩa rất
quan trọng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong triển khai
công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Ngày 08/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết
định số 318/QĐ-TTg về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ
tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; quy định
nêu rõ nội dung xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với xã đạt chuẩn nông thôn
mới tại tiêu chí thành phần 18.4 về hệ thống chính trị và tiếp
cận pháp luật và bổ sung nội dung tiếp cận pháp luật đối với xã nông
thôn mới nâng cao tại tiêu chí 16;
Việc bổ sung tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật
gắn kết các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới với xây dựng xã
đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả
quản lý nhà nước của địa phương và thúc đẩy, cải thiện, nâng cao chất lượng,
đời sống tinh thần nói chung và đời sống pháp lý của người dân. Việc thực
hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật có ý nghĩa quan trọng
nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân;
đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của
pháp luật và xây dựng nền hành chính cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại
góp phần vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức hành chính ở xã.
Cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin
pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục
hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hiến pháp
năm 2013 quy định: công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham
gia thảo luận và kiến nghị với các cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở,
địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà
nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến,
kiến nghị của công dân.
Quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp
cận pháp luật bao gồm 05 tiêu chí với 20 chỉ tiêu cụ thể như sau:
- Tiêu
chí 1: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành
Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn chia thành 2 chỉ tiêu: Chỉ tiêu 1: Ban hành
đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có
thẩm quyền giao; Chỉ tiêu 2: Ban hành đúng quy định pháp luật các văn bản
hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá
nhân.
- Tiêu
chí 2: Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật chia thành 6
chỉ tiêu: Chỉ tiêu 1: Công khai các thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ theo
đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và thực hiện dân chủ ở xã,
phường, thị trấn; Chỉ tiêu 2: Cung cấp thông tin theo yêu cầu kịp thời,
chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin; Chỉ
tiêu 3: Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng
năm theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật; Chỉ tiêu
4: Triển khai các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật
hiệu quả tại cơ sở; Chỉ tiêu 5: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ
năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho tuyên truyền viên pháp luật theo đúng quy
định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật; Chỉ tiêu 6: Bảo đảm kinh
phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp
luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Tiêu
chí 3: Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý chia làm 3 chỉ tiêu: Chỉ
tiêu 1: Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi
hòa giải ở cơ sở được hòa giải kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định pháp luật
về hòa giải ở cơ sở; Chỉ tiêu 2: Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở
cơ sở theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở; Chỉ tiêu 3:
Thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ
giúp pháp lý.
- Tiêu
chí 4: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn chia thành 5 chỉ tiêu:
Chỉ tiêu 1: Tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân theo đúng quy định pháp
luật về tổ chức chính quyền địa phương; Chỉ tiêu 2: Tổ chức để
Nhân dân bàn, quyết định trực tiếp các nội dung theo đúng quy định
pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Chỉ tiêu 3: Tổ chức
để Nhân dân bàn, biểu quyết các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực
hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Chỉ tiêu 4: Tổ chức để Nhân dân tham
gia ý kiến các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã,
phường, thị trấn; Chỉ tiêu 5: Tổ chức để Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua
Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát
các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị
trấn.
- Tiêu
chí 5: Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu
nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã
hội chia thành 4 chỉ tiêu: Chỉ tiêu 1: Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải
quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật về
tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; Chỉ tiêu 2: Tiếp nhận, giải quyết thủ
tục hành chính theo đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành
chính; Chỉ tiêu 3: Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính
hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Chỉ tiêu 4: Đạt tiêu chuẩn an toàn
về an ninh, trật tự theo đúng quy định pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự,
an toàn xã hội.
- Tổng
số điểm tối đa của các tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp
luật là 100 điểm. Xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp
luật khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Tổng
số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên;
+ Tổng
số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên;
+ Trong
năm đánh giá (tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá),
không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường,
thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công
vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là bài tuyên truyền quy định về xã, phường,
thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật rất mong được các đồng chí cán bộ, đảng
viên cùng toàn thể nhân dân quan tâm hưởng ứng để địa phương hàng năm xã đạt
chuẩn về tiếp cận pháp luật.